Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giữ chèo trong liên hoan

Tạp Chí Giáo Dục

Liên hoan chèo toàn quốc cho thấy sự cố gắng của nghệ sĩ để giữ chèo, nhưng chỉ điều đó thôi chưa đủ.

Những bài bản chèo vẫn còn

ThS Lê Thế Song, người chuyển thể kịch bản chèo vở Thiên duyên huyền tích, tự hào về số lượng bài chèo trong vở diễn của Nhà hát chèo Thái Bình. Ông cho biết vở diễn này có số bài lên tới 30. “Có 30 bài chèo là số lượng lớn của một vở rồi. Trong đó có nhiều làn điệu chèo của làng Khuốc, Thái Bình. Đây là những bài bản cổ, được nghệ nhân dạy lại cho nghệ sĩ. Quý lắm. Nhờ đó các nghệ sĩ thể hiện giọng ca của mình và cũng là thể hiện được di sản của cha ông để lại”, ông Song nói. Đây là một trong những vở diễn có mặt tại Liên hoan Chèo toàn quốc 2022, được tổ chức từ ngày 12 – 28.10 tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam, ở TP.Phủ Lý. Vở diễn kể câu chuyện tình Chử Đồng Tử – Tiên Dung với ý nghĩa ẩn dụ về việc người làm vua phải lo cho dân no ấm.

Giữ chèo trong liên hoan - ảnh 1

Cảnh trong vở Thiên duyên huyền tích. Ảnh: Trinh Nguyễn

Liên hoan có 16 đơn vị và 27 vở diễn tham gia. Trong số này, có nhiều đoàn dựng 2 vở. Đó là Nhà hát chèo Ninh Bình với Người hát gọi mặt trời, Truyện ngoài chính sử – Làm vua; Nhà hát chèo Hải Dương với Thần tướng Yết Kiêu, Duyên nợ cùng chèo; Nhà hát chèo Quân đội có Tình sử ngàn năm, Mật chỉ giữa hoàng cung; Nhà hát chèo Hưng Yên có Ván cờ oan trái, Nguyễn Đình Nghị; Nhà hát chèo Thái Bình có Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm, Thiên duyên huyền tích; Nhà hát chèo Hà Nội có Linh từ quốc mẫu, Tình mẹ; Nhà hát chèo VN có Hồng Hà nữ sĩCánh diều lạc gió; Trung tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nam có Những vì sao không tắt, Khóc giữa trời xanh.

ThS Lê Thế Song cho biết, gắn bó với chèo, với liên hoan chèo toàn quốc, điều khiến ông cảm động nhất là những cộng đồng người nghe chèo “tinh và rất sành”. Đó là những khán giả thuộc làn điệu chèo đến mức họ nghe và có thể phát hiện ra ngay câu hát đó là làn điệu nào, có thể ngân nga đúng làn điệu đó. Ở làng Khuốc, những công chúng “tinh và sành” như thế rất nhiều. Nó cho thấy cộng đồng yêu chèo vẫn còn đó và các nhà hát như có thêm động viên tinh thần.

Có 30 bài chèo là số lượng lớn của một vở rồi. Trong đó có nhiều làn điệu chèo của làng Khuốc, Thái Bình. Đây là những bài bản cổ, được nghệ nhân dạy lại cho nghệ sĩ. Quý lắm. Nhờ đó các nghệ sĩ thể hiện giọng ca của mình và cũng là thể hiện được di sản của cha ông để lại.

ThS Lê Thế Song

Một nhà nghiên cứu cho biết, trong hoàn cảnh hiện nay, khi các đơn vị nghệ thuật truyền thống bị sáp nhập lại thì việc có được những vở diễn chèo, một liên hoan chèo toàn quốc khiến người làm nghề cảm động. “Có địa phương, cải lương và chèo được sáp nhập thành một đơn vị. Sáp nhập và giảm chi phí là điều khiến nghệ thuật truyền thống trở nên rất bấp bênh và dễ tủi thân”, nhà nghiên cứu này cho biết.

Con đường tới di sản UNESCO ghi danh

Nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc (Bộ VH-TT-DL) Đặng Hoành Loan cho biết điều đáng nói là chèo cổ đã bị ảnh hưởng nhiều khi chuyển sang sân khấu hộp kiểu phương Tây. Khi chuyển như vậy, không gian mở của chiếu chèo không còn. Bên cạnh đó, khả năng đưa đẩy, phóng tác của diễn viên cũng không như xưa do họ diễn theo kịch bản có sẵn. “Đã từng có nhà nghiên cứu nghệ thuật Mỹ sang VN đi tìm sân khấu cổ có độ mở và tương tác cao như xưa nhưng không tìm thấy. Tôi nghĩ điều đó rất đáng tiếc”, ông Loan nhớ lại.

Giữ chèo trong liên hoan - ảnh 2

Cảnh trong vở Những vì sao không tắt. Ảnh: BTC cung cấp

Vì thế, ông Loan cho rằng chèo hiện tại được bảo tồn dưới dạng các vở diễn sân khấu. Những vở diễn này sử dụng sân khấu kiểu phương Tây. Chèo cũng liên tục được bổ sung những kịch bản mới. Điều này đòi hỏi những người chuyển thể kịch bản phải liên tục “bắt” những kịch bản mới rồi chuyển sang chèo. Thứ nữa, là làm sao giữ được những làn điệu chèo. Những làn điệu này, theo ông Loan, cần được lưu giữ dưới dạng tư liệu, bên cạnh đó là việc nghệ nhân truyền dạy bài bản chèo cho diễn viên, cho công chúng yêu chèo. “Việc giữ bài bản chèo ở các làng chèo rất quan trọng”, ông Loan nhấn mạnh.

Trong khi đó, nhà biên kịch Chu Thơm, một giám khảo của liên hoan, đánh giá tốt về sự tập hợp bài bản chèo tại đây. Theo ông Chu Thơm, các đoàn đều dựng vở và dự thi với tinh thần giữ càng nhiều bài bản làn điệu chèo cổ càng tốt. Nhưng cũng có điều khiến ông tâm tư là đời sống nghệ sĩ chèo hiện tại khó khăn. “Khó khăn thế mà họ về dự liên hoan thế này, giữ bài bản chèo thế này là tình yêu nghệ thuật chèo lớn lắm”, ông Chu Thơm chia sẻ.

Bà Trần Ly Ly, Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), cho biết thời gian tới Cục sẽ cố gắng tìm cách hỗ trợ cho chèo, hỗ trợ nghệ nhân và diễn viên chèo. Năm tới cũng sẽ có tập huấn và hội thảo về việc bảo tồn và phát huy giá trị của chèo. Trước đó, năm 2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản 7611/VPCP-KGVX truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về việc lập hồ sơ các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của VN trình UNESCO. Theo đó, Phó thủ tướng đồng ý để Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai lập hồ sơ di sản đối với di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật Chèo đồng bằng sông Hồng.

Theo Trinh Nguyễn/TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)