Chế độ ăn uống bất hợp lý khiến HS ở nội thành béo phì ngày càng nhiều |
BS.CK2 Nguyễn Thị Hậu – Trưởng khoa Dinh dưỡng, BV Nhi đồng 2, TP.HCM cho rằng: “Quá trình hấp thu dưỡng chất vô cùng quan trọng, nhất là ở trẻ em khi mà nhu cầu về phát triển, tăng trưởng cao hơn so với người lớn. Lứa tuổi tiểu học (6-10 tuổi), trẻ thường tập trung phát triển khả năng tư duy, trí nhớ, các kỹ năng đọc, viết, tính toán nên rất cần một chế độ dinh dưỡng hợp lý”.
“Cặp đôi” suy dinh dưỡng – béo phì
Chị Kim Xuyến (phụ huynh một HS tiểu học bán trú ở Q.4) cho biết: “Ngày nào cũng vậy, cứ về đến nhà là cháu lao tới tủ lạnh để kiếm đồ ăn. Tủ lạnh thì chỉ có thể chứa những thức ăn như bánh ngọt, phô mai, sữa, sôcôla… Vì vậy, chỉ sau 2 tháng vào lớp 1 mà con tôi đã tăng tới 5kg. Từ một đứa trẻ có cân nặng và chiều cao lý tưởng, giờ cháu đã béo phì rồi”.
Con trai anh Trường (nhân viên chứng khoán) học tiểu học ở Q.3 cũng nhanh chóng trở thành trẻ dư cân. Bởi, “mỗi buổi chiều đón con về đi qua cửa hàng KFC, thằng bé lại đòi dừng xe bắt ba mua. Hôm nào không mua là cháu nói: “Con đói sắp xỉu rồi, ba mua gà rán cho con ăn đi”. Tôi hỏi: “Thế buổi trưa ở trường con không ăn sao?”, cháu trả lời: “Con ăn nhưng không no, đồ ăn vừa ít vừa không ngon”…
Khảo sát của chúng tôi tại một số cổng trường tiểu học ở Q.1, Q.3, Q.Phú Nhuận, Bình Thạnh… vào giờ tan trường cho thấy, các xe đẩy, cửa hàng bán đồ ăn như nui xào, mì xào, gà rán, bánh mì, xôi gà bán rất chạy. “Thượng đế” của những cửa hàng này phần lớn là HS.
Trong khi đó, HS ở ngoại thành thì không có điều kiện để ăn quà nên khá nhiều em bị suy dinh dưỡng. Chị Tình (phụ huynh một HS tiểu học ở huyện Nhà Bè) kể: “Ngày nào đi học về con bé cũng kêu đói nhưng ở nhà làm gì có đồ ăn sẵn nên cháu phải ôm bụng đói chờ đến giờ ăn tối. Vì vậy mà không thấy con lớn tí nào”…
Trẻ béo phì hay suy dinh dưỡng đều dễ bị học kém
Theo bảng nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam, để đảm bảo mỗi năm trẻ 6-10 tuổi tăng từ 2-3kg và 5-8cm thì các em cần được cung cấp 1.600-2.200kcal, 36-50g đạm, 25-30g bột, 500-700mg canxi/ ngày. “Việc cung cấp thiếu hay thừa chất dinh dưỡng đều gây hậu quả không tốt cho trẻ. Trẻ béo phì hoặc suy dinh dưỡng đều học kém, khó tập trung, trí nhớ giảm”, BS. Nguyễn Thị Hậu nhấn mạnh.
Một nghiên cứu gần đây của Viện Dinh dưỡng quốc gia về khẩu phần ăn ở trẻ 6-11 tuổi cho thấy, một số chất dinh dưỡng cung cấp vượt quá cao so với nhu cầu đề nghị như đạm, canxi, vitamin A, C; trong khi sắt chỉ đáp ứng khoảng 75% và vitamin B1, B2, PP chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Với khẩu phần ăn như trên, tỷ lệ HS thừa cân là 9,4%, béo phì là 2,8%, tỷ lệ HS suy dinh dưỡng thể cân nặng và chiều cao khoảng 2%.
“Khi xây dựng thực đơn cho trẻ cần lựa chọn những thực phẩm dễ hấp thu. Cụ thể là chất đạm từ cá, trứng, sữa sẽ dễ hấp thu (tỉ lệ hấp thu > 95% so với đạm thực vật là 70-80%). Các thực phẩm trên còn có nhiều sắt, kẽm, vitamin B2, PP, B12 phù hợp với trẻ. Do đó, nên giữ ở mức 50-60% tổng lượng đạm theo nhu cầu. Việc hấp thu đạm và bột đường sẽ tốt hơn khi thức ăn được nấu chín. Các loại chất béo không no có lợi cho sức khỏe hơn, có trong mỡ cá và dầu thực vật (trừ dầu dừa hay dầu cọ) cũng được hấp thu tốt hơn mỡ động vật giàu chất béo no. Ngoài ra, phải cho trẻ có thời gian vận động 1-2 giờ/ngày, vừa hạn chế thừa cân béo phì, vừa giúp hấp thu tốt các chất, hạn chế táo bón. Không chỉ có vậy, việc vận động còn giúp trẻ tăng cường sức khỏe và phòng chống các bệnh mạn tính về sau”, BS. Nguyễn Thị Hậu khuyến cáo.
Bài, ảnh: Kim Anh
Bình luận (0)