TP.HCM hiện có 13 KCN, 3 KCX, 2 khu công nghệ cao với gần 326.000 công nhân (CN), trong đó có hơn 60% là lao động nữ. Với số lượng CN tập trung đông như vậy, TP.HCM không chỉ đẩy mạnh xây dựng trường mầm non (MN) ở KCX-KCN mà còn là địa phương đầu tiên thực hiện thí điểm giữ trẻ ngoài giờ. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các trường đã gặp rất nhiều khó khăn…
Trường MN Hoa Đào vì thiếu GV nên mới chỉ thực hiện giữ trẻ ngoài giờ vào thứ bảy. Ảnh: N.Trinh |
Cuối tuần qua, Ban Văn hóa Xã hội, HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT TP về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 01/2014 của HĐND TP.HCM trong việc hỗ trợ giáo dục MN. Tại đây, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho đề án này.
Làm thêm phải đúng Luật Lao động
Sở GD-ĐT TP đã tham mưu cho UBND TP phê duyệt Quyết định 4243 về kế hoạch “Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ cho con CN tại KCN-KCX trên địa bàn từ năm 2016 đến năm 2020”. Theo đó, năm học này có hai quận thực hiện là Q.Bình Tân và Q.Thủ Đức. Cụ thể, Trường MN 30/4 KCN Vĩnh Lộc (Q.Bình Tân) giữ 60 trẻ đến 17 giờ 30 và cả ngày thứ bảy; Trường MN Hoàng Yến (KCX Linh Trung I) và Trường MN Hoa Đào (KCX Linh Trung II) – (Q.Thủ Đức) giữ 180 trẻ cùng với thời gian trên.
Một trong những vấn đề khiến các nhà quản lý băn khoăn nhất là sắp xếp giáo viên (GV) giữ trẻ ngoài giờ như thế nào để đúng với Luật Lao động. Thực tế, đặc thù của GV MN là làm việc từ 6 giờ đến 16 giờ 30, nghĩa là thay vì làm 8 tiếng thì các cô phải làm tới 10 tiếng/ngày (trừ 30 phút ăn trưa). Bà Trương Thị Việt Liên, quyền Trưởng phòng GDMN, Sở GD-ĐT TP cho hay: “Theo Bộ luật Lao động, GV làm thêm không quá 200 giờ/năm nhưng với kế hoạch giữ trẻ ngoài giờ thì các cô làm thêm đến 525 giờ/năm (làm thêm 1 giờ/ngày và cả ngày thứ bảy – PV). Vậy chế độ chính sách phải như thế nào để tránh vi phạm Luật Lao động”.
Về vấn đề này, bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TP đề nghị: “Việc GV làm thêm không quá 200 giờ/năm phải đảm bảo đúng quy định của Luật Lao động. Vì vậy, các trường cần ghép các nhóm lớp lại thành một lớp có nhu cầu giữ trẻ ngoài giờ để phân bổ thời gian phù hợp. Theo đó, có thể tổ chức đề án luân phiên GV và nhân viên nuôi dưỡng trẻ”.
Thực tế, bà Việt Liên cũng cho biết, muốn giữ trẻ ngoài giờ thì bắt buộc phải chia ca ra làm để GV làm thêm không vượt quá 200 giờ/năm theo quy định. Vì thế, chính sách này đã được Sở GD-ĐT xây dựng nhưng phải chờ góp ý của Sở Tài chính và Sở Nội vụ. Tuy nhiên, đến thời điểm này Sở GD-ĐT vẫn chưa nhận được câu trả lời của hai sở trên. “Chúng tôi không thể chờ được nữa nên đã trình chính sách này lên UBND TP xem xét quyết định”, bà Liên cho biết.
Để có đủ GV làm theo ca, bà Việt Liên cũng đề nghị Sở Nội vụ bổ sung thêm định biên GV theo Thông tư 06 liên tịch giữa Bộ GD-ĐT và Bộ Nội vụ.
Được biết, thông tư này bổ sung định biên 2,5 GV/lớp (nhóm trẻ) và 2,2 GV/lớp (mẫu giáo) nhưng hiện nay Sở Nội vụ mới cấp định biên cho hai nhóm này là 2,0 GV/lớp. Ngoài ra, bà Việt Liên cũng cho rằng Sở Nội vụ TP phải bổ sung định biên nhân viên nuôi dưỡng theo thông tư này, nghĩa là cứ 30-50 trẻ sẽ có 1 nhân viên nuôi dưỡng vì hiện nay các trường có khoảng 100 trẻ mới có được 1 nhân viên nuôi dưỡng.
Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: Giữ trẻ ngoài giờ là trách nhiệm của ngành GD-ĐT nhưng việc thực hiện kế hoạch này còn chậm do chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sở và ban ngành. Hơn nữa, đây là kế hoạch thí điểm nên còn gặp nhiều khó khăn trong bước đầu thực hiện. |
“Nhu cầu gửi con ngoài giờ của CN tại các KCN-KCX rất nhiều, hơn 6.000 trẻ. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết nhu cầu thỏa đáng cho người lao động nhưng cũng phải lưu ý đến nguyện vọng của GV vì làm thêm là tự nguyện. Vì vậy, công đoàn các KCN-KCX phải có trách nhiệm xem xét, giải quyết cho những trường hợp thực sự cần”, bà Việt Liên nêu ý kiến.
Sớm có hướng dẫn về ngân sách hỗ trợ
Ngoài việc giải quyết bài toán về sắp xếp giờ làm theo ca kíp đúng với Luật Lao động thì việc sử dụng ngân sách nào để hỗ trợ GV giữ trẻ ngoài giờ hiện nay vẫn chưa có quyết định chính thức.
Tại buổi khảo sát gần đây của HĐND TP tại Q.Bình Tân, ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND Q.Bình Tân, cho biết: “Nắm tình hình giữ trẻ ngoài giờ ở Trường MN 30-4 thì Hiệu trưởng và GV rất đồng thuận nhưng kinh phí lại chưa được hướng dẫn. Vì vậy, Sở GD-ĐT và các sở ngành cần phải tính toán sớm nhất để trả kinh phí thỏa đáng cho GV vì đây là một việc làm lâu dài”.
Vấn đề ngân sách, bà Việt Liên thẳng thắn cho biết: “Khi xây dựng kế hoạch này, chế độ hỗ trợ chúng tôi đã đề nghị dự kiến 50% là ngân sách và 50% là công đoàn các KCN-KCX hỗ trợ. Sở GD-ĐT đã đưa qua Sở Tài chính nhưng không được góp ý nên khi kế hoạch này được phê duyệt lại chưa có nội dung về chế độ chính sách. Vì vậy chúng tôi phải xây dựng lại chế độ hỗ trợ chính sách này”.
Ông Phạm Huy Thông, Phó Trưởng ban quản lý KCN-KCX TP.HCM cho hay: “Hiện có 2 phương án hỗ trợ GV MN giữ trẻ ngoài giờ là 50% từ ngân sách và 50% từ công đoàn doanh nghiệp, hoặc 100% từ ngân sách. Tuy nhiên, thực tế ngân sách TP chia cho nhiều hoạt động nên nếu để ngân sách hỗ trợ hoàn toàn cho GV là rất khó. Vì vậy, Ban quản lý KCN-KCX đề nghị phương án 50/50. Tuy nhiên, khi Ban quản lý làm việc với công đoàn doanh nghiệp thì công đoàn cho biết không có kinh phí để chi”.
Ông Thông đề nghị, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, Liên đoàn Lao động TP cần có chủ trương hướng dẫn các công đoàn thỏa thuận với doanh nghiệp. Ông Thông nêu thực tế, người lao động nếu tăng ca thì doanh nghiệp phải trả thêm mức phí là 150% ngoài tiền lương quy định 1 giờ/ngày. Do đó, người lao động cũng nên đóng góp một phần. Từ những phân tích trên, ông Thông đề xuất mức hỗ trợ cho GV giữ trẻ ngoài giờ là 50% ngân sách, cộng với 50% từ phía công đoàn doanh nghiệp và người lao động.
Dương Bình
Bình luận (0)