“Tết 2020” là chuyên đề văn hóa vừa được Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) tổ chức cho gần 2.000 học sinh trong trường. Chuyên đề trên nằm trong nỗ lực đưa giáo dục văn hóa vào trường học được Trường THPT Nguyễn Du đẩy mạnh xuyên suốt năm học này.
Học sinh, giáo viên trong trường cùng các nghệ sĩ tái hiện lại sự tích “Bánh chưng, bánh dầy” ngày Tết
Theo đó, thông qua nhiều hoạt động độc đáo, chuyên đề “Tết 2020” đã chia sẻ đến học sinh ý nghĩa về ngày Tết Nguyên đán, văn hóa ngày Tết, ứng xử trong ngày Tết, phong tục ngày Tết hai miền Nam – Bắc… “Hoa mai có ý nghĩa gì dịp Tết; Mâm ngũ quả hai miền Nam – Bắc khác nhau ra sao, bày biện thế nào cho đúng; Tại sao chúng ta lại ăn thịt kho trứng vào ngày Tết… Tất cả đều là những nét văn hóa mà tổ tiên, ông bà để lại, với triết lý vuông tròn tượng trưng cho trời đất, thể hiện khát vọng về một năm mới an lành, cát tường, đại lộc, sum vầy…”, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang (Câu lạc bộ Nghiên cứu và Vinh danh văn hóa Nam bộ) chia sẻ. Bên cạnh đó, sự tích bánh chưng, bánh dầy, tục ăn cơm bằng đũa, giá trị của nhạc lễ trong lễ hội, văn hóa chưng hoa vạn thọ trong ngày Tết, văn hóa mừng tuổi đầu năm… cũng được truyền tải đến học sinh qua những trích đoạn cải lương đầy ý nghĩa do giáo viên, học sinh và các nghệ sĩ cùng thực hiện. “Hiện nay có một bộ phận người dân, trong đó có không ít giới trẻ quan niệm rằng Tết chỉ là dịp để ăn chơi, nghỉ ngơi như những kỳ nghỉ khác trong năm mà không hiểu được giá trị thật sự của ngày Tết. Văn hóa ngày Tết của Việt Nam rất đặc biệt, đó là dịp để mỗi người tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà, tượng trưng cho sự nối truyền nhiều thế hệ, là dịp soi rọi lại mình để sống tốt hơn. Bữa cơm ngày 30 Tết cũng thiêng liêng vô cùng, cả gia đình quây quần bên mâm cơm cùng nhìn lại một năm đã qua và chờ năm mới đến. Văn hóa mừng tuổi ngày Tết cũng không đơn thuần là mừng thêm một tuổi mà trên hết là thể hiện sự biết ơn, kính trọng ông bà, cha mẹ, thể hiện trách nhiệm của con cháu…”, diễn giả Hồ Nhựt Quang nhấn mạnh. Theo diễn giả Hồ Nhựt Quang, việc hiểu và giữ gìn phong tục ngày Tết chính là cách mỗi người giữ gìn và trân trọng linh hồn của dân tộc, hiểu hơn về trách nhiệm của bản thân với ông bà, cha mẹ, đất nước.
Diễn giả Hồ Nhựt Quang chia sẻ ý nghĩa của các loại bánh trong ngày Tết của 3 miền Bắc – Trung – Nam
Tham gia chuyên đề, em Trần Thiện Nhân (học lớp 12A5) cho hay chuyên đề rất ý nghĩa, mang nhiều thông điệp sâu sắc, giúp mỗi học sinh hiểu hơn giá trị của văn hóa ngày Tết cổ truyền. “Càng ý nghĩa hơn khi ngày nay có nhiều thể loại văn hóa ngoại lai xâm nhập. Chương trình chính là cơ hội để chúng em được tiếp xúc, hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền. Chắc chắn Tết này em sẽ không đi chơi nhiều mà sẽ cùng cha mẹ đi chúc Tết ông bà, cô bác…”, Thiện Nhân nói.
Học sinh tương tác với diễn giả Hồ Nhựt Quang trong chuyên đề
Theo thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng nhà trường), ngoài việc trang bị cho học sinh trong trường những kiến thức về văn hóa, lịch sử của ngày Tết, chuyên đề còn là lời nhắc nhở gửi đến mỗi học sinh rằng hãy yêu, trân trọng, giữ gìn, nâng niu những nét đẹp, nét độc đáo của văn hóa dân tộc trong ngày Tết. Những nét văn hóa đó, tưởng là xa xưa nhưng lại rất mới, nếu như chúng ta quên đi không giáo dục học sinh thì sẽ dễ dàng bị mai một. Do đó, chuyên đề không chỉ có ý nghĩa với học sinh mà còn tác động đến mỗi giáo viên, là kênh để thầy cô lồng ghép hoạt động giáo dục văn hóa, lịch sử cho học sinh thông qua bộ môn.
Đặt trong bối cảnh giáo dục hiện đại, thầy Phú cho rằng vai trò của nhà trường, của những người làm giáo dục hiện nay bên cạnh dạy học sinh về kiến thức còn phải đặc biệt quan tâm đến giáo dục văn hóa. “Cốt lõi để trở thành một công dân toàn cầu không phải là kiến thức mà trước hết là phải hiểu, phải yêu, phải trân trọng văn hóa nước nhà”, thầy Phú bày tỏ.
Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận (0)