Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Tiếng Việt đang dần bị biến chất, báo động thực trạng sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện, đòi hỏi mỗi cá nhân phải có trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Đó cũng là cách giữ gìn bản sắc dân tộc trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nhóm nghiên cứu về thực trạng sử dụng tiếng Việt trong giới trẻ hiện nay

Cô Trịnh Thị Minh Hương (giáo viên Trường THPT Phú Nhuận, TP.HCM) đã trình bày như vậy trong dự án “Trong tiếng Việt – sáng hồn Việt” của mình. Dự án đang giảng dạy thành công tại trường và tham dự Hội thi giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm học 2017-2018 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức.

Các bước thực hiện dự án

Dự án “Trong tiếng Việt – sáng hồn Việt” có 150 học sinh tham gia (cụ thể là lớp 12A5, 12A10, 12A13, 10A5 của Trường THPT Phú Nhuận), được chia làm 10 nhóm. Theo đó, nhóm họa sĩ gồm 25 học sinh có nhiệm vụ vẽ tranh và sáng tác truyện tranh tuyên truyền, cổ động giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Các em đóng vai là những họa sĩ có trách nhiệm dùng tác phẩm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, vẽ tại nhà hoặc ở trường học, công viên, trưng bày tại trường với sản phẩm là tranh tuyên truyền hoặc truyện tranh. Trong khi đó, nhóm điện ảnh có 20 học sinh làm một bộ phim ngắn đưa đến thông điệp giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Các em trở thành nhà sản xuất phim, đạo diễn, diễn viên… theo bối cảnh phim ở trạm xe buýt, đường phố. Còn nhóm kinh doanh gồm 15 học sinh thiết kế sản phẩm trò chơi mang tính giáo dục, có thể kinh doanh thu lợi nhuận tích hợp việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Các em thiết kế, thực hiện, quảng cáo sản phẩm tại nhà riêng và trường học với sản phẩm là bộ đồ chơi sáng tạo. Riêng nhóm giáo dục có 20 học sinh đóng vai là những nhà giáo dục có nhiệm vụ làm ra các sản phẩm giúp cho việc giảng dạy của giáo viên hiệu quả, nâng cao tình yêu tiếng Việt cho học sinh. Có thể thực hiện sản phẩm là những trò chơi, thẻ đọc sách thông minh tại thư viện hoặc lớp học gia đình. Tương tự, nhóm nghiên cứu gồm 10 học sinh nghiên cứu về thực trạng sử dụng tiếng Việt của giới trẻ hiện nay. Để làm được những công trình nghiên cứu khoa học, tại các trường học, thư viện, công viên…, các em đóng vai là những nhà điều tra xã hội học. Nhóm báo chí có nhiệm vụ sử dụng truyền thông đưa tin tức, hay những chuyên mục liên quan đến việc sử dụng tiếng Việt để làm tạp chí giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt hoặc các clip phóng sự. Đặc biệt, nhóm lập trình viên có 6 học sinh làm phần mềm game là những trò chơi điện tử dùng kiến thức của bộ môn tiếng Việt và hướng tới rèn luyện việc sử dụng tiếng Việt. Theo đó, các em là những lập trình viên, lập trình tại nhà những game được phổ biến trên mạng. Ngoài ra còn có các nhóm sáng tác, nhóm sân khấu và nhóm quảng bá, làm các phần việc đã phân công.

Loại bỏ hiện tượng làm vẩn đục tiếng Việt

Theo cô Minh Hương, mục tiêu của dự án là giúp học sinh nhận thức được sự trong sáng là một trong những phẩm chất của tiếng Việt. Nắm được các phương diện biểu hiện sự trong sáng của tiếng Việt, cụ thể là tính chuẩn mực, có quy tắc; sự không lai căng lạm dụng ngôn ngữ khác; phẩm chất văn hóa, lịch sự của lời nói. Hiểu được trách nhiệm giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt… Đặc biệt, dự án cũng không nằm ngoài mục đích phát triển, rèn luyện kỹ năng cứng như nói và viết, kỹ năng cảm thụ, đánh giá cái hay, cái đẹp của lời nói, câu văn trong sáng. Bên cạnh đó, phát triển kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, thuyết trình, làm việc nhóm, quản lý thời gian, xử lý thông tin, học và tự học… Nhất là giúp học sinh biết phê phán và loại bỏ những hiện tượng làm vẩn đục tiếng Việt. Em Nguyễn Ngọc Cát Tường (học lớp 12A5, Trường THPT Phú Nhuận) chia sẻ: “Khi tham gia dự án “Trong tiếng Việt – sáng hồn Việt” em cảm thấy vô cùng hứng thú. Một số bạn trẻ ngày nay đang có những phát ngôn, hành động rất phản cảm, xen lẫn tiếng nước ngoài vào tiếng Việt, vì thế cần lan tỏa thông điệp này để bảo vệ tiếng nói dân tộc mình”.

Một bức tranh tuyên truyền

Phát triển nhưng không làm mất đi bản sắc vốn có

Theo cô Trịnh Thị Minh Hương, Việt Nam đang mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế, nhu cầu phát triển vốn từ vựng cũng như cách diễn đạt của tiếng Việt là một xu thế khách quan. Vấn đề là chúng ta cần có định hướng đúng đắn và chủ động đón nhận xu thế đó để trong quá trình phát triển tiếng Việt không làm mất đi bản sắc vốn có của ngôn ngữ dân tộc. Dự án “Trong tiếng Việt – sáng hồn Việt” nhằm mục đích “đánh thức” thế hệ trẻ phải có nhiệm vụ bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt cũng như bảo vệ bản sắc văn hóa của dân tộc. Đấy là trách nhiệm của mọi công dân Việt Nam góp phần phát triển đất nước bền vững, không tự “đánh mất mình” trong tiến trình hội nhập vào nền văn minh của nhân loại.

Cô Minh Hương cho biết sau khi hoàn thành, dự án sẽ hợp tác với các trường THPT khác trong cụm để triển khai rộng rãi hơn. Đến năm học 2018-2019 sẽ liên kết với các trường THCS thực hiện dự án theo năng lực của học sinh. Về lâu dài, dự án mong muốn hình thành trang web có chức năng chính là “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” nhằm cung cấp kiến thức, đưa tin tức, viết bài nghiên cứu…, qua đó tạo thói quen sử dụng tiếng Việt trong sáng cho mọi người dân, nhất là giới trẻ.

Trần An

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)