Các đại biểu thảo luận, đóng góp vào các văn kiện của Đại hội ngày 14-1. Ảnh: P.Nga
|
Chiều 14-1, các tham luận, ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các giới (nông dân, thanh – thiếu niên, trí thức, đồng bào dân tộc…), các lĩnh vực (văn hóa, thông tin, đối ngoại…) đều thống nhất giữ vững ngọn cờ lãnh đạo của Đảng trong mọi lĩnh vực, tiếp tục hoàn thiện thể chế, đường lối phát triển cho phù hợp với tình hình mới.
Đại biểu Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội nông dân Việt Nam khẳng định: “Những chủ trương, đường lối của Đảng được thể chế hóa bởi các quyết sách, điều hành của Nhà nước đã tiếp tục tạo niềm tin, sự đồng thuận cao cho giai cấp nông dân Việt Nam”.
Đại biểu Nguyễn Quốc Cường kiến nghị tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo, định hướng của Đảng trong 5 nhóm giải pháp cho vấn đề tam nông. Đó là huy động nguồn lực, trước hết đầu tư cho hạ tầng nông nghiệp nông thôn; khắc phục sự manh mún trong sản xuất; xây dựng những mô hình sản xuất có thế mạnh, hiệu suất cao; tập trung nâng cao chất lượng dạy nghề cho nông dân, phù hợp với yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; xây dựng phát triển mô hình nông thôn mới, văn minh, hiện đại.
Đại biểu Đỗ Hoài Nam – Chủ tịch Viện KHXH Việt Nam tham luận về hài hòa mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị. Trong đó, vấn đề then chốt, quyết định đến thắng lợi to lớn và có ý nghĩa lịch sử của 25 năm đổi mới và phát triển là giữ vững sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong quá trình đổi mới đất nước nói chung, đổi mới kinh tế và đổi mới hệ thống chính trị nói riêng.
Bí thư thứ nhất TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Thưởng cũng bày tỏ nhu cầu định hướng, lãnh đạo sát sao của các cấp Đảng trong tăng cường giáo dục tinh thần cách mạng, phát huy vai trò xung kích thanh niên. “Để thanh niên thực hiện tốt vai trò xung kích trong thực hiện nhiệm vụ, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước mong muốn và trân trọng đề nghị Đảng lãnh đạo và Nhà nước tạo điều kiện để Đoàn thực hiện tốt những giải pháp, từ đổi mới công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng, tổ chức các phong trào lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ Tổ quốc”, đại biểu Võ Văn Thưởng nói.
Đại diện cho Bộ quản lý lĩnh vực văn hóa, đại biểu Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng VH-TT&DL mong muốn văn kiện của Đại hội Đảng làm rõ hơn chủ trương nhất quán trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới XHCN, có những giải pháp hiệu quả để nền văn hóa Việt Nam vượt qua những thách thức trong quá trình phát triển, hội nhập quốc tế hiện nay.
Đại biểu Phạm Bình Minh – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định: “Những thắng lợi của đất nước trên mặt trận đối ngoại những năm qua là rất ấn tượng. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề quan hệ ngoại giao trên thế giới cũng có nhiều phức tạp, thách thức, đòi hỏi việc xác định nhất quán trong các chủ trương lớn của Đảng, chính sách của Nhà nước về các bước đi trong hội nhập quốc tế, phát huy được những thế mạnh của đất nước, của dân tộc trên trường quốc tế”.
Qua 2 ngày thảo luận, Đại hội đã nghe 27 tham luận, ý kiến thảo luận trên hội trường và đã kết thúc phần thảo luận, đóng góp vào các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ XI.
VGP
Bình luận (0)