Vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Sang – Kim Thanh bên bức tượng GS.TS.VS Dương Quang Trung, nguyên Giám đốc Sở Y tế TP.HCM |
Không ồn ào, cũng chẳng phô trương, đó là lối sống của vợ chồng chị. Và trong cái vẻ lặng lẽ ấy, họ vẫn âm thầm cho ra đời những kiệt tác nghệ thuật, chắt lọc những giá trị tinh túy nhất để cống hiến cho đời… Họ chính là cặp vợ chồng nghệ sĩ điêu khắc Nguyễn Sang – Kim Thanh.
Giữa bộn bè lo toan, căn nhà của hai nghệ sĩ điêu khắc nằm trong con hẻm nhỏ trên đường Sư Vạn Hạnh (Q.10) vẫn là điểm hẹn nhiều người yêu thích môn nghệ thuật ba chiều tìm đến. Bởi ở nơi đó, người ta không chỉ được “hội ngộ” cùng các bậc anh tài hàng triệu người kính trọng, mà còn được lắng mình trong không gian tĩnh lặng của những bức tượng như một nốt trầm trong bản tình ca muôn màu của cuộc sống.
Nhà điêu khắc tạc nhiều tượng nhà giáo
Đã được người bạn giới thiệu trước, nhưng tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên khi bước chân vào thế giới lặng im đầy cảm xúc của những pho tượng mà mới đó thôi hãy còn là những hình khối gồ ghề. Qua bàn tay tài hoa cùng sự kiên nhẫn, tỉ mỉ đến từng milimét, những khối hình ấy bỗng như được thổi thêm sức sống, mang linh hồn, dáng dấp của con người.
Quả không ngoa nếu gọi căn nhà của vợ chồng chị là chốn quy tụ của các bậc danh nhân, hiền tài trên khắp dải đất cong cong hình chữ S. Trong căn nhà nhỏ rộng chưa đầy 40m2, mọi ngóc ngách, gian phòng đều ưu tiên “dành đất” cho những “người” còn sống và đã khuất. Ở chỗ này, người ta dễ dàng “gặp” lại những cố nhân như GS. Hoàng Như Mai, GS. Hoàng Tụy, GS. Phan Ngọc, nhà văn Tô Hoài, Sơn Nam… hay những người kiệt xuất đã đi vào huyền thoại của dân tộc như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Bùi Thị Mè, Huỳnh Thị Phước… Tất cả đều toát lên vẻ trầm lắng, suy tư và khắc khổ như chính cuộc đời của mỗi nhân vật. Gần 10 năm theo đuổi nghệ thuật “thổi hồn vào đất đá”, vợ chồng chị không nhớ nổi mình đã tạc bao nhiêu bức tượng. Trong số đó, có đến hàng trăm bức được tạo từ chính sự ngưỡng mộ, tấm lòng tri ân với những người đã đóng góp trí tuệ, mồ hôi và xương máu cho nền độc lập, tự do dân tộc, cho công cuộc tái thiết đất nước. Có người vợ chồng chị may mắn được gặp, nhưng cũng có người chỉ được nhìn qua các bức hình tư liệu, ghi khắc trong đầu và tưởng tượng mà nên. Chị bảo: Hai vợ chồng tạc tượng cũng chỉ để cho con cháu đời sau có người, có chốn để nhìn, để tri ân và nối gót thế hệ cha anh đi trước chứ nào có suy nghĩ to tát gì!
Đơn giản chỉ có thế, nhưng danh sách các nhân vật được hai nghệ sĩ tự nguyện tạc tượng cứ ngày một dài thêm. Cũng bởi thế mà người ta gọi anh chị là “người gìn giữ lịch sử qua từng khuôn mặt”. Trong số hàng trăm bức tượng đó, Nguyễn Sang – Kim Thanh luôn tự hào là nhà điêu khắc tạc nhiều tượng nhà giáo nhất. Ngày xưa, chị có duyên với nghề giáo, gắn phận mình với nghiệp phấn trắng bảng đen cũng mười mấy năm ròng. Dòng đời đẩy đưa, chị trở thành người cầm bay, cầm nạo nhưng vẫn không quên những năm tháng đứng lớp, bám trường ở một vùng quê nghèo Long An. Cũng bởi nhớ, bởi duyên và hơn cả là chữ “ơn” với quê nhà nên trong suốt những năm qua, vợ chồng chị đã cùng các mạnh thường quân và những người yêu quý nghệ thuật xây dựng tượng đài cho hơn 10 ngôi trường mang tên các anh hùng, nhà giáo dân tộc. Ngoài Long An, danh sách tượng được tặng còn nối dài sang các tỉnh Cần Thơ, Kiên Giang, Thừa Thiên – Huế, ra tận cả một số tỉnh miền Bắc xa xôi.
Tình thầy và bức di thư
Nói về cái duyên đến với nghiệp điêu khắc, phải kể tới một người thầy không chỉ vợ chồng Nguyễn Sang – Kim Thanh mà còn có hàng trăm người yêu thích nghệ thuật đều biết đến: Nghệ sĩ Tô Sanh. Hơn 40 tuổi – cái tuổi có thể coi là quá nửa đời người – cặp vợ chồng này mới bắt đầu “tầm sư học đạo”, tìm đến thầy Tô Sanh khi ông vừa trở về từ lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Cũng bởi thái độ thiết tha của hai người học trò lớn tuổi, cùng ngọn lửa nhiệt huyết luôn muốn truyền nghề cho hậu thế nên thầy đã nhận anh chị dù đang gặp phải sự kiểm soát nghiêm ngặt của người nhà và bệnh viện. Vậy là suốt những ngày sau đó, anh chị phải tranh thủ giờ thăm bệnh, vào với thầy để được đàm đạo về nghệ thuật điêu khắc. Tết Nguyên đán, thời gian được người nhà đưa về nhà nghỉ dưỡng cũng là lúc nghệ sĩ Tô Sanh thực hiện một quyết định táo bạo: Truyền nghề cho hai học trò lớn tuổi Nguyễn Sang – Kim Thanh.
Nghĩ là làm. Mặc mọi người trong nhà ngăn cản, nghệ sĩ Tô Sanh vẫn “thân chinh” đến nhà học trò của mình vào ngày mùng 3 Tết với hành trang là… chiếc xe ba gác chở đầy đồ nghề, dụng cụ dạy điêu khắc. Liên tiếp trong 6 ngày, ba thầy trò làm việc từ 6 giờ sáng cho tới 18 giờ chiều. Trên “bục giảng” là chiếc ghế bố được kê ở ngay khoảnh sân nhỏ trước nhà, thầy Tô Sanh vừa nằm nghỉ, vừa chỉ dẫn tỉ mỉ từng đường bay, mũi nạo cho hai học trò. Ít ai biết được rằng, ngay dưới cái gối thầy thường nằm đã được đặt sẵn một bức di thư mà thầy đã chuẩn bị trước khi đến với học trò. Nội dung thư kể rằng, việc thầy đến dạy cho hai học trò Nguyễn Sang – Kim Thanh là hoàn toàn tự nguyện và hai học trò của thầy hoàn toàn không phải chịu bất cứ trách nhiệm gì nếu có sự cố xảy ra. Ngày dọn lại hành trang để đưa thầy quay lại bệnh viện, hai vợ chồng đã khóc ròng khi phát hiện ra bức thư mang nặng tâm huyết, nghĩa cử của một người thầy đã ở tuổi xế chiều. Thời gian sau này, có những lần thầy còn trốn cả giờ thăm bệnh, bắt xe ôm từ Bệnh viện Thống Nhất chạy về nhà trò chỉ để hướng dẫn, để sống lại niềm đam mê vốn đang bị bó buộc trong bốn bức tường bệnh viện. Chính bởi cái ân tình ấy, nên khi đã thuần thục trên từng đường nét, bức tượng về thầy Tô Sanh được hai vợ chồng nắn nót đề dòng chữ “Đất đá biến hóa thành người – Từng tác phẩm có nụ cười Tô Sanh” bằng tất cả sự tri ân, tấm lòng kính trọng dành cho người thầy giáo mẫu mực.
Gần 10 năm theo đuổi nghệ thuật điêu khắc tạc tượng, vợ chồng nghệ sĩ Nguyễn Sang – Kim Thanh vẫn không ngừng học hỏi, định hình từng cử chỉ, nét mặt để tạo hồn cho từng tác phẩm. Ở cái tuổi gần 60, đôi tay của hai vợ chồng vẫn tỉ mẩn, miệt mài trên từng đường nét, chất liệu để tiếp nối bước chân thầy Tô Sanh, cống hiến cho đời những giá trị nghệ thuật chân thực và tinh túy nhất.
Bài, ảnh: Ngọc Anh
Bình luận (0)