Tiếng Việt thật đẹp và thú vị nhưng cũng nhiều ngữ nghĩa, dù là người Việt chưa chắc có thể hiểu hết. Vì vậy, một khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hay ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào, chúng ta nên cố gắng đạt đến tầm “rất Việt” để giữ gìn bản sắc, tinh hoa của dân tộc.
Đó là chia sẻ của các tác giả sách trong chương trình giao lưu ra mắt bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp” do NXB Trẻ tổ chức tại Đường sách TP.HCM mới đây.
Tiếng Việt phong phú
Sự giàu đẹp của tiếng Việt đã làm nên bản sắc, tinh hoa của tiếng Việt, tức là những nét đặc trưng mà nếu mất đi thì nó không còn là nó nữa. Theo thời gian, tiếng Việt được người sử dụng “biến tấu” để tạo ra sự mới mẻ trong cách giao tiếp nhưng vẫn có nghĩa. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến lối chơi chữ. PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang (tác giả tựa sách “Tiếng Việt phương Nam”) cho biết, cách chơi chữ đó dựa trên đặc điểm của tiếng Việt – ngôn ngữ đơn lập. Dựa trên đặc điểm đó, người Việt đã sử dụng phép điệp và đối để chơi chữ. Ví dụ “Ăn có nơi, chơi có chỗ”, “Ăn bát cơm dẻo, nhớ nẻo đường đi”… Bên cạnh đó, còn có một cách chơi chữ nữa của người Việt là sử dụng phép nói láy hay dùng từ trái nghĩa. “Điều kiện địa lý, tự nhiên, văn hóa, xã hội đã ảnh hưởng lớn đến ngôn ngữ tiếng Việt, đặc biệt là ở miền Nam. Miền Tây Nam bộ gắn liền với nhiều sông, kênh, rạch, do đó phương ngữ Nam bộ có vốn từ dồi dào, phong phú từ về sông nước. Ngoài ra, sự giao thoa, tiếp xúc với ngôn ngữ của đồng bào thiểu số như tiếng Khmer đã tạo ra những cách dùng từ khác nhau”, PGS.TS Trần Thị Ngọc Lang cho hay.
GS.TS Nguyễn Đức Dân (tác giả 4 tựa sách trong bộ sách “Tiếng Việt giàu đẹp”) khẳng định, tiếng Việt có điểm thú vị ở phương pháp biểu trưng, có những từ dùng cái A để nói cái B nhưng người sử dụng vẫn hiểu ý nghĩa của từ đó. Phương pháp biểu trưng được áp dụng nhiều trong ca dao, tục ngữ. Ví dụ như câu “Học thầy không tày học bạn”. Nhưng cũng có câu “Không thầy đố mày làm nên”. Hai câu này không hề mâu thuẫn nhau. Hoặc chúng ta vẫn thường nói “Con ông cháu cha”, “Mẹ tròn con vuông”, những từ nghe thì không có lý nhưng thực ra ai cũng hiểu.
Từ cách dùng từ đã đưa đến sự lập luận. Điều này có vai trò rất quan trọng. Trong những cuộc bút chiến, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo cũng lập luận để bảo vệ luận điểm của mình và phản bác luận điểm đối phương. Ở nhà trường phổ thông, học sinh cần lập luận trong những bài văn nghị luận, bình luận. Sinh viên cần lập luận để bảo vệ đồ án tốt nghiệp, luận văn khoa học… “Ở hầu hết các nước phát triển hiện nay, để học sinh, sinh viên thành những người có tư duy độc lập, biết phân tích và phản biện, biết giao tiếp thành công, người ta đã đưa lý thuyết lập luận vào dạy trong nhà trường. Tại Việt Nam, trong chương trình ngữ văn có dạy về văn nghị luận, ở đó có nhiều yếu tố lập luận”, GS.TS Nguyễn Đức Dân chia sẻ.
Cố gắng đạt đến tầm “rất Việt”
Theo nhà báo Lê Minh Quốc (tác giả tựa sách “Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm”), khi ông tìm đọc lại các văn bản đã xuất hiện từ các thế kỷ trước, kể cả trong giao tiếp hằng ngày. Bước đầu ông nhận ra rằng, có những từ theo năm tháng nay đã mang hàm nghĩa khác. Tức từ một sự vật, sự việc nhưng người Việt mỗi thời điểm có cách nói, cách diễn đạt và dùng từ khác nhau. Bên cạnh đó, nhiều từ dần đi vào quên lãng, còn chăng chỉ là ở ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Tuy nhiên, thành ngữ, tục ngữ ra đời với phong tục, tập quán, nghi lễ, quy chế Nhà nước. Và khi các hoạt động này không còn nữa thì tự thân những câu cửa miệng đó cũng đi vào quên lãng.
Nhà báo Lê Minh Quốc cho rằng, từ lời ăn tiếng nói thể hiện qua câu cửa miệng, chúng ta dễ dàng nhận ra tính “nước đôi” của người Việt. Cách nói nước đôi này ông cha ta từng bảo: “Làm trai cứ nước hai mà nói”. Nhìn rộng ra là cả một nghệ thuật trong giữ nước và dựng nước. Ngoài ra, khi nói đến chuyện nhạy cảm về quan hệ giới tính, người Việt đã có cách chọn lọc từ hoặc lấy từ những gì rất quen thuộc trong sinh hoạt đời thường dùng cho cách ám chỉ. Nếu không hiểu, người Việt sẽ có cách nói lắt léo, chơi chữ. Điều đó cho thấy lời ăn tiếng nói của người Việt rất tinh tế, khéo léo, gợi cảm, đa dạng và không đóng khung trong một công thức máy móc, cố định nào cả. “Vậy nên, khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hay ở bất cứ loại hình nghệ thuật nào, tôi nghĩ chúng ta nên cố gắng đạt đến tầm “rất Việt”. Một khi chúng ta tìm về “linh hồn tiếng Việt” thì tiếng Việt sẽ bất biến theo năm tháng”, nhà báo Lê Minh Quốc nói.
Trong khi đó, nhà báo Dương Thành Truyền (tác giả tựa sách “Tình ca tiếng nước ta”) khẳng định, tiếng Việt rất đẹp và thú vị. Vì vậy, nếu là giáo viên, dịch giả, biên tập viên, nhà văn, nhà thơ…, chúng ta cần nâng cao khả năng sử dụng tiếng Việt. Như vậy, chúng ta sẽ biết cách dùng từ để phục vụ trong công việc và cuộc sống, từ đó góp phần giữ gìn và phát huy nét đẹp của tiếng nước ta. “Tôi đã đọc nhiều bài báo có cách đặt tựa rất hấp dẫn. Ví dụ như tựa: Phạt ai – Ai phạt – Bây giờ phạt ai?”, nhà báo Dương Thành Truyền chia sẻ.
Tiếng Việt không chỉ là một ngôn ngữ để giao tiếp mà còn là một phần quan trọng của văn hóa và lịch sử dân tộc. Chính vì vậy, chúng ta cần phải tôn trọng giá trị của nó. Bởi tôn trọng giá trị, văn hóa của tiếng Việt cũng chính là tôn trọng, bảo vệ quyền lợi của những người nói tiếng Việt.
Bài, ảnh: Hồ Trinh
Bình luận (0)