Đề án quản lí biệt thự vẫn tạo nên tranh luận nóng bỏng tại HĐND, dù đã phải trình lần thứ 3.
“Đến lúc này, không dừng được nữa…”
Theo đề án, có 173 biệt thự được đề nghị không bán (trong đó có 123 biệt thự nhà nước quản lí làm trụ sở cơ quan, 4 biệt thự có giá trị kiến trúc, 42 biệt thự không bán theo quyết định 4591/QĐ – UB) 634 biệt thự đề nghị bán (trong đó có 536 biệt thự đã bán một phần).
Đại biểu Vũ Đức Tân thẳng thắn nêu quan điểm, không bỏ phiếu cho việc bán biệt thự, bởi theo ông, biệt thự không chỉ có giá tiền tỉ mà quan trọng là giá trị kiến trúc, lịch sử. Điều ông Tân lo ngại, nhiều người sở hữu biệt thự với quan niệm sở hữu một miếng đất rồi tổ chức thành các nhà cao tầng theo ý mình.
“Đã đến lúc phải dừng lại việc phá các biệt thự cũng như thêm thắt vào chúng những hình hài vô văn hoá”, ông Tân gay gắt.
Khi chưa có biện pháp gì giữ được biệt thự, cách tốt nhất theo ông Tân là phải giữ biệt thự trong tay nhà nước. Tiếp đó, biến các biệt thự thành các công sở để giữ lại vẻ đẹp Hà Nội xưa.
Ông nhấn mạnh, thúc đẩy nhanh hoá giá các biệt thự là không hợp lí và nếu làm, lịch sử sẽ lên án. Ông đề nghị thay nghị quyết đã soạn thảo bằng nghị quyết bảo tồn giá trị kiến trúc và qui hoạch phố cổ.
Ý kiến của đại biểu Tân đã không nhận được sự đồng tình của đại biểu Nguyễn Văn Thịnh sau đó. Ông Thịnh cho rằng, ý kiến của đại biểu Tân nếu đưa ra cách đây 12 -13 năm sẽ đúng hơn. Nếu như trước đây có 3.800 hộ ở trong các biệt thự, nay đã bán cho 2.500 hộ theo Nghị định 61, chỉ còn lại có 1.300 hộ.
Đại biểu Nguyễn Hoài Nam đồng tình, nhiều biệt thự đã bán một phần cho người thuê nên đến lúc này không thể dừng được nữa. Ông Nam cũng cho rằng, chưa chắc giữ lại biệt thự để nhà nước quản lí đã tốt hơn tư nhân quản lí.
Theo ông, đề án lần này đã nêu rõ được những biệt thự nào bán, biệt thự nào không bán với những tiêu chí cụ thể. Tuy nhiên, ông cho rằng kể cả là bán, không bán, những ai đang ở biệt thự phải chịu sự quản lí của đề án.
Đại biểu Bùi Thị An đề nghị xây dựng thành qui chế quản lí biệt thự kể cả với biệt thự đã bán và biệt thự chưa bán. Bà An nhấn mạnh đến việc gìn giữ các biệt thự này vì theo bà “đây là những thứ cuối cùng của cái Hà Nội cổ kính còn lại”.
Phải “mua có điều kiện”
Đại biểu Trần Trọng Hanh (Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc) cho rằng, muốn “ôm” các biệt thự cũng không ôm được. Tuy nhiên, theo ông Hanh, đề án của thành phố chưa đề cập đến tình huống, những người dân đang thuê trong các biệt thự quá nghèo không có tiền để mua.
Về việc tính giá các biệt thự được phép bán, nếu tính theo cách thông thường, khấu hao đi sẽ chẳng còn lại bao nhiêu nên quan trọng là phải tính tới thương hiệu kiến trúc Pháp.
Về việc tính giá đất phải sát giá thị trường, nếu không bán xong người mua sẽ bán lại cho người khác để hưởng lợi, trong khi nhà nước thất thoát tài sản. Vì vậy, cần phải có một cơ quan chuyên môn để định giá.
Ông Hanh cũng cho rằng cần phải thực hiện “mua có điều kiện” với 634 biệt thự đề nghị bán. Khi cải tạo, xây dựng phải được cơ quan quản lí cấp phép, trong khi việc khai thác để kinh doanh cũng phải được qui định.
Với 46 biệt thự đang cho doanh nghiệp thuê được thành phố đề nghị bán, đại biểu Nguyễn Việt Hưng đề nghị tiếp tục cho thuê. Nếu bán doanh nghiệp mua được ngay và sẽ mất, nhất là khi các doanh nghiệp cổ phần hoá. “Còn giữ lại được thì cố giữ, chỉ bán những cái đã sập xệ”, ông Hưng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Thịnh cũng đồng tình với đề nghị của đại biểu Hưng. Theo ông, các doanh nghiệp có nhiều chỗ để thuê nên thành phố thu lại các biệt thự này để chỉnh trang phục vụ nhiệm vụ công của thành phố.
Trước những ý kiến của đại biểu, chủ toạ phiên thảo luận đề nghị có biểu quyết riêng với 46 biệt thự đang cho doanh nghiệp thuê và kết quả, 100% đại biểu đề nghị giữ lại. Với Nghị quyết quản lí biệt thự (bao hàm cả việc giữ lại 46 biệt thự trên), Chủ toạ đề nghị thông qua về mặt nguyên tắc, các đại biểu đều tán thành, duy đại biểu Vũ Đức Tân vẫn bảo lưu quan điểm, không đồng ý.
Cũng trong chiều 11/12, HĐND TP đã thông qua Nghị quyết về khung giá đất năm 2009. Theo đó, từ 1/1/2009, đất ở tại các quận nội thành Hà Nội có giá từ 2,5 đến 67,5 triệu đồng/m2. Giá đất tại các thị trấn và nông thôn của Hà Nội cũ cao nhất lần lượt là 16 triệu và 2,25 triệu đồng/m2. Giá đất tại một số địa bàn thuộc tỉnh Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình (cũ) được điều chỉnh tăng theo tương quan giá đất giữa các khu vực, tuyến đường giáp ranh. Đất nông nghiệp ở huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc cũ) được điều chỉnh bằng với giá của huyện Đông Anh, trong khi giá đất nông nghiệp của Hà Tây được điều chỉnh tương ứng với mặt bằng giá các quận, huyện của Hà Nội. |
Cấn Cường (dantri.com.vn)
Bình luận (0)