Các doanh nghiệp cần cập nhật quy định thị trường, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, hạn chế tối đa các lô hàng bị cảnh báo…
Thời gian qua, nhiều loại nông sản, thực phẩm của Việt Nam đã bị các nước nhập khẩu cảnh báo, thậm chí thu hồi, tiêu hủy vì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng. Mới đây nhất, Đức, Ba Lan và Malta đã đưa ra 3 cảnh báo liên quan đến mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU), trong đó có một sản phẩm có hàm lượng ethylene oxide (EO) – hóa chất được sử dụng bảo quản thực phẩm tránh mốc, hỏng nhưng cũng được sử dụng trong thuốc trừ sâu – vượt ngưỡng quy định.
Hiểu đúng về cảnh báo
Tuy nhiên, theo TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vấn đề cảnh báo đối với nông sản, thực phẩm xuất khẩu cần được hiểu đúng để có cách ứng xử đúng, tránh gây hoang mang.
Theo ông Ngô Xuân Nam, từ đầu năm đến nay, hệ thống cảnh báo về an toàn thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của EU (RASFF) đã phát đi 2.531 cảnh báo về sản phẩm của các quốc gia vi phạm quy định. Riêng Việt Nam có 50 cảnh báo khi xuất khẩu nông sản, thực phẩm sang EU tăng mạnh là điều dễ hiểu.
Các chuyên gia khuyến cáo cần thay đổi quy trình sản xuất từ vùng trồng đến nhà máy để đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
"Có nhiều trường hợp có thể dẫn đến cảnh báo như: 1 chai nước mắm trong lô hàng bị vỡ, thanh long bị xuống cảm quan (xuống mã – PV)… chứ không phải hễ bị cảnh báo là vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm. Tùy theo mối nguy mà lô hàng bị nhà chức trách EU xử lý khác nhau: tiêu hủy, thu hồi hoặc chỉ thông báo về cho cơ quan quản lý Việt Nam. Đây là các biện pháp để các nhà xuất khẩu phải tuân thủ quy định thị trường" – ông Nam lý giải.
Thực tế làm việc với nhà sản xuất có lô hàng bị cảnh báo, ông Nam nêu một số nguyên nhân dẫn đến vi phạm. Đối với mì ăn liền, có nhiều lô nhiễm chất EO là các đơn hàng do đối tác đặt sản xuất riêng (hàng nhãn riêng – PV). Đơn giản chỉ là một dạng gia công cho nước ngoài nhưng khi bị cảnh báo thì nhà sản xuất bị thiệt hại, ảnh hưởng uy tín.
Ông Nam nhấn mạnh các quy định về SPS (các vấn đề liên quan vệ sinh an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật – PV) là pháp lý bắt buộc mọi doanh nghiệp (DN) phải tuân thủ, sau đó mới là các yêu cầu bên mua đặt ra.
"Một tình huống nữa cũng rất hay gặp là các công ty thương mại mua hàng sản xuất cho thị trường này để xuất khẩu cho thị trường khác. Ví dụ chỉ tiêu EO trong các sản phẩm thảo mộc, rau củ khô (có trong gói gia vị của mì ăn liền – PV) của EU quy định ngưỡng cho phép rất thấp, từ 0,01 – 0,02 mg/kg trong khi Mỹ, Canada cho phép ngưỡng tối đa là 7 mg/kg. Do đó, nếu đem sản phẩm đạt chuẩn Mỹ xuất khẩu sang EU thì khả năng cao sẽ bị cảnh báo. Những trường hợp mang hàng nội địa để bán cho cộng đồng người Việt tại nước ngoài cũng dễ bị cảnh báo vì lý do tương tự" – ông Nam nói.
Giải pháp để hạn chế các trường hợp bị cảnh báo, ông Nam cho hay các DN phải thường xuyên cập nhật quy định thị trường, cải tiến công nghệ để đáp ứng tiêu chuẩn nước nhập khẩu. DN cũng nên tham gia hiệp hội ngành hàng để được phổ biến thông tin thường xuyên.
Theo đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương, thời gian qua, nhiều mặt hàng thực phẩm có nguồn gốc ở nhiều quốc gia, kể cả sản xuất tại các nước thuộc EU, bị cảnh báo về hàm lượng hợp chất EO vượt giới hạn dư lượng cho phép theo quy định của EU.
Thay đổi để thích ứng
Liên quan các cảnh báo đối với một số mặt hàng rau quả, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết DN bị thiệt hại lớn vì vừa mất lô hàng vừa phải gánh các chi phí liên quan như thu hồi, tiêu hủy. Nguyên nhân là do DN phải thu mua nguyên liệu nhiều nơi nên khó khăn về kiểm soát chất lượng, dư lượng thuốc trừ sâu.
"Có những trường hợp đáng tiếc như DN ký hợp đồng xuất khẩu 1 tấn nhưng đến ngày xuất khẩu chỉ cắt được 800 kg từ "vườn nhà" trong khi đã trả đủ cước máy bay cho nguyên lô hàng nên mua thêm bên ngoài cho đủ sản lượng. Đến khi sang nước ngoài, bị lấy mẫu kiểm tra ngay đúng phần hàng mua thêm dẫn tới vi phạm cả lô. Từ bài học xương máu trên, DN chấp nhận xuất khẩu thiếu số lượng, trả tiền cước thừa để tránh rủi ro, duy trì mối làm ăn lâu dài" – ông Nguyên bày tỏ.
Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phúc Sinh – chuyên xuất khẩu nông sản, cho biết cách đây hơn 3 năm, hồ tiêu cũng hay gặp trường hợp bị EU cảnh báo. "Nhưng nay thì bài toán dần được giải khi các DN đi theo con đường phát triển bền vững. Đầu tiên là liên kết với nông dân từ vùng trồng để có nguyên liệu sạch, nhà máy đầu tư chế biến sâu, dây chuyền hiện đại để diệt khuẩn mà không cần dùng hóa chất.
Các lô hàng được kiểm nghiệm trước tại Việt Nam, đạt yêu cầu của EU thì mới xuất khẩu. EU đã nâng tiêu chuẩn nhập khẩu và các công nghệ dùng hóa chất không được chấp nhận. DN phải đầu tư dài hạn để đáp ứng yêu cầu của thị trường, còn nếu làm dạng "ăn xổi" thì đến khi kiểm tra chắc chắn sẽ bị dính cảnh báo" – ông Thông nêu kinh nghiệm.
Bà Bùi Hoàng Yến, Tổ phó Tổ Công tác miền Nam – Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), nhìn nhận thời gian qua, khi xuất khẩu nông sản, đặc biệt là trái cây, gặp khó tại Trung Quốc, các DN đã nhanh nhạy chuyển đổi thị trường nhưng mức độ đáp ứng quy định thị trường chưa đủ.
"Xu hướng sắp tới là các thị trường nhập khẩu đều khó tính, quy định khắt khe. Trong khi vấn đề của DN Việt Nam vẫn là thiếu vùng nguyên liệu đạt chuẩn. Các DN, cơ quan quản lý phải cùng với vùng trồng thay đổi quy trình sản xuất để đáp ứng yêu cầu của thị trường ngay từ đầu. Ngoài ra, các phòng xét nghiệm cũng phải nâng cấp để có năng lực xét nghiệm tiệm cận với yêu cầu của nước nhập khẩu, tránh trường hợp khi kiểm tra tại Việt Nam thì đạt mà sang nước nhập khẩu lại vi phạm" – bà Yến lưu ý.
Vụ Khoa học và Công nghệ khuyến cáo các DN bên cạnh việc thường xuyên rà soát, đánh giá quy trình sản xuất, máy móc, thiết bị, vệ sinh nhà xưởng về mối nguy gây mất an toàn thực phẩm, cần kiểm tra định kỳ các sản phẩm và nguyên liệu, đặc biệt là các thành phần gia công bên ngoài. DN phải làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm điều kiện sản xuất, bảo quản, vận chuyển nguyên vật liệu và bao bì không phát sinh mối nguy mất an toàn thực phẩm.
Hỗ trợ thông quan nhanh
Ngày 26-7, tại tọa đàm "Nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh xuất khẩu nông – lâm – thủy sản" do Tạp chí Hải quan (Tổng cục Hải quan) tổ chức, ông Đào Duy Tám, Phó Cục trưởng Cục Giám sát Quản lý về hải quan – Tổng cục Hải quan, cho rằng nhiều mặt hàng nông – lâm – thủy sản có thời gian sử dụng ngắn, giảm phẩm cấp nên cần được hỗ trợ thông quan nhanh. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có 4 triệu tờ khai hải quan với hàng hóa là nông – lâm – thủy sản, trong đó chỉ có 2,3% được phân luồng đỏ, 18,6% luồng vàng còn hơn 79% là luồng xanh, được miễn kiểm tra thực tế. Hải quan sẽ tiến đến số hóa để rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa, tạo thuận lợi cho DN.
|
NGỌC ÁNH (theo NLĐ)
Bình luận (0)