“ Giờ đang vụ gặt, công việc đồng áng bận rộn, thương bố mẹ cháu vất vả, nên tôi đưa cháu đi thi”. Đó là lời tâm sự của bà Đào Thị Bát, 75 tuổi, quê Thái Bình. Vừa nói, bà vừa lau giọt mồ hôi trên trán, tay chân vẫn còn run run sau mấy tiếng ngồi xe khách từ Thái Bình lên Hà Nội.
|
Bà Đào Thị Bát cùng cháu gái được các sinh viên tình nguyện hướng dẫn đi lại và tư vấn về kỳ thi. Ảnh: Trường Phong |
Nhà ít người, bố mẹ bận gặt hái, lo công việc đồng áng nên không thể đưa Nguyễn Thị Yến đi thi. Thấy vậy, dù đã ở tuổi “xưa nay hiếm”, bà Bát vẫn nhận trách nhiệm đưa cháu gái "lai kinh ứng thí". Hai bà cháu mang theo 500 nghìn đồng tiền bán gà vịt của bố mẹ Yến đưa.
Nhà hoàn cảnh khó khăn, mấy hôm trước, mẹ nó bán vài đôi gà, vịt, được 500 nghìn đưa cả cho hai bà cháu đi thi. Thiếu bao nhiêu, phải vay họ hàng, cô bác trên này vậy” – Bà Bát tâm sự.
Giống bà Bát, dù 60 tuổi, nhưng bà Bình ở Ninh Bình cứ đòi đưa cháu gái tên Lan về Hà Nội thi đại học. Không thuyết phục được, bố mẹ Lan đành để hai bà cháu "lai kinh" với bốn triệu đồng tiền lộ phí, ăn ở. Với vài bộ quần áo, con gà chọi làm quà, hai bà cháu Lan bắt xe khách xuống Hà Nội ở nhờ người quen chờ ngày thi đại học.
Bán thóc lấy tiền cho con đi thi
Dù đang ở vào vụ gặt, nhưng nhiều bậc phụ huynh vẫn nhất quyết gạt hết công việc đồng áng để đưa con lên Hà Nội dự thi đại học. Tiền không có, họ phải bán thóc, vay mượn để lo liệu cho chuyến đi xa.
Chú Dư và chú Nam (Vụ Bản, Nam Định) cho biết, phải bán một tấn thóc, lấy tiền làm lộ phí cho con: “Mấy hôm trước mới bán tấn thóc, được gần tám triệu, tôi cầm cả đưa con đi thi. Trên này, chúng tôi không có họ hàng, người thân nên phải chuẩn bị kỹ” – Chú Dư tâm sự.
Cô Phúc (đến từ Hòa Bình) cũng phải bán sáu tạ thóc để có tiền đưa con thi đại học. Vừa đến bến xe Mỹ Đình, cô Phúc lại phải bắt xe lên Vĩnh Phúc, chuẩn bị cho con dự thi trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2. “Vì tương lai con cái, có vất vả, khổ cực thế nào chúng tôi cũng chịu được hết, chỉ mong cháu thi đỗ, học hành thành đạt”.
Nắng nóng, vất vả từ Thanh Hóa đưa con ra Hà Nội dự thi, vừa bước xuống xe, cô H lấy vội chai nước chuẩn bị từ nhà, tu một hơi.
Cô cho biết: Nước đóng chai uống không quen, sợ say xe nên phải chuẩn bị sẵn chai nước từ nhà. Nghe thấy thế, biết mẹ tiết kiệm, chuẩn bị nước từ nhà đi vì sợ tốn tiền mua nước, con cô H quay đi, lau vội giọt nước mắt.
|
Đỗ Hợp – Trường Phong
Tiền Phong
Tin liên quan
Trong bối cảnh giáo dục hiện đại, việc xây dựng một lớp học hạnh phúc không chỉ dừng lại ở những giờ...
Sử dụng nền tảng số, AI để sáng tác nhạc, thiết kế sách điện tử, xây dựng video, biển báo biết nói…...
TP.HCM xây dựng 7 giải pháp phấn đấu đến hết năm 2030 có 35% công chức ngành GD-ĐT đạt trình độ ngoại...
Tôi đang theo học một lớp cao học tại TP.HCM, đồng thời cũng nắm bắt cách học của một số bạn bè...
Bình luận (0)