Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giới trẻ tái hiện thời vua Hùng

Tạp Chí Giáo Dục

Nhằm ôn lại truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân công lao các Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước, các em sinh viên Khoa Quản lý Văn hóa, nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM đã đến Bảo tàng Áo dài thực hiện chương trình “Huyền sử đời Hùng”.


Phần giới thiệu bánh chưng, bánh giầy của các em

Tham gia chương trình, các em chia thành 2 đội: Đội Sơn Tinh và Thủy Tinh để tham gia các phần thi tìm chồng cho công chúa Mị Nương. Thay vì thực hiện các phần thi như trong truyền thuyết, các em sinh viên đã sáng tạo thành những trò chơi đơn giản nhưng vẫn tái hiện sự tích dưa hấu, bánh chưng, bánh giầy, Sơn Tinh, Thủy Tinh.

Đầu tiên là trò chơi dân gian kéo co. Tiếp theo là trò chơi truy tìm báu vật – Vớt dưa hấu. “Sự tích dưa hấu” kể về Mai An Tiêm – chàng trai mồ côi nhưng thông minh, chăm chỉ nên được Vua Hùng nhận làm con nuôi, lớn lên gả con gái nuôi cho làm vợ. Sau khi bị đày ra đảo hoang, Mai An Tiêm sống được và lập bằng chính những quả dưa hấu mà mình trồng được. Cũng nhờ những quả dưa này, Mai An Tiêm được Vua Hùng phục chức và cho quay trở lại triều đình. Hoạt động này giúp các em nhớ về những người đã có công tạo nên giống dưa hấu cho ngàn đời sau.


Các nữ sinh mặc áo dài tranh tài têm trầu

Sau đó, hai đội tiếp tục tham gia rao và giới thiệu bánh chưng. Bánh chưng ra đời vào thời Vua Hùng thứ 6. Để chọn ra người kế vị, vua cha đã ra lệnh cho người con nào tìm được lễ vật phù hợp sẽ truyền ngôi. Lang Liêu (con trai Vua Hùng) đã dâng lên vua cha hai thứ bánh đó là bánh chưng và bánh giầy tượng trưng cho đất trời. Hàng năm vào Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhân dân thường chọn hai loại bánh này tế lễ.

Trò chơi tiếp theo là trò chơi têm trầu. Hai đội sẽ theo dõi ban giám khảo têm trầu sau đó làm theo và hoàn thành sản phẩm trong thời gian 15 phút. Cuối cùng là phần trình diễn tài năng thông qua các bài hát: “Dòng máu lạc hồng”; “Đất Việt – Tiếng vọng ngàn đời”…

Em Nguyễn Văn Minh (vai Sơn Tinh) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên chúng em được hóa thân thành nhân vật lịch sử để tái hiện lại thời Vua Hùng. Hoạt động này giúp em có dịp ôn lại truyền thống uống nước nhớ nguồn, hiểu được văn hóa của người Việt thời mới khai hoang mở cõi, từ đó trân quý những gì cha ông ta đã khổ công gìn giữ mới có được”.


Sinh viên cùng các thầy cô và du khách trong chương trình “Huyền sử đời Hùng”

Cô Nguyễn Thị Phà Ca (giảng viên khoa Quản lý Văn hóa nghệ thuật, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM ) cho biết, đây là một hoạt động nhằm giúp các em sinh viên vừa ghi nhớ lý thuyết đồng thời có dịp ứng dụng vào thực tế. “Trước đó, khoa đã cho các em nghiên cứu tài liệu về di sản văn hóa phi vật thể, từ đó sử dụng các chất liệu lịch sử để tái hiện câu chuyện một cách sinh động, gần gũi nhằm mang lại những giá trị, ý nghĩa sâu sắc hơn đối với các bạn”, cô Phà Ca chia sẻ.

Bà Huỳnh Ngọc Vân (Giám đốc Bảo tàng Áo dài) chia sẻ: “Hàng năm vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương bảo tàng đều tổ chức hoạt động truyền thống nên phù hợp cho người lớn tuổi. Năm nay, bảo tàng phối hợp với Trường ĐH Văn hóa TP.HCM có thay đổi tổ chức cho các em sinh viên. Bởi các em chính là thế hệ góp phần bảo tồn và giữ gìn những giá trị truyền thống. Các em rất thích thú với hoạt động này, nhiều em còn mong muốn được tổ chức thường xuyên để các em có sân chơi và nhớ về cội nguồn dân tộc”.

Hồ Trinh

Bình luận (0)