Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giới trẻ tìm về với văn hóa dân tộc

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh trình bày ca khúc dân ca Mái đình làng biển trong Liên hoan chú ve con. Ảnh: S.M

Trong khi dòng nhạc hip hop, pop rock, nhạc teen… đang lên ngôi thì việc các bạn sinh viên tự tìm đến với quan họ, dân ca quả rất đáng hoan nghênh. Đây là tín hiệu vui cho việc bảo tồn và phát triển vốn quý của loại văn hóa dân tộc Việt Nam.
Quan họ sinh viên
Hè 2010 này, CLB Quan họ Kinh Bắc lại về quê Bắc Ninh tham gia mùa hè tình nguyện. Các thành viên ra sức tập bài mới, sắm sửa trang phục để biểu diễn trong những đêm giao lưu. Bạn Nguyễn Văn Tỉnh (SV ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết: “CLB Quan họ Kinh Bắc được thành lập từ năm 2007, ban đầu mục đích của các thành viên chỉ để chia sẻ vốn kiến thức về quan họ cũng như tìm hiểu văn hóa Kinh Bắc với nhau, nhưng càng ngày số lượng thành viên đến tham gia CLB càng đông. Hè 2009, CLB về Cao Xá, Bắc Giang, lúc biểu diễn xong mấy bài quan họ, thật bất ngờ khi bà con ở làng thi nhau tham gia. Họ hát rất hay, nhiệt tình đến độ nửa đêm vẫn chưa dứt. Chia tay, bọn mình cứ bùi ngùi mãi. Nếu không có quan họ, tình thân chắc sẽ không được như vậy”. Tham gia CLB Quan họ Kinh Bắc có hơn 100 sinh viên đến từ nhiều trường đại học ở các tỉnh thành khác nhau. Lúc đầu, CLB thiếu thốn mọi thứ, từ nhạc cụ, trang phục, địa điểm sinh hoạt… Nhờ một “người con Kinh Bắc” thành đạt, vốn rất mê quan họ cho mượn hẳn khán phòng có sức chứa đến 200 người cùng với thiết bị âm thanh để các thành viên tập luyện, biểu diễn. Rồi Mạnh Duy, SV Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Bắc Ninh, đã đem kỹ thuật nhà nghề đến góp sức khiến tiếng tăm CLB ngày càng vang xa.
Nhà giáo ưu tú, Đại tá Lưu Ba (Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) nhận xét: Để có được một không gian sinh hoạt văn hóa Kinh Bắc, học hỏi những kỹ thuật hát quan họ với hàng trăm SV tham gia là rất đáng quý. Hoạt động của các bạn góp phần không nhỏ vào việc quảng bá, lưu truyền và phát triển quan họ, một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại”. 
Sức sống của dân ca
Hiện tại, sự xuất hiện ngày càng nhiều những câu lạc bộ, sân chơi dành cho giới trẻ yêu nhạc dân ca đã chứng minh sức sống trở lại của dòng nhạc truyền thống này. CLB Dân ca Trường ĐH Kinh tế TP.HCM hoạt động có hiệu quả nhiều năm qua. Từ một CLB hoạt động tự phát dần dần lớn lên, phát triển rất mạnh với gần 30 thành viên. Không những thế, CLB còn “lôi kéo” được rất nhiều sinh viên của trường khác đến tham gia. Vào các ngày cuối tuần, CLB còn vinh dự đón tiếp giáo sư – tiến sĩ Trần Văn Khê, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ, nhà thơ Lê Giang đến nói chuyện chuyên đề dân ca rất thú vị và hấp dẫn. Những đêm giao lưu của sinh viên Khoa Đông Phương Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Văn Lang, ĐH Hồng Bàng… với sinh viên nước ngoài, hầu như các bạn đều tập hát những bài dân ca. Trong các cuộc liên hoan văn nghệ ngành giáo dục, gần 50% các ca khúc dân ca, câu hò điệu lý được các đơn vị chọn đem ra thi thố tạo nên một làn sinh khí mới cho dòng nhạc dân tộc này. Nhiều bạn trẻ đang du học ở nước ngoài, trong những dịp về thăm nhà cũng tranh thủ đi sưu tầm và học hát những bài dân ca. Theo họ, nếu không biết dân ca sẽ bị cho là không rành lịch sử, thiếu tính dân tộc. Ở Hà Nội, một số CLB dân ca của Nhạc viện Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân… đặc biệt là sân chơi âm nhạc dân tộc Giai điệu Việt Nam cuối tuần cũng thu hút sự tham gia của đông đảo sinh viên.
Nhạc sĩ Quốc An
Giáo sư Trần Văn Khê trong buổi giao lưu với CLB Dân ca Trường Đại học Kinh tế đã phát biểu: “Tôi cảm thấy rất vui vì các bạn trẻ đang dành cho dân ca những tình cảm ưu ái. Nếu chỉ có chúng tôi tâm huyết thì chưa đủ, mà chính các bạn mới là người bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa của nền âm nhạc dân tộc…”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)