Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Giữ hồn” phố cổ: Bài 2: Hồn gốm ở hạ nguồn sông Thu

Tạp Chí Giáo Dục

Nghệ nhân Nguyễn Thị Được – người có 80 năm gắn bó với nghề gốm ở Thanh Hà

Có dịp đến làng Thanh Hà – mảnh đất nơi hạ nguồn con sông Thu Bồn êm ả, ngồi hàng giờ xem người nghệ nhân già biểu diễn bên cái bàn xoay làm nên hình dạng nhiều sản phẩm gốm, ngộ ra rằng, ngôi làng này còn gắn với cái tên Làng gốm bởi lẽ nó dễ nhớ. Và để nhớ bao giờ cũng cần đến những người giữ mảnh hồn làng. Nghệ nhân Nguyễn Thị Được (92 tuổi), ở phường Thanh Hà (TP.Hội An, Quảng Nam) là một trong số đó!

80 năm gắn với bàn xoay gốm

Ở vào tuổi 92, bà Nguyễn Thị Được, một truyền nhân làng gốm vẫn mải miết với chiếc bàn xoay. Đôi tay bà khéo léo uốn những nét tài tình biến cục đất sét thô sơ bỗng chốc trở thành tuyệt tác mê hồn. Nhiều du khách thưởng ngoạn không rời mắt khỏi đôi tay người nghệ nhân già, trầm trồ khen ngợi. Bà Được là thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống làm nghề gốm. “13 tuổi, mệ đã theo mẹ làm quen với đất sét, bàn xoay. Từ đó đến chừ, cuộc đời qua bao thăng trầm, mệ vẫn gắn với bàn xoay chưa một ngày rời bỏ”, bà Được bỏm bẻm nhai trầu, nói.

“Ngày xưa, chỉ cần ra đám ruộng bên mé con sông Thu Bồn trước kia là lấy được đất sét. Có những người trai tráng khỏe mạnh luôn làm nghề lấy đất bán cho người làm gốm. Ngày ấy công nghệ chưa phát triển, sản phẩm làm ra được ưa chuộng, người làng Thanh Hà đa phần theo nghề”, bà Được chỉ tay về dòng Thu Bồn lặng lờ trôi ngang hiên nhà. Bà chậm rãi kể: “Ngày đó các sản phẩm làm ra chủ yếu là vật dụng sinh hoạt trong gia đình như chum, vại, lu. Bây giờ gốm dành cho khách du lịch, nhu cầu về trang trí cao hơn nên tui xoay sang làm thêm sản phẩm như chuông gió, hình các con giáp, bình hoa…”. Theo bà, khó nhất trong các công đoạn làm gốm là khâu chuốt gốm. Nhờ sự khéo léo của đôi bàn tay người nghệ nhân mới làm ra được sản phẩm đồng đều, không bị méo mó. Tất nhiên khâu nhồi đất cũng cần kỹ càng, đủ độ dẻo đều mới cho ra sản phẩm đẹp. “Hơn 90 năm sống trên đời, sinh ra từ làng gốm, ăn, ngủ, làm việc với đất sét, bàn xoay. Lâu thành gắn bó khó rời. Nhiều thời gian gián đoạn với nghề vì chiến tranh ly lạc nhưng tui chưa khi nào nghĩ sẽ đổi nghề. Thuở chiến tranh, ngớt tiếng bom là lại bò lên khỏi hầm ẩn nấp để làm gốm. Rồi chiến tranh cướp mất đứa con yêu quý, đau lòng quá, đêm nào cũng chong mắt nhìn trời cũng lại tìm đến cái bàn xoay, xoay nặn những đồ vật con yêu thích. Nước mắt nhỏ xuống, thấm vào gốm…” –  bà Được kể!

Giữ lửa nghề cháy mãi

Bà Được tâm tư, hơn chục năm lại đây, nguồn đất sét cạn kiệt, người làng gốm phải đi mua đất tận các huyện Điện Bàn, đầu nguồn sông Thu Bồn xa hàng chục cây số. Vất vả mà thu nhập không bao nhiêu. Giữ lấy lò gốm coi như giữ lấy ấu thơ, giữ nghề truyền thống – nơi mỗi ban mai khi ngọn lửa tàn đều in dấu những giọt mồ hôi đời nối đời các thế hệ trong gia đình nhỏ xuống bên từng mẻ gốm nóng hổi. Có lẽ, chừng vài mươi năm trước, chẳng người dân Thanh Hà nào nghĩ có lúc nghề gốm của địa phương mình đứng trước nguy cơ mai một. Ngày ấy, đi đâu cũng nghe tiếng đập nện nhồi đất, tiếng lách tách của than củi đượm đà trong lò nung. Đường làng, vườn nhà không thiếu người ra phơi gốm, áo quần, chân tay ai cũng dính đầy đất sét. Nay cả làng chỉ còn tầm chục hộ theo nghề. Họ xoay ra làm đủ thứ vật dụng theo nhu cầu của khách để phục vụ du lịch, để giữ nghề. Tuy chân tay không còn khỏe mạnh nhưng bà Được vẫn giữ lửa nghề bằng bàn xoay thủ công và chính tay bà tự đun củi nung lò khi mẻ gốm hoàn thành. Mỗi ngày bà vẫn cặm cụi làm việc và truyền nghề lại cho các cháu nội, cháu dâu: “Người làm nghề không gì vui hơn khi có người nối nghề. Tui đã truyền nghề lại cho các cháu, nhất là đứa cháu nội đã chịu khó học hỏi từ năm lên 10 tuổi. Nhìn cháu miệt mài bên bàn xoay, lòng yêu nghề, nỗi trở trăn với nghề của cha ông vơi hẳn”. Vui hơn, mỗi ngày có hàng chục lượt khách tìm về, họ tìm đến bà, xem bà xoay gốm. Rồi tự tay họ làm thử. Câu chuyện gốm theo du khách lan xa. Bà Được tin rằng, nghề gốm sẽ không bị lãng quên nhờ đó.

Bài, ảnh: Phan Vĩnh Yên

Đôi mắt bà Được ánh lên niềm vui lạ lùng. Ở người nghệ nhân già ấy, niềm tin nghề gốm vẫn luôn đầy sức sống để tồn tại. Tin rằng, dù còn đó nhiều âu lo, ngắc ngoải, nhiều lắm những thách thức từ nền thị trường hàng hóa đầy sôi động, thì nghề gốm – người làm gốm vẫn sống bền bỉ như hình hài một đô thị cổ Hội An trầm mặc.

 

Bình luận (0)