Trong thời đại công nghệ số, chiếc nôi đưa giấc đứa trẻ cũng được công nghệ hóa bằng những nhịp đẩy thông qua chiếc mô tơ điện có gắn nhạc ru thì nhiều gia đình bên đường Lê Duẩn (phường Phú Thuận, thành phố Huế) vẫn âm thầm giữ lửa nghề truyền thống đan nôi mây tre.
Ngoài 60 tuổi, ông Trần Thành vẫn âm thâm giữ nghề truyền thống đan nôi với niềm tin còn con trẻ thì còn đan nôi |
Với họ, nghề không chỉ là kế mưu sinh mà còn là hồn cốt của nghề truyền thống cha ông, là hành trang lớn khôn khó quên của những người con từng lớn lên bằng tiếng ầu ơ của mẹ, bằng sự đung đưa của “tao thương, tao nhớ” trong chiếc nôi ấu thơ…
1. Xóm đan nôi mây tre bên con đường Lê Duẩn, phía bên ngoài cửa Chánh Tây của Thành nội Huế có tầm chục hộ theo nghề truyền thống. Phần nhiều trong số đó là họ hàng của nhau. Không ai nhớ chính xác nghề đan nôi mây tre ở đây có từ bao giờ. Chỉ biết đến bây giờ, mỗi gia đình ấy đều đang là đời thứ 3, thứ 4 theo nghề của cha ông. Bà Trần Thị Hoa (71 tuổi) ngồi bên thềm căn nhà nhỏ day mặt về phía con đường Lê Duẩn, trong tiếng xe cộ ầm ào qua phố, giọng ca của bà vẫn cất lên trong trẻo, du dương “Mẹ ngồi cầm bốn tao nôi, tao thẳng, tao dùi, tao nhớ, tao thương!”. Vừa ca, đôi tay bà vẫn liên tục rút tao mây đan nôi. Khung cảnh giữa chiều thật êm ả khiến nhiều người đi đường chậm nhịp xe, lãng du về miền nhớ. Bà Hoa cất giọng trầm ấm: “Nghề đan nôi mây tre là nghề truyền thống của gia đình. Ngày nhỏ thì theo ba phụ việc xếp mây và làm việc lặt vặt, lớn hơn chút nữa được ba chỉ dạy cho cách đan, cách rút từng tao để làm sao cho chiếc nôi cân đối vừa đều, vừa đẹp. Rồi tự nhiên rứa mà theo nghề, trừ những năm chiến tranh lưu lạc, trở về với đời sống thường nhật thì lại làm nghề”. Bà Hoa là đời thứ 3 trong gia đình có nghề truyền thống đan nôi. Mỗi chiếc nôi chưa kể công đoạn chẻ mây, tre thì mất đến 2 ngày mới hoàn thành. “Nhìn đơn giản nhưng để cho ra đời một chiếc nôi mất rất nhiều thời gian, đòi hỏi người thợ phải có niềm đam mê và tính tỉ mỉ trong từng công đoạn. Từ khâu chuốt mây cho đều tay, đến từng múi rút cũng phải nhanh, mạnh và dứt khoát để múi mây không bị chùng”.
Tôi lặng nhìn những đôi tay trần chai sần của người làm nghề miệt mài rút từng mũi mây đều đặn, nhớ về kí ức ấu thơ của mình, nghe đâu đây tiếng mẹ ru ầu ơ da diết thật gần. Chỉ ngần ấy, tôi tin vào cái lý giữ nghề của bà Hoa, của ông Thành và của nhiều người làm nghề ở bên góc Cửa Chánh Tây của Thành nội Huế, nơi con đường Lê Duẩn rộng dài ầm ào tiếng xe cộ lại qua mỗi ngày! |
Kề sát vách nhà bà Hoa, ông Trần Thành (60 tuổi) cũng theo nghề đan truyền thống. Ông Thành chia sẻ, tuổi trẻ ông theo đủ thứ nghề, về già khi sức khỏe không còn đủ để làm việc nữa thì ông quay trở lại với nghề đan nôi mây tre mà thời thơ ấu ông từng được học từ cha ông của mình. Mỗi chiếc nôi phải mất từ 2 đến 3 ngày mới hoàn thành, rồi đưa ra chợ Đông Ba bỏ mối. Mỗi chiếc tùy kích cỡ có giá dao động từ 200 đến 300 ngàn đồng, coi như lấy công làm lãi, cũng đỡ được phần nào chi phí sinh hoạt hàng tháng với người cao tuổi không có nguồn thu nào khác. “Nôi mây tre được nhiều khách tìm mua, có những người ở tận huyện miền núi Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) hay bán đi các tỉnh lân cận, thậm chí lên Tây nguyên. Nhưng không phải lúc nào sản phẩm này cũng bán chạy, như mùa đông thì hiếm hoi lắm mới bán được vài chiếc”, ông Thành bộc bạch.
2. Xưa kia, ở những làng quê thuần Việt, hình ảnh bà mẹ mặc áo nâu sòng bên chiếc nôi kẽo kẹt, ầu ơ ru con, ru cháu đã trở thành niềm cảm hứng cho biết bao thi nhân. Tiếng hát, tiếng nôi ấy cũng đã từng là hành trang khôn lớn trong kí ức của bao nhiêu thế hệ lớn lên từ làng quê, bãi biển mộc mạc. Cuộc sống hiện đại, ngày càng xuất hiện nhiều hơn những sản phẩm nôi tiện lợi được thiết kế bằng nhiều chất liệu khác, có guồng quay bằng điện thay cho đôi tay người mẹ, người bà, thậm chí có cả những đĩa nhạc ru con trẻ vào giấc ngủ. Nghề đan nôi mây tre ở phía Tây thành phố Huế vẫn được duy trì một cách âm thầm mà bền bỉ từ tình yêu, nhiệt huyết của những người làm nghề, nối nghề truyền thống của cha ông. Để đáp ứng được phần nào nhu cầu người tiêu dùng, những người làm nghề như bà Hoa, ông Thành đều biến hóa chiếc nôi từ thuở treo 4 tao dây lên đòn tay trên mái nhà đưa kẻo kẹt thay bằng cái giá gỗ dựng ngay trên nền gạch, gọn gàng và vững chãi. Cũng với cái giá này, tùy nhu cầu người sử dụng có thể dễ dàng thiết kế thêm bộ phận đưa nôi từ nguồn điện sinh hoạt. Bà Hoa bảo, nghề dù khá nặng nhọc, tiền công thu về không được bao nhêu nhưng nghỉ đan một ngày đã thấy nhớ. Thậm chí cất lên câu hát ru mà đôi tay không cầm tao mây rút vành nôi tre thì cũng thấy thiêu thiếu, hụt hẫng. Nghề vì thế dù không được chính thức truyền nối thêm cho thế hệ trẻ nhưng trong mỗi ngôi nhà làm nghề truyền thống ấy, ngọn lửa vẫn âm thầm được nhen nhóm.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bình luận (0)