Chuyến xe buýt chật cứng bỗng vang lên lời rap cùng với những tiếng rên rỉ, kích dục. Cậu thanh niên tóc vàng hoe khoái chí cầm điện thoại lên nghe trước sự ngượng ngùng của nhiều khách nữ.
Thời gian gần đây nhiều website sử dụng hình thức kinh doanh loại nhạc chế này thu lợi. Chỉ cần nhấp vào trang web sẽ có đủ các lời mời chào những bài nhạc chế với giá chỉ 2.000 đồng một bài. Tất cả các thể loại nhạc đều bị "sáng tác" khiến người nghe rùng mình bởi nội dung quá thô tục. Từ tình yêu trai gái, chuyện xã hội, thậm chí cả chuyện chốn phòng the cũng được vô tư đưa vào nhạc.
Với tựa đề là “thể dục” nhưng toàn bộ lời của bài hát chứa những nội dung chốn phòng the. Lại có những tựa được đặt rất sốc như “Anh đưa em vào phòng”… Bên cạnh đó, các các bản nhạc giới trẻ yêu thích cũng được "nhào nặn" thành những câu hát chói tai.
Giới trẻ dễ dàng tìm được các bản nhạc chế gây "sốc" trên mạng. |
Mặc dù chứa những lời lẽ tục tĩu, phản cảm nhưng nhạc chế hiện nay được một bộ phận giới trẻ rất chuộng. Hải Đăng sinh viên trường đại học kinh tế TP HCM cho hay, tình cờ nghe nhạc chế của một người bạn trong phòng, lúc đầu thấy tục quá nhưng nghe miết cũng thấy quen dần.
Theo lời của cậu sinh viên này, có hôm, lớp học đang im phăng phắc bỗng vang lên giai điệu: “Khi mới yêu nhau anh hay lấy tay anh sờ sờ” làm cho nhóm con gái một phen đỏ mặt và phẫn nộ.
Không chỉ có giới sinh viên mà cả các em học sinh cấp 2, cấp 3 cũng chơi loại nhạc chế này. Một cậu học sinh còn mặc áo trung học cơ sở nhún nhảy theo lời nhạc rap đang phát ra từ chiếc điện thoại: "Anh cầm súng anh đi bắn lộn…”.
Theo cậu học sinh này, nhạc chế xuất hiện ngày càng nhiều những câu từ mang đậm tính chợ búa, giang hồ như: dao, súng gậy gộc… Dân chơi loại này cũng dễ dàng truyền nhau bằng cách bắn qua Bluetooth, hay đơn giản chỉ tốn vài ngàn là có thể tải những bản nhạc chế hot nhất.
Bác Tâm, một nhà giáo nghỉ hưu bức xúc bởi loại nhạc chế này đang xuất hiện quá nhiều mà không bị quản lý chặt chẽ. "Những nội dung như thế sẽ tiêm nhiễm vào đầu các em những suy nghĩ, lối sống lệch lạc. Cần phải coi loại nhạc này là một thứ hàng đồi trụy, đóng cửa những trang web hoạt động kiểu này", bác Tâm nói .
Theo tiến sĩ Huỳnh Như Sơn, Trưởng khoa Tâm lý trường đại học sư phạm Sài Gòn, việc một số bạn trẻ thích nghe nhạc chế nhạc dung tục chỉ là khuynh hướng tạm thời. Cảm xúc đó chỉ đem lại cho người nghe sự thoải mái trong chốc lát và chắc chắn không thể phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ cũng như cảm xúc thẩm mỹ đích thực của con người.
Ông Sơn cho rằng, việc các bạn trẻ tiếp xúc với những lời hát dung tục "ngây ngô" sẽ làm cho họ nhìn nhận về vấn đề một cách rẻ rúng, từ đó sẽ có thái độ tiêu cực và hành vi không chuẩn mực. "Âm nhạc là một phần của cuộc sống, âm nhạc góp phần định hướng nhận thức, thái độ và hành vi của con người. Vì vậy nên để âm nhạc hướng con người đến một tâm hồn cao đẹp hơn", ông Sơn nói.
Chuyên viên tư vấn Đào Trọng Mão nhận định thêm, tâm lý giới trẻ hiện nay thích thưởng thức những cái gì mới lạ, bị ảnh hưởng bởi cảm giác mạnh. Loại nhạc chế "bẩn" hiện nay tràn lan trên thị trường thì nhu cầu của họ là tất yếu. "Mỗi con người phải lựa chọn cho mình nhu cầu phù hợp nếu không họ sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ cảm giác ảo và không đúng chuẩn mực xã hội", chuyên viên này nêu.
Trần Hà (VnExpress)
Bình luận (0)