“Tôi học nghề bếp từ mẹ, còn mẹ tôi lại được học từ bà ngoại. Tình yêu nghề bếp trong tôi được nuôi dưỡng như thế. Bữa cơm gia đình người Việt xưa, ẩn chứa tình yêu thương gắn bó giữa các thành viên trong gia đình. Nhất là trong bữa cơm ngày Tết. Vì vậy, quanh năm dù bận rộn đến đâu, tôi cũng sẽ toàn tâm, toàn ý cho bữa cơm sum vầy chiều 30 Tết và cả những ngày đầu năm mới”, nghệ nhân ẩm thực Đỗ Thị Phương Nhi bộc bạch.
Yêu bếp từ tình yêu của bà, của mẹ
Là nghệ nhân ẩm thực chuyên nghiệp, chị Đỗ Thị Phương Nhi thường tất bật, bận rộn quanh năm. Dù vậy, chị vẫn sắp xếp thời gian để cùng mẹ – nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Phiên chế biến món ăn cho bữa cơm gia đình ngày cuối năm và bàn luận về những món ăn, món mứt bánh đãi khách trong dịp Tết Nguyên đán. Câu chuyện về ẩm thực càng nói càng cuốn hút. Chị Nhi bảo, văn hóa ẩm thực của mỗi người được nuôi dưỡng từ cái nôi của gia đình. Sinh ra và lớn lên ở TP.Huế. Tình yêu bếp núc của chị Nhi bắt đầu từ mẹ và bà ngoại. Ngày nhỏ, chị từng quanh quẩn bên gian bếp của ngoại. Mỗi lần nấu nướng, bà thường bảo Nhi lấy cho bà cái này, cái kia rồi chỉ dẫn tỉ mỉ cách chế biến món ăn. Ngày mưa phùn gió bấc, Nhi thích lẽo đẽo theo bà nhóm bếp, nhìn bà thái ngò, cắt hành, nêm nồi canh, ướp nồi cá…
Lớn lên chút nữa, Nhi có thêm mẹ chỉ dạy. “Tôi không nối nghiệp bà và mẹ từ đầu dù tôi biết nấu ăn nhưng lời dạy của bà và mẹ thì tôi vẫn khắc ghi trong tâm. Mẹ tôi thường nói, xưa bà ngoại dạy mẹ thế nào thì nay mẹ dạy các con thế ấy. Sau này lớn lên lập gia đình, ở riêng, thiên chức của người vợ, người mẹ là người giữ lửa của gia đình. Sự đầm ấm của ngọn lửa ấy không gì khác là bắt đầu từ bữa cơm nhà chu toàn. Rồi khi nhà có khách, nấu tròn mâm cơm thiết đãi cũng là cách con tạo thơm cho bản thân và cho nề nếp gia đình mình”, chị Nhi kể.
Những ngày cuối tuần, nghệ nhân Nguyễn Thị Phiên thường hay nấu chè, làm bánh ngọt, bánh mặn cho cả nhà ăn bữa lỡ. Mỗi lần nấu, bà đều hướng dẫn con cách chế biến, từng bước một. “Mẹ tôi dạy con gái và cháu gái để nhớ hương vị món ăn bằng cách mỗi lần nấu xong, mẹ thường gọi tôi đến hỏi: “Con nếm thấy giống mấy hôm trước không?”. Mỗi lần nếm món ăn, mẹ hay lấy cớ đang nhai trầu hoặc đang bị nhiệt. Có bữa, mẹ giả bộ nấu nhạt đi để thử khẩu vị của con, cháu. Khi chúng tôi bảo món ăn hôm nay nhạt, mẹ nở nụ cười tươi hài lòng. Mẹ tôi bắt đầu giao cho tôi thực hiện một món trong bữa cơm, từ món này đến món khác, từ món đơn giản đến món cầu kỳ, tỉ mỉ, công phu”.
Được hun đúc tình yêu bếp núc từ mẹ khi còn thơ ấu nhưng thời thanh xuân chị Nhi theo đuổi một giấc mơ khác. Chị theo học y và có nhiều năm công tác trong ngành dược. Năm tròn 30 tuổi, vì yêu bếp và cũng trăn trở trước nỗi niềm của mẹ về người kế nghiệp, chị quyết định quay trở về với gian bếp gia đình. Đó là năm 1997, chị theo mẹ vào TP.HCM sinh sống. Được học bếp núc từ nhỏ, chị nhanh chóng vững tay nghề, được mời giảng dạy ở nhiều trường nghề và tham gia nhiều sự kiện liên quan đến ẩm thực.
Vẹn tròn bữa cơm sum vầy ngày Tết
Chị Nhi bảo, bữa cơm gia đình người Việt xưa, ẩn chứa thể hiện yêu thương gắn bó các thành viên trong gia đình. Nhất là trong các dịp lễ, Tết. Ngày thường, ngày các thành viên trong gia đình bận rộn với công việc học hành, mưu sinh, có thành viên buộc phải xa nhà cả năm ròng rã. Bữa cơm sum vầy không chỉ là kỷ niệm hằn sâu trong ký ức mà còn là khát khao được một lần ngồi cùng nhau, cùng đánh thức kỷ niệm ngọt ngào xưa cũ, thuở ấu thơ… Ngày Tết là lúc cả nhà cùng sum họp nên bữa cơm được chú trọng hơn để gắn kết tình thân như thế.
“Mẹ luôn nhắc nhở tôi, bữa ăn rất quan trọng cho cuộc sống. Bữa ăn ngon miệng giúp chúng ta lấy được năng lượng tiêu hao khi làm việc, giúp tinh thần phấn chấn vui vẻ, nhất là bữa cơm ấy có đầy đủ các thành viên trong gia đình cùng ăn, cùng trò chuyện thân mật. Lời dạy ấy tôi luôn khắc cốt, ghi tâm và mang cả nhiệt huyết, tình yêu của mình vào mỗi món ăn ở nhà, đãi khách cũng như khi đứng bếp giảng dạy cho học trò”, chị Nhi kể.
Nghệ nhân ẩm thực Đỗ Thị Phương Nhi hiện đang là giảng viên Trường Saigontourist, Trường Hướng nghiệp Á Âu, giảng viên Hội Đầu bếp Sài Gòn và thỉnh giảng tại Khoa Du lịch – Nhà hàng – Khách sạn của Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức. Năm 2015, chị đoạt giải ba trong cuộc thi quy tụ nhiều món chay nhất Việt Nam. Mới đây, chị được Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á – Thái Bình Dương vinh danh là nghệ nhân bàn tay vàng ẩm thực tiêu biểu châu Á – Thái Bình Dương năm 2024; Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam chứng nhận là Nghệ nhân quốc gia, ngành nghề ẩm thực. |
Sinh ra và lớn lên ở kinh đô ẩm thực Huế, trong gia đình “danh gia vọng tộc”, chị Nhi ít nhiều mang cốt cách của người xứ Thần Kinh. Bởi vậy, với chị bữa cơm ngày Tết càng được chú trọng, luôn ăn cân bằng về hương vị, về dinh dưỡng. Những ngày gần Tết, chị Nhi thường làm những món ăn ngày Tết của Huế. Ở góc bếp có thẩu bò ngâm nước mắm hương vị gừng, quế hay thẩu ba rọi ngậm nước mắm hương tỏi nướng, thịt trong veo màu cánh gián; Thẩu dưa món, củ kiệu chua ngọt, củ quả ngâm chua ngọt; món mứt me, mứt gừng, mứt kim quật, mứt dừa, chả lụa, chả thủ, tré. Rồi làm cả bánh tét, bánh in…
Căn bếp ngày Tết với đủ đầy món ăn mang dư vị xứ Huế và các món ăn dân dã nơi thành phố chị Nhi sinh sống, lập nghiệp. Mỗi món ăn là một kỷ niệm, là ký ức nồng ấm của những ngày ấu thơ ở Huế được dịp sống lại như ngày còn theo chân mẹ, chân bà vào bếp. “Cuộc sống dù bận rộn đến đâu, bữa cơm ngày Tết cũng cần được chuẩn bị chu tất, đủ đầy. Đủ đầy không chỉ về vật chất mà còn bằng cả cái tâm, tình yêu từng món ăn để gửi gắm tình cảm gắn kết đến các thành viên trong gia đình mình. Với tôi, bữa cơm ngày Tết là bữa cơm vẹn tròn yêu thương”, nghệ nhân ẩm thực Đỗ Thị Phương Nhi chia sẻ.
Thiên Phúc
Bình luận (0)