Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Giữ gìn đờn ca tài tử – cải lương từ phong trào

Tạp Chí Giáo Dục

Liên đoàn Lao động quận Tân Bình, TP.HCM vừa tổ chức thành công hội thi "Sao vàng vọng cổ năm 2022". Qua sáu lần tổ chức, hội thi đã thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của khán giả mộ điệu, góp phần thiết thực trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc từ cơ sở.

Anh Huỳnh Thanh Giang (sinh năm 1977) – giảng viên Trường cao đẳng Công nghệ Sài Gòn – cho biết đây là lần thứ hai anh dự thi Sao vàng vọng cổ. Thông qua những lần tham gia sinh hoạt đờn ca tài tử – cải lương các nơi, anh biết đến hội thi và mạnh dạn đăng ký tham gia để thỏa lòng yêu thích đối với bộ môn nghệ thuật đặc sản Nam bộ mà mình đã say mê từ bé. Đánh giá cao công tác tổ chức nghiêm túc, tận tình và rất trọng thị thí sinh, anh Huỳnh Thanh Giang cho rằng ban tổ chức đã nỗ lực rất lớn để duy trì một hoạt động ý nghĩa như vậy. 

Nghệ sĩ Kim Tiến của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phụ diễn cho một học viên tại buổi báo cáo chương trình tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử - cải lương ở huyện Củ Chi - ẢNH: NGUYỄN THU

Nghệ sĩ Kim Tiến của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phụ diễn cho một học viên tại buổi báo cáo chương trình tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử – cải lương ở huyện Củ Chi. Ảnh: Nguyễn Thu

“Năm nay, ở vòng chung kết, mười thí sinh bốc thăm mười bài ca cổ hoàn toàn mới về Bác Hồ và có hai tuần chuẩn bị để thi. Cách tổ chức này tạo rất nhiều hào hứng cho thí sinh. Qua dịp này, tôi được biết nhiều bài ca cổ mới vẫn liên tục ra đời từ các cuộc vận động sáng tác. Tôi cho rằng những bài ca mới này cần nhiều hơn nữa các cuộc thi như Sao vàng vọng cổ, hoặc đa dạng hình thức tuyên truyền, để trở nên phổ biến. Việc luôn có sáng tác mới là minh chứng rõ ràng nhất cho sức sống của nghệ thuật đờn ca tài tử – cải lương trong xã hội hiện đại” – anh Huỳnh Thanh Giang chia sẻ.

Thời gian này, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng vừa hoàn thành lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghệ thuật truyền thống đờn ca tài tử – cải lương cho 60 học viên đang sinh hoạt tại các câu lạc bộ, đội nhóm đờn ca tài tử – cải lương trên địa bàn huyện Củ Chi. Tại chương trình báo cáo kết thúc khóa tập huấn (tối 14/7), những học viên lần đầu được khoác lên những bộ trang phục biểu diễn để hóa thân vào các nhân vật của Máu nhuộm sân chùa, Người tình trên chiến trận, Hàn Mặc Tử… Đặc biệt hơn, họ còn được chính NSƯT Mỹ Hằng, NSƯT Tâm Tâm, “chuông vàng vọng cổ” Nhật Nguyên, Kim Tiến… hỗ trợ phụ diễn.

Lớp tập huấn đờn ca tài tử Nam bộ do Trung tâm Văn hóa - Thể dục thể thao quận Tân Phú tổ chức

Lớp tập huấn đờn ca tài tử Nam bộ do Trung tâm Văn hóa – Thể dục thể thao quận Tân Phú tổ chức

Học viên Kim Loan bày tỏ niềm hạnh phúc khi tham gia lớp tập huấn: “Được các nghệ sĩ chuyên nghiệp tận tụy hướng dẫn trong từng câu thoại, lời ca, kể cả diễn xuất, chúng tôi cảm thấy được truyền thêm ngọn lửa đam mê với nghệ thuật đờn ca tài tử – cải lương”. Anh Nguyễn Thu – chuyên viên Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang – lại xúc động trước sự nhiệt tình của các học viên. “Nhiều cô chú lớn tuổi mà học hăng say lắm. Được chọn báo cáo, có học viên sinh năm 1949 đã thể hiện bài ca về người lính rất xúc động. Thời gian tới, nhà hát tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức các lớp tập huấn góp phần nâng cao chất lượng phong trào đờn ca tài tử – cải lương từ cơ sở”, anh Nguyễn Thu chia sẻ.

Nói về cuộc thi Sao vàng vọng cổ, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Tân Bình Đinh Trần Thanh Tâm cho biết, thời gian đầu, công tác tổ chức cũng rất chật vật, tìm người thi rất khó khăn. Nhưng với quyết tâm tạo sân chơi cho công đoàn viên, người lao động của quận cũng như góp phần giữ gìn di sản văn hóa phi vật thể đờn ca tài tử của nhân loại và nghệ thuật sân khấu cải lương, hội thi đã dần lan tỏa và thu hút được sự chú ý, kể cả người lao động ngoài quận Tân Bình. “Chúng tôi cũng mong muốn mở rộng quy mô và nâng chất hội thi trở thành sân chơi đặc biệt của người lao động toàn thành phố và các tỉnh, thành lân cận”, ông Đinh Trần Thanh Tâm nói.

Hội thi Sao vàng vọng cổ 2022 của Liên đoàn Lao động quận Tân Bình.

Hội thi Sao vàng vọng cổ 2022 của Liên đoàn Lao động quận Tân Bình.

Thạc sĩ Phạm Thái Bình (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) nhận định: TP.HCM vẫn luôn là đơn vị đi đầu trong công tác bảo tồn và phát huy di sản, trong đó có đờn ca tài tử – cải lương ở cả các mặt trình diễn, sáng tác và truyền dạy. “Một di sản mà không có truyền dạy thì không thể lưu truyền, mà khía cạnh này, TP.HCM phát triển khá mạnh. Những năm qua, Trung tâm Văn hóa TP.HCM và hệ thống trung tâm văn hóa TP.Thủ Đức, các quận, huyện đã tổ chức nhiều lớp truyền dạy, tập huấn nâng cao về nghệ thuật đờn ca tài tử – cải lương cho các đối tượng người lớn lẫn thiếu nhi. Hệ thống các nhà thiếu nhi cũng vào cuộc, từ đó xuất hiện những gương mặt tài tử nhí nối tiếp truyền thống. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, các hoạt động phong trào trở lại rộng khắp các địa phương, và nhất là khu vực trường học… Rõ ràng, phong trào đờn ca tài tử – cải lương của TP.HCM vẫn phát triển rất mạnh với đa dạng phương thức sinh hoạt. Đây là nền tảng vững chắc để bồi đắp tình yêu với nghệ thuật dân tộc, khẳng định đờn ca tài tử – cải lương vẫn lắng sâu trong tâm thức văn hóa cộng đồng”, thạc sĩ Phạm Thái Bình nhấn mạnh.

“Tôi vẫn nghe nhiều lời bàn tán rằng đờn ca tài tử – cải lương đang dần mai một. Xung quanh tôi cũng không nhiều người trẻ yêu thích. Nhưng tôi vẫn luôn tin tưởng đờn ca tài tử – cải lương như một mạch ngầm âm ỉ chảy trong mỗi con người, và chỉ cần có điều kiện, được khơi gợi sẽ lại bùng lên” – chị Trần Thị Thi (chuyên viên tâm lý – kỹ năng) – giải Nhì hội thi Sao vàng vọng cổ 2022 – nói. 

Theo Đông A/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)