Đến Đà Nẵng, không khó để nhận ra bóng dáng của những người lính cứu hộ, cứu nạn lặng thầm từ 4 giờ 30 sáng mãi cho tới đêm khuya trên những bãi tắm trải dài từ biển Nguyễn Tất Thành (quận Liên Chiểu) cho đến Mỹ Khê (Sơn Trà), Hà My (giáp tỉnh Quảng Nam). Vào mùa hè, cứ vào ca là những người lính cứu hộ ấy lại phải căng hết sức mình làm việc, để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách!
Những người lính cứu hộ bảo vệ an toàn cho người tắm biển |
Nhọc nhằn nghề cứu hộ
5 giờ sáng, dọc bãi biển Mỹ Khê (quận Sơn Trà), những nhân viên cứu hộ điều khiển thuyền thúng liên tục di chuyển để cảnh báo cho những ai vượt quá mốc giới, đi vào vùng xoáy nguy hiểm. Những tiếng còi nhắc nhở liên tục vang lên. Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ thuộc Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch bước thật nhanh qua các bãi tắm để nắm tình hình, cho biết: “Vào mùa hè, khách đến các bãi tắm rất đông, chỉ cần mình lơ là vài phút là có hiểm nguy xảy ra nên các anh em cứu hộ khi bước vào ca làm việc lúc nào cũng phải căng mình quan sát, làm việc với 100% sức lực, độ nhạy bén của người giữ bình yên trên biển”. Anh Vinh nhớ lại, năm 1999, khi đội cứu hộ vừa mới thành lập, đội vỏn vẹn có tầm trên dưới 20 thành viên. Qua 18 năm, con số ấy đã tăng gấp 5 lần với khoảng 100 nhân viên, chia làm 25 tổ, kéo dài dọc các bãi biển Đà Nẵng để bảo vệ sự an bình cho du khách.
Anh Vinh bảo, khách du lịch đến Đà Nẵng quanh năm nên mùa đông cũng như hè, các ca trực đều được phân chia đều đặn. Mùa đông thì công việc của anh em cứu hộ bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc lúc 16 giờ 30 chiều. Mùa hè thì thời gian sớm hơn sáng 30 phút và kết thúc vào lúc 19 giờ tối. Sau thời điểm đó, du khách muốn tắm thì được hướng dẫn tập trung về bãi tắm đêm – nơi có lực lượng cứu hộ túc trực. Nghề cứu hộ trên biển rất nhọc nhằn. Trước khi làm công tác quản lý, anh Vinh cũng có gần chục năm trực tiếp tham gia giữ bình yên, cứu hộ tại các bãi tắm. “Nhiều người nhìn thấy nhân viên cứu hộ ngồi trên thuyền thúng tưởng an nhàn nhưng ít ai biết trong khi du khách mải mê vui đùa với từng con sóng, anh em phải thường xuyên quan sát, để kịp thời nhắc nhở, nhất là với trẻ em. Vì người trong nước khi không may hụt chân, gặp vùng xoáy thì đến cả sự xoay xở thoát ra với họ còn rất khó, nhiều người không còn đủ sức để kêu cứu nên nếu nhân viên cứu hộ không thường xuyên quan sát thì rất dễ xảy ra đuối nước đáng tiếc”, anh Vinh trải lòng.
Anh Nguyễn Quốc Vinh, Đội trưởng Đội cứu hộ (Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng) cho biết, năm 2016, lực lượng cứu hộ đã cứu thành công 95 trường hợp đuối nước. Riêng 5 tháng đầu năm đã có gần 30 trường hợp được cứu. Các trường hợp đuối nước dẫn đến tử vong thường xảy ra ở các bãi tắm tự phát. |
Vất vả là vậy nhưng mức lương được tính theo lương hành chính, tầm 3 đến 5 triệu đồng. Người làm cứu hộ ở lại bãi biển không chỉ vì miếng cơm manh áo mà vì cả niềm đam mê. Anh Lương Thế Long – một nhân viên có thâm niên 5 năm trong nghề vui vẻ cho biết: “Tôi không sinh ra trong gia đình ngư dân như nhiều anh em khác nhưng lại rất mê bơi lội. Mình rất vui khi được là người giữ biển cho du khách và người dân thỏa sức thư giãn sau những giờ làm việc mệt nhọc”. Hỏi về những sự cố phải cứu nạn, anh bảo: “Nhiều lắm, không kể hết. Có khi sự cố xảy ra, mình không kịp mang theo phao, nghe kêu cứu là lao ngay ra chỗ người gặp nạn. Mỗi lần mình đưa được người bị nạn vào bờ an toàn, nhận lời cám ơn từ họ mình thấy rất sung sướng. Rồi từ đó mà mê nghề”. Kinh nghiệm người làm nghề luôn mách bảo cho những người lính cứu hộ bằng trực quan quan sát.
Cần sự chung sức, chung lòng
Anh Vinh chia sẻ, ngoài cứu hộ, đội còn thường xuyên tổ chức công tác tuyên truyền bằng hệ thống loa bố trí dọc bãi biển, tổ chức tuyên truyền đến từng khu dân cư. Đặc biệt, đội luôn lưu ý anh em chú ý đến các đối tượng học sinh, sinh viên. “Có nhiều trường hợp học sinh, sinh viên do không tuân thủ đến các bãi tắm công cộng có cứu hộ mà đến các bãi tắm tự phát. Chính các em không biết nông sâu thế nào nên đã xảy ra nhiều vụ đuối nước rất thương tâm. Thậm chí ở bãi tắm, nhiều em học sinh hẹn nhau lén cha mẹ, thầy cô đi tắm biển sau những giờ học thể dục. Tôi thường nhắc nhở anh em chú ý đến các nhóm, nhất là học sinh, sinh viên để nhắc nhở các em. Có nhiều bữa, học sinh đang mặc đồng phục thể dục kéo xuống rất đông, mình đến hỏi trường rồi khuyên các em không nên tắm khi không có sự giám sát của giáo viên và phụ huynh. Bữa nào các em vẫn cứ bơi ra xa để tắm thì mình gọi điện cho nhà trường can thiệp”.
Anh Vinh cũng cho rằng, đối với riêng ngành giáo dục, ngoài việc tổ chức phổ cập kỹ năng bơi lội cho học sinh, sinh viên, cần có biện pháp nhắc nhở, quán triệt các em trong khi tham gia tắm biển, ít nhất cũng phải đến những bãi biển công cộng có lực lượng cứu hộ túc trực để được hướng dẫn.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)