Bà Nguyễn Thị Phương, cháu của ông Thiểu cũng nối nghề bằng gánh chè rong |
Gánh xí mà phủ (chè đậu đen) phố Hội của cha con ông Ngô Thiểu (ở TP.Hội An) đã đi qua hai thế kỷ, bên góc đường Nguyễn Trường Tộ giữa chiều tà hoài phố nghe nao lòng thương nhớ!
Chưa nếm thử món này – chưa đến Hội An
Một thời, đi ngang góc đường Nguyễn Trường Tộ, bất kể nắng mưa đều thấy hình ảnh một cụ già thân hình nhỏ bé, vận bộ bà ba nâu sòng, đôi mắt sâu với ánh nhìn sắc sảo ngồi bên đôi thùng nhôm bán chè xí mà. Thi thoảng, ông cất tiếng rao vang xa, lọt thỏm vào những con ngõ chật hẹp của phố Hội rồi vọng trở lại: “Ai xí… mà… phủ đây!”. Qua tháng năm, qua bao đổi thay đời người, bên góc đường ấy, vẫn gánh chè ấy của ông lão Ngô Thiểu với vỏn vẹn ba loại thực phẩm đậu xanh xay, mè đen, nước cốt rau má, lá mơ và đường tán vẫn níu chân bao thế hệ đi ngang về tắt trên con đường này. “Đến Hội An mà chưa nếm thử món xí mà phủ của ông già Thiểu là coi như chưa thăm thú trọn cái hồn của chốn này”, ông Seungmin, một du khách Hàn Quốc, lần thứ ba đặt chân đến mảnh đất này nói. Ba lần trở lại với khoảng thời gian ngắn ngủi nhưng ông không quên tản bộ tìm đến góc đường có gánh chè xí mà phủ của ông Thiểu. “5 năm trước, tôi từng được ăn chè do chính ông Thiểu bán bên góc đường này”, vừa đi, ông Seungmin vừa nhớ lại. Tần ngần bên góc đường cũ, người bán chè xưa vắng bóng, ông Seungmin sau giây lát do dự, cất giọng hỏi người phụ nữ bán xí mà bên góc đường cũ. Hỏi ra mới biết, bà là con gái của ông Thiểu. “Gần 3 năm về trước, ba tui sức yếu nên tui thay ba tiếp tục với gánh chè này. Do công việc, nên tui bán buổi sáng, còn chị Phương, con nhà dì tôi bán vào xế chiều”, bà Thị vừa liên tay múc chè cho khách, vừa vui vẻ nói.
Chiều buông dần, trên phố, những vòng xe vẫn vội vã trôi qua. Gánh chè bà Thị vẫn tấp nập khách ghé chân. Những thiếu nữ thướt tha trong tà áo dài sau giờ tan công sở, những bác xích lô sau cuốc xe dài đẫm mồ hôi hay cô cậu học trò vừa tan lớp… Họ ngồi gọn trên những chiếc ghế nhựa nhỏ, lặng lẽ thưởng thức món xí mà nóng hổi. “Từ gánh xí mà phủ này mà ba tui nuôi sống gia đình. Khi xưa, cứ mỗi sáng ba tui gánh chè qua các con hẻm, người mua chè cứ thế thành quen, cứ đến giờ lại ra ngõ đứng chờ ba ngang qua để mua chè. Đi hết các con phố quen, bao giờ ba cũng dừng lại góc phố này để bán cho khách quen”, bà Thị nói. Mỗi bát chè bà Thị lấy cho khách đúng 6 ngàn đồng. Thấy khách băn khoăn nhiều gánh xí mà phủ rong khác lấy đến 16 ngàn, bà Thị nói: “Thời buổi này, mỗi bát chè 6 ngàn thì lời lãi không có bao nhiêu. Thế nhưng khi giao gánh chè và bí quyết cho tui, ba thường dặn, khách ăn chè bao giờ cũng là người nghèo, nên đừng lấy đắt”.
Cố giữ cái nghề
Đưa tay gạt vội giọt mồ hôi, bà Thị trải lòng: “Thực ra vợ chồng tui cũng có thể làm được nhiều nghề khác, thu nhập khấm khá hơn. Nhưng nhìn dáng cha cặm cụi bên nồi xí mà phủ ở tuổi ngoài 90, tụi tui thấy có lỗi khi rời bỏ nghề cha đã gắn bó, đã nuôi tụi tui lớn khôn. Nên vợ chồng bảo nhau cố gắng gìn giữ. Các con sau giờ học, giờ làm cũng phụ mẹ bán xí mà. Tụi nó tự hào được nối tiếp nghề của ông mà không hề e ngại khi nhìn bạn bè đi ngang qua phố trên những chiếc xe sang trọng. Nhìn con, tui thấy lòng thảnh thơi và vui lắm”. Ngừng giây lát, bà Thị kể, ngoài bà ra, gia đình còn có người chị em con dì cũng theo nghề này. Hai chị em đều tuân thủ công thức bí mật nấu chè xí mà của ông cụ và cùng giữ mức giá phải chăng. Cốt để vừa kiếm sống vừa giữ lấy cái tiếng, cái tâm mà ông cụ đã truyền dạy.
Đến Hội An bây giờ, nhiều hàng quán được mở mang, nhưng du khách thập phương và người dân phố cổ vẫn giữ nếp ăn xí mà như món quà vặt thân thuộc của họ. Bên nồi chè, nhiều người vẫn không quên hỏi thăm sức khỏe của người đã “khai sinh” ra món chè này. “Mỗi lần thấy khách hỏi thăm tới ba, tui thấy mình hạnh phúc vì được nối nghề của ba”, bà Thị trải lòng.
Trong không khí bằng lặng của mỗi sớm mai, chiều tà, mỗi bước chân du khách qua phố Hội hay trong hành trang khôn lớn của các cô cậu học trò ở xứ này, ai đó vẫn gói ghém nỗi nhớ trong mỗi chén xí mà phủ – mảnh hồn phố hiếm nơi nào có được. Để rồi, trong hành trình lớn lên, ra đi, đối mặt với bao dùng dằng của đời sống, những vất vả lo toan, hay sống trong những chăn ấm nệm êm, những thú vui hưởng lạc thì kí ức về hồn phố qua bát chè rong bên góc đường Nguyễn Trường Tộ vẫn lẫn khuất đâu đó trong kí ức.
Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên
Bà Thị trải lòng: “Thực ra, vợ chồng tui cũng có thể làm được nhiều nghề khác, thu nhập khấm khá hơn. Nhưng nhìn dáng cha cặm cụi bên nồi xí mà phủ ở tuổi ngoài 90, tụi tui thấy có lỗi khi rời bỏ nghề cha đã gắn bó, đã nuôi tụi tui lớn khôn. Nên vợ chồng bảo nhau cố gắng gìn giữ”. |
Bình luận (0)