Ở Philippines, người ta thường nói “Bigas ay buhay” (Gạo là cuộc sống). Trồng lúa từ lâu được xem là nghề truyền thống bất diệt. Tuy nhiên, giờ đây, giới trẻ Philippines không còn mặn mà với việc đồng áng giữa lúc nước này thuộc tốp đầu thế giới về nhập khẩu gạo.
Độ tuổi của nông dân trồng lúa Philippines ngày càng cao. Ảnh: Interaksyon
Ở Nueva Ecija, một tỉnh phía Bắc Manila, lúa xuất hiện ở khắp mọi nơi. Tại đây, nông dân Privado Serrano, 66 tuổi, giữa tiết trời nắng nóng vẫn ngập trong bùn để gieo sạ. Điều này đòi hỏi sức bền, sự nhanh nhẹn và cơ lưng dẻo dai.
Ông Privado trồng lúa từ năm 10 tuổi. Cha ông cũng là nông dân, các thế hệ trước ông cũng vậy. Hai con trai của ông Privado đều là nông dân trồng lúa. Con gái duy nhất của ông lấy chồng – cũng là một nông dân trồng lúa. Nhưng cháu nội của ông muốn có một cuộc sống khác.
Anh Arvin, 23 tuổi, nói về việc trồng lúa của ông nội: “Tôi không thích việc đó”, cộng thêm rất ngại ánh nắng mặt trời hoặc nâng vật nặng. Arvin biết điều này từ khi còn nhỏ, vì vậy, anh đã theo học ngành tội phạm học tại một trường cao đẳng địa phương và tốt nghiệp vào năm nay, trở thành người đầu tiên có bằng đại học của gia đình. Bao năm qua, anh chứng kiến gia đình mình vất vả, nợ nần chồng chất, mất ăn mất ngủ vì thiên tai gây mất mùa. Em Andrea, 10 tuổi, người cháu khác của ông Privado, thì muốn học trường y.
Khoảng 2,4 triệu người Philippines làm nghề trồng lúa, trên những cánh đồng trải dài khắp đất nước, một số sống trên những thửa ruộng bậc thang cổ xưa. Nhưng với những người trẻ tuổi, cuộc sống vất vả, đầy biến động và không mấy dư dả của người trồng lúa ngày càng mất đi sức hấp dẫn. Với việc ngày càng ít người trẻ sẵn sàng làm nông nghiệp, độ tuổi trung bình của nông dân trồng lúa Philippines là 56 và đang ngày càng tăng.
Việc chuyển đổi việc làm tránh trồng trọt, trong đó có trồng lúa, có thể dẫn tới tình trạng thiếu lương thực ở Philippines, quốc gia vốn đã nhập khẩu nhiều gạo hơn nhiều nơi khác. Khi nhậm chức, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đã hứa sẽ thúc đẩy lĩnh vực nông nghiệp, thậm chí tự bổ nhiệm mình làm Bộ trưởng Nông nghiệp, nhưng những nỗ lực đó phần lớn chưa đạt kết quả như mong đợi.
Giá gạo lên mức cao nhất trong 15 năm qua trong cuối năm 2023, đầu năm 2024. Trong bối cảnh chi phí lương thực tăng vọt, tháng 11-2023, Tổng thống Marcos Jr. đã từ chức Bộ trưởng Nông nghiệp và bãi bỏ mức trần giá gạo. Tuần trước, ông đã chính thức cắt giảm thuế nhập khẩu gạo từ 35% xuống 15% nhằm đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Tuy nhiên, nông dân cho rằng động thái này chưa đủ.
Nông dân trồng lúa thu về trung bình 294 USD/ha mỗi vụ trồng lúa, sau khi trừ chi phí sản xuất. Lợi nhuận có thể khác nhau do thời tiết và giá gạo biến động. Đối với nhiều người ở Nueva Ecija, nơi có 80% là đất nông nghiệp, làm bất cứ việc gì ngoại trừ làm nông được coi là một tấm vé giải thoát. Theo Washington Post, anh Jett Subaba thuộc Trung tâm Cơ giới hóa và phát triển sau thu hoạch Philippines, đặt câu hỏi: “Nếu nông dân của chúng ta không còn trong 20 năm tới, ai sẽ nuôi sống người Philippines?”.
Tuy nhiên, trong khi một số gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc thế hệ trẻ rút lui khỏi ruộng lúa, các chuyên gia cho rằng điều đó không hoàn toàn xấu. Vì xét đến tính hiện đại hóa nông nghiệp, việc thu hẹp số lượng nông dân trồng lúa là bước đi đáng hoan nghênh, thậm chí cần thiết. Họ lập luận rằng sẽ có một thế hệ nông dân trẻ ứng dụng công nghệ và khi đó, hiện đại hóa sản xuất sẽ dẫn dắt ngành trồng lúa Philippines.
Theo Khánh Minh/SGGP
Bình luận (0)