Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Giữ trong xanh Nhiêu Lộc- Thị Nghè: Chặn từ gốc

Tạp Chí Giáo Dục

Những giải pháp chiếu lệ đều không hiệu quả, vì thế để ngăn chặn tình trạng tái ô nhiễm trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè cần sự quyết tâm của lãnh đạo TP
Những đàn cá tung tăng bơi lội, ngày càng nhiều người câu cá thong thả, chậm rãi ngồi dưới hàng liễu xanh tha thướt dọc bờ kênh… tạo thành những hình ảnh lãng mạn và tích cực của dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (NL-TN) trong mùa Tết năm nay. Để có được thành quả này, TPHCM đã chi ra hàng ngàn tỉ đồng để bảo vệ và điểm trang cho dòng kênh vốn nổi tiếng ô nhiễm trước đây.
Lực lượng vớt rác trên kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dù làm việc tích cực nhưng cũng chỉ giải quyết được phần ngọn.
Vấn đề đặt ra là làm sao ngăn chặn được tình trạng xả rác bừa bãi xuống lòng kênh
Ảnh: TẤN THẠNH
Nhiều nguồn “bôi bẩn”
Tuy nhiên, hình ảnh ấy có thể sớm bị vùi dập bởi hiện tượng tái ô nhiễm. Những cụm rác trôi nổi, đôi chỗ đôi lúc đầy nghẹt trong kênh, tạo sự lo lắng của người dân TP. Không chỉ lo lắng đến hiệu quả của một dự án cải tạo môi trường mà còn vì khu vực kênh NL-TN sau cải tạo đã có một cảnh quan đô thị đầy sức sống, độc đáo, một không gian thoáng đãng tự nhiên phục vụ sức khỏe, giải trí của bộ phận không nhỏ người dân. Rác thải từ các khu dân cư, từ các tụ điểm buôn bán dọc bờ kênh thải trực tiếp vào kênh hoặc từ đường phố qua hệ thống cống rãnh đưa vào (do các lưới chắn rác không hiệu quả). Một nghiên cứu cho thấy khoảng 140 tấn rác thải/ngày đang thải vào hệ thống kênh rạch TP. Các loại thực vật nổi như lục bình, rong, cỏ trong điều kiện nước kênh chứa nhiều chất dinh dưỡng (nitơ, phốt pho…) và không được gom vớt kịp thời đã phát triển quá nhanh, góp phần gây ô nhiễm và làm mất mỹ quan dòng kênh.
 Ngoài nguồn thải thấy được, hệ thống kênh rạch nói chung, kênh NL-TN nói riêng đang hứng chịu lượng lớn nước thải sinh hoạt, thương mại và sản xuất trong lưu vực chưa được thu gom đầy đủ và chưa được xử lý đạt yêu cầu.
Phải có quy định xử phạt đặc thù
Những giải pháp chiếu lệ đều không hiệu quả, vì thế để ngăn chặn  tình trạng tái ô nhiễm trên kênh NL-TN cần sự quyết tâm của lãnh đạo TP, các ban, ngành và sự đồng thuận, tham gia tự giác của cộng đồng xã hội. Giải pháp cần nhanh chóng thực hiện là xử phạt vi phạm nghiêm ngặt (mang tính răn đe) các hành vi vi phạm (cho tất cả các đối tượng, từ việc bỏ các túi rác, thùng rác nhỏ đến việc xả bỏ cả gánh rác hay cả xe ba gác chất thải…).
 Bởi lẽ, pháp lý chính là nền tảng điều chỉnh các hành vi xã hội. Với giải pháp này, TP nên vận dụng Nghị định xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (NĐ 117/2009/NĐ-CP) và Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính để soạn một quy định xử phạt đặc thù đối với hành vi xả rác xuống kênh rạch. Trong đó, quy định rõ mức độ, hình thức, thẩm quyền và thủ tục xử phạt, bổ sung chức năng vệ sinh môi trường và phát huy vai trò của lực lượng quản lý trật tự đô thị các quận, huyện, phường, xã (hiện nay đã có bộ máy tổ chức và khả năng bám sát địa bàn).
 Công tác này có thể “lấy thu bù chi” để bù đắp phần nào cho chi phí thu gom rác trên kênh, rạch. Đồng thời, cần thường xuyên kiểm tra, giám sát tại các bờ cầu, các chợ, các điểm buôn bán tập trung ven kênh là những nơi rác thường được thải bỏ tập trung và nhiều nhất.
Song song đó, cần giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng,  đặc biệt là các khu vực dân cư và buôn bán dọc kênh. Phổ biến các quy định xử phạt thông qua tờ bướm,  bảng thông báo đặt dọc kênh, trao đổi trong tổ dân phố (ví dụ xây dựng các “hương ước” trong phạm vi một phường), tổ chức thi đua xây dựng cảnh quan đẹp giữa các phường dọc theo kênh, tuyên truyền qua các kênh thông tin đại chúng. Trong thời gian sớm nhất có thể, TP cần hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt, thương mại, sản xuất trong lưu vực, không để sót lại các miệng cống xả nước trực tiếp ra kênh, đồng thời đầu tư nhà máy xử lý nước thải tập trung.
Sau NL-TN, TPHCM đang có nhiều dự án cải tạo môi trường hệ thống các kênh lớn: Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên, kênh Lò Gốm… Bạn bè quốc tế cũng đang hỗ trợ những nỗ lực của TP để bảo vệ những “đôi mày” xinh đẹp. Tuy nhiên, chính người dân TP phải là lực lượng bảo vệ tích cực đầu tiên. Chúng ta có quyền mơ tưởng một ngày không xa, dọc các bờ kênh NL-TN, Bến Nghé – kênh Đôi – kênh Tẽ… sẽ là những cảnh quan sinh thái, những bến thuyền du lịch đưa khách và người dân dạo chơi, ngắm cảnh trên những dòng nước xanh của phố thị Sài Gòn.
Vận dụng các giải pháp cộng đồng
TP có thể dựa vào nhóm cộng đồng (sinh viên, học sinh, tổ dân phố, cảnh sát khu vực, đoàn thể…) để phát hiện, ngăn chặn các hành vi xả rác vào kênh. Cũng có thể sử dụng những nhóm câu cá tự phát ven kênh hay tổ dân phố dọc kênh tạo thành những điểm nhấn sinh thái (cây xanh, tiểu đảo, dù che) để  “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Bên cạnh các đoàn thể chính trị, chúng ta nên phối hợp với các nhà thờ, chùa chiền ở gần kênh, nhờ các cha, các sư giáo dục giáo dân, phật tử thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm kênh rạch.
Theo NLĐ

 

Bình luận (0)