Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi: Mở rộng tiếp nhận theo nhu cầu phụ huynh

Tạp Chí Giáo Dục

Theo lộ trình của UBND TPHCM, năm học 2016-2017 là năm thứ ba TP thực hiện Đề án thí điểm nhận giữ trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi. Từ 8 quận, huyện ban đầu được chọn tham gia đề án vào năm 2014, năm học tới, toàn bộ 24 quận, huyện sẽ đồng loạt triển khai. Song, hiệu quả liệu có như mong đợi? 

Nơi thừa, nơi thiếu

Trao đổi với chúng tôi vào chiều 8-6, ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) quận 11, cho biết số liệu khảo sát nhu cầu đăng ký của phụ huynh tính đến ngày 14-4-2016 cho thấy toàn quận chỉ có 5 trường hợp trẻ từ 6 – 12 tháng tuổi và 21 trường hợp trẻ từ 13 – 18 tháng tuổi đăng ký nhập học tại các trường mầm non công lập trên địa bàn quận. Cụ thể, Trường Mầm non phường 13 có 9 trường hợp và Mầm non phường 16 có 17 trường hợp đăng ký.

Trước thực tế này, năm học 2016-2017, quận không tổ chức thêm trường giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi mà vẫn duy trì 4 đơn vị như năm học trước, trong đó hai trường Mầm non quận và Mầm non phường 10 chỉ nhận trẻ từ 13 – 18 tháng tuổi.

Cũng theo ông Hoàng, tổng chỉ tiêu dự kiến các trường có thể tiếp nhận là 75 cháu dù thực tế đăng ký mới có 26 trường hợp tham gia. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương khác. Đơn cử ở quận Gò Vấp, bà Bùi Thị Minh Nguyệt, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận cho biết, năm học này địa phương vẫn duy trì 4 đơn vị mở lớp giữ trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi là Mầm non Anh Đào, Tường Vi, Hoa Phượng Đỏ và Hồng Nhung, không tăng thêm đơn vị so với năm học trước. Ở một số quận, huyện khác như quận 1, quận 3, việc mở lớp giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi đang thực hiện hết sức dè chừng, bởi nhu cầu của phụ huynh không lớn.

Một điểm giữ trẻ theo đề án

Trong khi đó, đối với một số quận, huyện tập trung nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, số trường nhận trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi tăng so với năm học trước. Cụ thể, ở quận Tân Bình, năm học 2016-2017 sẽ triển khai giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi tại 8 đơn vị, tăng 5 trường so với năm học trước gồm: Mầm non Quận (phường 4), Mầm non 6 (phường 6), Mầm non Tuổi Xanh (phường 7), Mầm non 9 (phường 9), Mầm non 11 (phường 11), Mầm non 13 (phường 13), Mầm non 14 và Mầm non Bàu Cát (phường 14). Tổng chỉ tiêu tuyển sinh là 140 bé, tăng gần gấp đôi so với số trẻ nhập học trong năm học 2015-2016. Với sự chuẩn bị này, theo bà Phạm Thị Phước, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Tân Bình, đã “ngốn” hơn 2,9 tỷ đồng kinh phí cải tạo, sửa chữa trường, lớp cho cả hai năm học.

Riêng tại quận 7, năm học 2016-2017 sẽ có thêm Trường Mầm non Khu chế xuất Tân Thuận (phường Tân Thuận Đông) nhận giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi, bên cạnh 2 đơn vị đã tổ chức giữ trẻ độ tuổi này trong năm học trước, tổng chỉ tiêu tuyển sinh hơn 100 trẻ. Tuy nhiên, do nhu cầu gửi con của phụ huynh vẫn rất lớn nên trong vòng 2 năm tới, địa phương sẽ xây dựng thêm 2 trường mầm non công lập phục vụ nhóm tuổi này.  

Tránh lãng phí

Không thể phủ nhận tính nhân văn, kịp thời của Đề án thí điểm giữ trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi, song theo thừa nhận của ông Đặng Đức Hoàng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 11, đơn vị tham gia đề án từ năm học 2015-2016, thực tế khảo sát cho thấy nhu cầu gửi con trong độ tuổi này của phụ huynh trên địa bàn quận không cao, trong khi tổng mức đầu tư lại rất lớn. Do đó, dù triển khai đại trà 24 quận, huyện là chủ trương đúng đắn nhưng TP cần tính đến lộ trình thực hiện, không nhất thiết triển khai đồng loạt để tránh lãng phí. Ông Hoàng đề xuất: “TP nên giao nhiệm vụ này cho các phòng GD-ĐT tham mưu UBND quận, huyện, mở lớp giữ trẻ theo nhu cầu thực tế của phụ huynh”. Mặt khác, phó trưởng phòng GD-ĐT một quận trung tâm bày tỏ, trong điều kiện trường lớp có hạn, việc triển khai các lớp giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi đã khiến địa phương phải cắt giảm các lớp độ tuổi lớn hơn, điều này đi ngược lại mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi của Bộ GD-ĐT, gây lãng phí cơ sở vật chất do số trẻ được nhận ít hơn (một lớp giữ trẻ 6 – 18 tháng tuổi có sĩ số tối đa không quá 20 học sinh/lớp, trong khi ở các độ tuổi lớn hơn sĩ số có thể lên đến 35 – 40 học sinh/lớp – PV). 

Từ thực tế đó, dù đây là năm thứ ba triển khai đề án nhưng đến nay nhiều quận, huyện vẫn trong tư thế “vừa làm vừa nghe ngóng”. Số liệu báo cáo từ các địa phương cho biết, trường, lớp tham gia thí điểm tuy nhiều nhưng tổng số trẻ từ 6 – 18 tháng tuổi nhập học tại các đơn vị chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng. Nhiều nơi chỉ đạt tỷ lệ 60% – 70% trẻ nhập học, phòng ốc rộng rãi nhưng chưa đến 10 học sinh/lớp. Xem ra việc giải bài toán làm thế nào vừa đáp ứng nhu cầu gửi con của người dân, vừa không gây lãng phí cơ sở vật chất, đảm bảo quyền được đi học của trẻ ở mọi độ tuổi không chỉ là nhiệm vụ riêng của mỗi địa phương mà cần có sự vào cuộc chỉ đạo, hướng dẫn từ các cơ quan chức năng. Chỉ khi làm được điều đó, đề án mới thật sự đạt hiệu quả, không rơi vào tình trạng “làm cho có” hiện nay.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2015-2016, toàn TP có 32 lớp giữ trẻ 6 – 12 tháng tuổi, 32 lớp giữ trẻ từ 13 – 18 tháng và 9 lớp ghép trẻ ở hai độ tuổi trên.

MINH QUÂN/ SGGP

Bình luận (0)