Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Giữ hồn” đàn tính hát then

Tạp Chí Giáo Dục

Một nhóm người đến từ những nơi không phải là cái nôi của đàn tính hát then nhưng đã hết lòng cùng nhau bảo tồn và gìn giữ nghệ thuật truyền thống độc đáo này.

Đàn tính (tính tẩu hay còn gọi đàn tẩu là nhạc cụ khảy dây) hát then là nghệ thuật truyền thống độc đáo của đồng bào dân tộc Thái, Tày và Nùng thuộc các tỉnh miền núi phía Bắc và một số địa phương của Tây Nguyên. Nghệ nhân hát ru Cao Minh Hiền cho biết: “Điệu hát then cũng là linh hồn trong đời sống văn hóa, tinh thần của người dân các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Sơn La… Then còn được dân gian quan niệm là điệu hát do thần tiên, trời (then hiểu là thiên) truyền lại. Bên cạnh các lễ hội, then còn được biết đến trong các ngày lễ cầu an, cầu mùa… của người Tày, xem như gửi lời cầu khấn đến nhà trời cho mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành.

Sức quyến rũ của then

Cũng theo nghệ nhân Cao Minh Hiền, ở mỗi vùng điệu hát then lại có một nét độc đáo riêng. Như then của Tuyên Quang thì có điệu nhạc dập dồn như thúc quân ra trận, hay điệu then của đồng bào Bắc Cạn nghe như một câu chuyện kể nhẹ nhàng, thầm thì, có sức quyến rũ đến kỳ lạ. Còn then của Lạng Sơn nghe rất tha thiết…

Điệu hát then có sức hút đến kỳ lạ, làm mê hoặc bao người mới lần đầu nghe. Tại TP.HCM, đàn tính hát then được nhen nhóm và thổi hồn từ 20 năm trước bởi một nhóm người yêu thích ca hát. Điều thú vị là họ đến với đàn tính hát then khi không một ai biết gì về nhạc cụ và điệu hát này.

Diễn viên không chuyên Minh Thông, Lệ Dung (ngồi, từ phải qua) và các thành viên của Câu lạc bộ Hoa Ban Trắng

Họ là những thành viên của Câu lạc bộ Đàn tính hát then Hoa Ban Trắng. Ngày đầu tiên họ biết đến cây đàn tính và điệu hát then cách nay đã tròn 20 năm. Nếu không được nghe, được xem biểu diễn các bài, làn điệu mang âm hưởng then như Tổ quốc non xa xa; Xuân về non nước Cao Bằng; Lời cây đàn tính; Tiếng đàn then… thì khó lòng có nhiều người yêu thích và “giữ hồn” nghệ thuật này.

Hoa Ban Trắng là tên câu lạc bộ đàn tính hát then đầu tiên ra đời cách đây 20 năm tại Sài Gòn. Ban đầu chỉ có năm thành viên, sau tăng dần lên vài chục và đến nay đã có đến trên 200 thành viên ở mọi lứa tuổi. Trong số đó, có các thành viên đến từ các câu lạc bộ khác vì lòng đam mê ca hát và muốn được khám phá cái hay, cái đẹp của làn điệu này. “Người này rủ người kia, ai mới vào cũng bỡ ngỡ, phải tập tành đàn hát”, bà Vũ Minh Thông, người đầu tiên tìm đến đàn tính hát then và sau đó thành lập Câu lạc bộ Hoa Ban Trắng cho biết.

Bà Hàm Lệ Dung, thành viên của Câu lạc bộ Hoa Ban Trắng nhớ lại: “Lúc bấy giờ, nhạc sĩ Ngọc Bảo tâm tư với các học trò: Đàn tính hát then cần được bảo tồn và phát triển, đặc biệt là tại TP.HCM và để làm được điều này, trước hết phải có lòng đam mê thật sự. Cả nhóm không ai biết gì về đàn tính, thậm chí chưa thấy nó bao giờ. Nhạc sĩ Ngọc Bảo lấy giấy bút ra vẽ phác họa hình thù cây đàn rồi mọi người chuyền tay xem. Tôi cầm tờ giấy về rồi đưa đứa cháu đi Hà Nội mua về 5 cây cho 5 người trong nhóm”.

Ngoài những cái tên như Minh Thông, Lệ Dung và Cao Minh Hiền còn có những diễn viên không chuyên khác như Hà Minh; Ngọc Anh… đã làm nên tên tuổi của Hoa Ban Trắng. 

Ngày đầu học đàn

Lớp học được tổ chức tại nhà bà Thông. Bài đầu tiên thầy Ngọc Bảo dạy là bài Hoa ban đêm xòe, một sáng tác mang âm hưởng của then. Niềm đam mê thật sự được nhen nhóm tại đây nhưng chỉ một thời gian ngắn, lớp học phải chuyển địa điểm vì cha bà Thông lâm bệnh nặng. Khi có thầy dạy, mỗi người càng cảm nhận được cái hay, sức lôi cuốn của đàn tính hát then và nỗ lực tập luyện bài bản hơn. Từ đó, câu lạc bộ bắt đầu đi biểu diễn ở các sân khấu lớn nhỏ của thành phố và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Về sau còn được mời tham gia biểu diễn ở các nước bạn. 

Những năm ấy, bà Hàm Lệ Dung (nguyên cán bộ quản lý ngành giáo dục) là một trong những thành viên đóng góp khá nhiều công sức cũng như tiền bạc để câu lạc bộ duy trì hoạt động. “Năm 2007, tỉnh Cao Bằng tổ chức liên hoan đàn tính hát then lần 2. Mặc dù đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng bà con mang cơm đùm, cơm nắm băng rừng lội suối hàng chục cây số để xem câu lạc bộ biểu diễn”, bà Dung kể.

20 năm qua, thành viên trong nhóm có sự thay đổi, kẻ còn người mất, mỗi người “đầu quân” về mỗi câu lạc bộ nhưng khi cần tập hợp để chuẩn bị biểu diễn thì ai cũng có mặt. Từ thuở các thành viên tuổi trên dưới 40 nay đã là bà nội, bà ngoại nhưng vẫn yêu đời, vẫn ôm đàn và hát gìn giữ văn hóa dân tộc. Ngồi nhắc lại, mỗi thành viên đều nhìn nhận: “Mình đã làm được việc tưởng chừng không thể”.

Bài, ảnh: Trần Tuy An

Bà Dung chia sẻ: “Từ cái tâm mà ra đời câu lạc bộ đàn tính hát then. Chúng tôi luôn trân trọng ý tưởng của các thành viên và sự đóng góp cho sự tồn tại và phát triển đến hôm nay. Đặc biệt là thầy Ngọc Bảo, sau đó là thầy Hoàng Quân đã bỏ ra khá nhiều thời gian dạy đàn hát và dìu dắt chúng tôi. 20 năm, trải qua bao thăng trầm nhưng cũng gặt hái được nhiều thành công, không chỉ giải thưởng mà thành công lớn nhất là kết nối những bạn trẻ sinh viên học sinh đến với bộ môn này”. 

 

Bình luận (0)