Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi, cần hỗ trợ để “chạy đường dài”

Tạp Chí Giáo Dục

Đề án thí điểm nhận giữ trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi do UBND TPHCM ban hành đã bước vào năm thứ ba thực hiện. Theo lộ trình triển khai của đề án, năm học 2016-2017 sẽ có 100% quận, huyện trên địa bàn TP mở lớp giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi. Thế nhưng, năm học đã qua gần 2 tháng mà công tác tổ chức vẫn còn nhiều khó khăn.

Cô và bé tại một lớp thí điểm giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi, Trường Mầm non Trường Thạnh (quận 9)

Mỗi nhà mỗi cảnh

Theo thống kê của Sở Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM, năm học 2016-2017, toàn TP có 103 trường mầm non công lập trên địa bàn 24 quận, huyện triển khai lớp giữ trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi. Trong đó, có 271 trẻ trong độ tuổi 6 – 12 tháng và 960 trẻ trong độ tuổi 13 – 18 tháng. Bà Trương Thị Việt Liên, Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở GD-ĐT, cho biết so với năm học trước, số trường mở lớp giữ trẻ ở hai nhóm tuổi này đã tăng thêm 68 đơn vị. Trong đó, tăng mạnh nhất là các lớp giữ trẻ 13 – 18 tháng tuổi, với 496 trẻ tăng thêm so với năm học trước. Tuy nhiên, nhìn vào bảng thống kê số lượng, có thể thấy quy mô mở lớp không đồng đều giữa các quận, huyện. Cụ thể, có đến 6 quận, huyện có tổng số trẻ nhập học ở cả 2 nhóm tuổi 6 – 12 tháng và 13 – 18 tháng chưa đến 20 học sinh gồm: quận 2 (8 trẻ), quận 5 (11 trẻ), quận 1, 4 và 9 (13 trẻ), quận 8 (18 trẻ). Trong đó, 4 quận chỉ mở lớp 13 – 18 tháng tuổi, không có lớp giữ trẻ 6 – 12 tháng tuổi là các quận 4, 6, 8 và Bình Thạnh. Có nơi, mỗi nhóm tuổi chỉ có 2, 3 học sinh nhập học nên trường phải triển khai theo hình thức lớp ghép, gộp chung trẻ ở hai nhóm tuổi 6 – 12 tháng và 13 – 18 tháng lại thành một lớp.   

Trong khi đó, tại các quận Thủ Đức, Tân Phú, danh sách học sinh chờ gọi nhập học các lớp 6 – 18 tháng tuổi lại khá dài. Có trường hợp trẻ đăng ký lớp 13 – 18 tháng tuổi từ đầu năm 2016 nhưng không được gọi nhập học vì trường không còn chỗ tiếp nhận. Đến tháng 9-2016, theo thứ tự danh sách đăng ký, học sinh này sẽ được gọi vào học nhưng em đã quá 18 tháng tuổi nên trường không thể tiếp nhận. Bà Trần Thị Bạch Mai, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca (quận Thủ Đức), bộc bạch: “Trung bình mỗi ngày tôi tiếp nhận 5 trường hợp phụ huynh xin cho con vào các lớp 6 – 18 tháng tuổi nhưng với năng lực hiện tại, trường chỉ có thể mở một lớp 6 – 12 tháng tuổi với 8 trẻ và một lớp 13 – 18 tháng tuổi với 14 trẻ đang theo học. Chúng tôi phải làm công tác tư tưởng với phụ huynh dữ lắm, mong phụ huynh hiểu và thông cảm cho nhà trường”.

Cá biệt có trường hợp của Trường Mầm non Xuân Thới Đông (huyện Hóc Môn) đã mở lớp thí điểm giữ trẻ 6 – 12 tháng tuổi từ đầu năm học 2015-2016. Đến nay, sau hơn một năm tiếp nhận, một số học sinh trong lớp đã lớn nhưng hiện đơn vị không còn phòng trống tổ chức tiếp lớp 13 – 18 tháng tuổi. Bà Huỳnh Thị Tư, Hiệu trưởng nhà trường, bày tỏ: “Trẻ vượt qua cột mốc 12 tháng tuổi, theo quy định chúng tôi không thể giữ bé ở lớp 6 – 12 tháng, nhưng hiện trường chưa thể mở lớp 13 – 18 tháng tuổi gây khó cho phụ huynh, ảnh hưởng quá trình học liên tục của bé”.      

 Kiến nghị thêm chính sách hỗ trợ

Mới đây, tại buổi làm việc giữa đoàn khảo sát của Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP và UBND quận 9 về một số chính sách hỗ trợ giáo dục mầm non, bà Trần Thị Hoài, Hiệu trưởng Trường Mầm non Trường Thạnh (quận 9), nêu ý kiến: “Cái khó của việc tổ chức các lớp giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi là hiện nay tất cả khoản thu như học phí, vệ sinh phí và phí quản lý, phục vụ bán trú đều bằng các lớp ở độ tuổi lớn hơn. Trong khi đó, sĩ số học sinh/lớp của các lớp 6 – 18 tháng tuổi chưa bằng 1/8 sĩ số các lớp lớn hơn dẫn đến tổng khoản thu bị sụt giảm, trường phải lấy nguồn thu từ các lớp lớn san sẻ qua lớp 6 – 18 tháng tuổi”. Ngoài ra, theo bà Nguyễn Thị Thuận, Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca 6 (quận 12), quy định hiện nay của TP mới hỗ trợ 35% thu nhập cho cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp dạy các lớp giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi. Trong khi đó, để duy trì hoạt động của những lớp này phải có sự tham gia phục vụ của nhiều lực lượng gián tiếp khác như bảo vệ, cấp dưỡng, nhân viên phục vụ… “Nhưng hiện nay, ngoài mức trả lương khoán cho lao động ngoài biên chế từ 3,5 – 4 triệu đồng/người/tháng, đội ngũ này không có thêm bất kỳ khoản tiền hỗ trợ nào”, bà Thuận cho biết. 

Trước thực tế đó, đại diện nhiều trường mầm non đã kiến nghị UBND TP xem xét việc mở rộng thêm đối tượng và tăng tiền hỗ trợ đối với đội ngũ giáo viên, nhân viên phục vụ tại các lớp giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi. Ngoài ra, theo trưởng phòng GD-ĐT một quận trên địa bàn TP, để không phải duy trì những lớp học chỉ có 2 – 3 học sinh/lớp gây lãng phí cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, TP nên tính đến phương án cho các quận, huyện tổ chức lớp học ghép giữa các địa phương. “Có trường hợp trẻ ở quận này nhưng khoảng cách từ nhà đến trường học trên địa bàn quận kia gần hơn nơi có hộ khẩu thường trú. Do đó, ngoài việc triển khai đề án theo hướng phân chia địa bàn cư trú, cần cân nhắc phương án triển khai theo phân bổ dân cư trong thực tế. Trong đó, các quận, huyện không phải cứng nhắc chọn 1 – 2 trường mở lớp thí điểm mà có thể bắt tay nhau mở lớp để tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả chăm sóc”, vị này bày tỏ.

MINH QUÂN/  SGGP  

 

Bình luận (0)