Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giữ trẻ 6-18 tháng tuổi: Nhà nước “ôm” không xuể

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP đang phát biểu
Sáng 15-4, đoàn khảo sát của Ban Văn hóa Xã hội – HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP về đề án “Chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non từ 6 đến 18 tháng tuổi trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2014-2020”. Tại đây, nhiều ý kiến khẳng định, đối với nhóm trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi, nếu không xã hội hóa thì không làm nổi…
Hậu cải tiến giáo dục là… trẻ nhóm nhỏ bơ vơ
Đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM chua xót: “Trước đây, ở các cơ quan, xí nghiệp đều có nhà trẻ. Vì vậy, trẻ 2 tháng tuổi đã được cha mẹ gửi đi nhà trẻ. Lương của giáo viên thì do cơ quan, xí nghiệp trả, phụ huynh không phải đóng học phí. Còn bây giờ, sau nhiều lần cải tiến cải lùi giáo dục, gom tất cả về các trường mầm non (MN), bỏ hết các nhà trẻ ở cơ quan, xí nghiệp nên trẻ 6 đến 18 tháng tuổi không biết học ở đâu”.
Bà Trần Thị Kim Thanh – Phó giám đốc Sở GD-ĐT thừa nhận: “Hiện nay, toàn TP có 907 trường MN, trong đó công lập (CL) là 419 trường, ngoài công lập (NCL) là 488 trường. Song, không có trường MNCL nào nhận trẻ dưới 18 tháng tuổi và cũng chỉ có 8 trường MNNCL giữ trẻ dưới 18 tháng tuổi”.
Trường CL không giữ, trường NCL học phí cao và cũng rất ít trường giữ nên phụ huynh (chủ yếu là công nhân, người lao động nghèo) phải gửi con ở các nhóm trẻ gia đình. Hiện TP vẫn còn 520 nhóm trẻ không phép. Mặc dù những nhóm này đang nằm trong tầm kiểm soát của ngành giáo dục (cụ thể 51 nhóm đang hoàn chỉnh hồ sơ để được cấp phép, 177 nhóm đang điều chỉnh những hạn chế, còn lại 292 nhóm là hộ giữ trẻ gia đình (giữ từ 1 đến 9 trẻ) đã làm cam kết với chính quyền địa phương) nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho trẻ.
Cũng theo bà Thanh thì, do TP không có trường MNCL nào giữ trẻ dưới 18 tháng nên các trường sư phạm cũng không có chương trình đào tạo. Chính vì vậy, giáo viên MN hiện nay thiếu kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi.
Và đây thực sự là một lỗ hổng không nhỏ khi lãnh đạo TP chỉ đạo ngành GD-ĐT phải tiếp nhận trẻ 6-18 tháng tuổi.
Bà Thi Thị Tuyết Nhung – Phó ban Văn hóa Xã hội, HĐND – cho rằng: “Trong Đề án chăm sóc, giáo dục trẻ 6-18 tháng tuổi, ngành GD-ĐT phải cụ thể phần nào là Nhà nước lo, phần nào là xã hội hóa. Ngành giáo dục có hay không thừa nhận sự tồn tại của nhóm trẻ gia đình? Nếu thừa nhận thì quản lý như thế nào, không thừa nhận thì bao giờ chấm dứt”…
Phải đẩy mạnh xã hội hóa
Việc gom trẻ từ các nhà trẻ ở cơ quan, xí nghiệp tập trung vào các trường MNCL đã dẫn đến tình trạng ngân sách chi không nổi. Từ đó xuất hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Tuy nhiên, “Do chính sách, cơ chế không cụ thể nên đã xảy ra nhiều vấn đề tiêu cực”, đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư khẳng định.
Vấn đề bây giờ là không thể ngó lơ chủ trương xã hội hóa được, bởi theo ông Huỳnh Công Hùng – Trưởng ban Văn hóa Xã hội, HĐND – thì: “Nếu không có xã hội hóa sẽ không thể làm tốt việc chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6-18 tháng tuổi được”.
Nhưng xã hội hóa như thế nào đây, không phải nhà đầu tư nào cũng chịu bỏ một số tiền khổng lồ ra để làm trường cho trẻ 6-18 tháng tuổi rồi thu về cái mức học phí khiêm tốn, bởi phần lớn phụ huynh là công nhân, người lao động thu nhập thấp.
Theo ông Hùng thì: “Trong đề án, ngành GD-ĐT cần xác định rõ đối tượng ưu tiên chăm lo là con công nhân, người lao động có thu nhập thấp, vì vậy việc xây dựng trường chỉ nên tập trung xung quanh những khu vực có đông công nhân. Khi xây trường ở khu vực này thì chỉ dành cho trẻ nhóm nhỏ. Còn đối với những trường MN được xây mới ở khu vực khác phải có từ 2-3 lớp dành cho nhóm nhỏ. Các trường CL xây mới nên xây dựng bằng vốn kích cầu, không sử dụng ngân sách (trừ 11 phường chưa có trường MNCL)”.
Ông Lê Hoài Nam – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP – cũng cho biết: “Sở GD-ĐT TP đã xây dựng đề án về chế độ cho giáo viên giữ trẻ 6-18 tháng. Theo đó, những giáo viên này sẽ được hỗ trợ 100% mức lương tối thiểu, còn cán bộ quản lý được hưởng 50%. Giáo viên làm thêm giờ thì được tính đủ 396 giờ/năm thay vì 200 giờ như hiện nay. Nếu được HĐND chấp thuận thông qua thì thu nhập của giáo viên MN tăng thêm từ 713 ngàn đến 1,9 triệu đồng/tháng. Không chỉ có giáo viên CL mà giáo viên NCL cũng được hỗ trợ, mức hỗ trợ là 50% mức lương tối thiểu. Tất cả các giáo viên đều được bồi dưỡng bằng ngân sách Nhà nước…”.
Dự kiến, ngày 6-5 tới, HĐND TP sẽ họp chuyên đề về Đề án chăm sóc, giáo dục trẻ từ 6-18 tháng tuổi.
Bài, ảnh: Hòa Triều
Bà Nguyễn Thị Kim Dung – Trưởng phòng Giáo dục MN Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Ngành giáo dục xin bổ sung chức danh nhân viên chăm sóc cho các trường MNCL. Theo đó, cứ 30 cháu sẽ có một nhân viên. Nhân viên này sẽ làm những công việc lao động chân tay như vệ sinh phòng học, vệ sinh cho cháu… thay vì giáo viên cứ phải xăn quần, vấn tóc lên để dọn vệ sinh như hiện nay. Đây là một giải pháp giảm tải lao động phổ thông cho giáo viên MN để các cô có thời gian giáo dục trẻ tốt hơn”.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)