Thông qua việc chế biến hoa trái vườn nhà thành cao gội đầu, tinh dầu, nước lau sàn, chị Trần Mỹ Dung (quê ở Gio Linh, Quảng Trị) đã giúp những người dân nghèo miền núi có thêm thu nhập từ việc canh tác thuận thiên các loại cây có sẵn ở núi rừng…
Chị Trần Mỹ Dung (trái) luôn nặng lòng với đời sống của đồng bào miền núi
Đồng hành cùng đồng bào vùng cao
Tôi theo chân chị Trần Mỹ Dung – một người con Quảng Trị nặng lòng với đời sống đồng bào miền núi và khát vọng đưa sản phẩm từ thiên nhiên đến người tiêu dùng, ngược quốc lộ 9 từ thành phố Đông Hà đến xã Hướng Việt (huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị) một ngày cuối tuần. Hơn 5 năm, kể từ ngày “dấn thân” thực hiện giấc mơ đưa trái bồ kết quê lên phố, những chuyến đi cuối tuần của chị Dung không còn mấy xa lạ. “Ở đồng bằng tôi vẫn tìm mua được trái bồ kết. Nhưng tôi muốn lên đây cùng bà con, lắng nghe tâm tư của họ, thu mua bồ kết do họ hái được từ vườn nhà để giúp đồng bào nghèo vượt qua khó khăn”, chị Dung nói.
Thôn Trăng – Tà Puồng (xã Hướng Việt) nằm bên kia con đèo Sa Mù. Chị Hồ Thị Hà đón chúng tôi ngay lối mòn dẫn vào nhà. “Mấy hôm nay nắng đẹp, tôi tranh thủ hái được vài chục cân bồ kết, đã phơi khô đẹp rồi. Chị Dung lên tận nơi thế này, ngày mai tôi đã có tiền mua cho các cháu chiếc áo ấm. Dạo này giữa đông, miền núi ít mưa nhưng rất lạnh”, chị Hà bộc bạch. Mới ngoài 30 tuổi, chị Hà có đến 3 con nhỏ. Cuộc sống còn khó khăn, chủ yếu dựa vào ít lúa, ngô trên nương rẫy. Vài năm trở lại đây, chương trình kết nối cùng phụ nữ vùng cao thu mua quả bồ kết từ chính những cây bồ kết trong vườn, trên nương rẫy đã giúp chị Hà và nhiều gia đình ở vùng cao này có thêm đồng thu nhập.
Đặt chiếc gùi nặng trĩu bồ kết sau một ngày thu hái, chị Hồ Thị Tuyết chia sẻ: “Trước đây, người dân Trăng – Tà Puồng trồng cây bồ kết chỉ để tạo bóng mát, giữ đất. Mỗi mùa trái chín rụng đầy gốc nhưng không ai biết sử dụng nó. Nay được chị Dung thu mua, bà con rất phấn khởi. Nhờ quả bồ kết mà cuộc sống của người dân ở đây có thêm thu nhập”.
Chị Trần Mỹ Dung liên kết tạo thu nhập cho đồng bào miền núi Quảng Trị
Chị Mỹ Dung bảo, nhận thấy đời sống của đồng bào thiểu số ở các xã vùng cao Quảng Trị còn nhiều khó khăn. Trong khi nguồn nguyên liệu từ cây cối xung quanh họ nếu biết thu hoạch thì sẽ đem lại nguồn thu nhập đáng kể. Vì vậy, chị làm cầu nối liên kết giúp người dân phát triển kinh tế bền vững. “Vừa qua, với sự hỗ trợ của WWF-Việt Nam (Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam) và MCNV (Tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận, hoạt động vì quyền sức khỏe và hòa nhập xã hội của các nhóm thiệt thòi tại Việt Nam), tôi đã ký hợp đồng tiêu thụ lâm sản ngoài gỗ với một nhóm 105 phụ nữ dân tộc thiểu số ở các xã miền núi phía bắc huyện Hướng Hóa. Các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ bao gồm các loại như: dương hòe, bồ kết, bồ hòn, bưởi, chanh, tắc và các sản phẩm mây tre khai thác từ các khu rừng tự nhiên có chứng nhận FSC (một tiêu chuẩn tự nguyện nhằm hỗ trợ quản lý rừng có trách nhiệm trên phạm vi toàn cầu) do cộng đồng địa phương quản lý. Tôi sẽ tập huấn cho bà con cách thu hái và chế biến các sản phẩm bền vững”, chị Dung chia sẻ.
Giữ hương xưa trên mái tóc thời nay
Chị Dung tốt nghiệp Khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng. Hiện đang công tác tại Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an tỉnh Quảng Trị). Công việc ổn định nhưng chị vẫn luôn đau đáu với khát vọng đưa trái bồ kết quê mình hòa vào nhịp sống hiện đại. “Thuở nhỏ, bà thường nấu bồ kết gội đầu cho tôi. Hình ảnh hai bà cháu vui vẻ bên nồi nước bồ kết thơm lựng, múc đầy chiếc gáo dừa rồi dội lên mái tóc dài thật tuyệt. Sau này, dầu gội công nghiệp nhiều nhưng tôi vẫn luôn nhớ về mùi hương bồ kết của bà nấu năm xưa”.
Quê chị Dung ở vùng trung du huyện Gio Linh, nơi cây bồ kết phát triển rất tốt. “Kể cả những năm học ĐH ở thành phố, rồi lúc sinh con… tôi vẫn chỉ dùng dầu gội bồ kết. Nhiều lúc tự hỏi: Hương bồ kết không chỉ giúp mình thư thái sau mỗi lần gội đầu mà ở đó còn có cả ký ức tuổi thơ nhiều kỷ niệm với bà, với mẹ, sao mình không làm điều gì đó để giữ lại hương xưa. Không chỉ mình, bao nhiêu thế hệ cùng mình và trước đó hẳn cũng sẽ rất nhung nhớ mùi hương này. Nghĩ là làm thôi”, chị Dung nói.
“Tôi muốn hướng đến là chất lượng từng sản phẩm để mỗi người khi sử dụng dầu gội, tinh dầu của mình không chỉ được đảm bảo chất lượng mà còn như một món quà trở về ký ức thân thương”, chị Trần Mỹ Dung chia sẻ. |
Năm 2014, chị Dung đầu tư 10 triệu đồng mua máy dập. Với chục cân quả bồ kết được thu hái từ vườn nhà, chị mày mò nghiên cứu làm ra những túi bồ kết lọc rồi đăng bán trên trang Facebook cá nhân. Năm 2017, chị đầu tư hệ thống máy móc hơn 400 triệu đồng để sản xuất cao gội đầu bồ kết. Công ty TNHH Nhiên Thảo được chị thành lập. Chị Dung nói: “Người dùng chỉ cần mất 5 phút đợi túi lọc bồ kết tản ra trong nước nóng hoặc chỉ hơn 1 phút để có một nồi nước gội đầu từ cao bồ kết. Rất thuận tiện và đảm bảo sức khỏe”.
Cùng với túi sản phẩm từ bồ kết, chị Dung còn sản xuất các dòng tinh dầu khác như: tinh dầu chanh, cam, nước lau sàn tinh dầu sả – bồ hòn. Gần đây nhất, sản phẩm cao bồ kết được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao dành cho sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu; sản phẩm nước lau sàn tinh dầu sả – bồ hòn vinh dự là một trong 3 sản phẩm và bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn tỉnh Quảng Trị vào top 200 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu năm 2021 của toàn quốc.
Phan Lệ
Bình luận (0)