Thí sinh cần xem kỳ thi ĐH, CĐ như một thử thách để chinh phục
|
Áp lực, mệt mỏi là vấn đề mà thí sinh thường hay gặp phải trước mỗi kỳ thi. Từ đó dẫn đến hệ quả là chất lượng bài thi cũng bị ảnh hưởng.
Về vấn đề này, Giáo Dục TP.HCM có cuộc trao đổi cùng ThS. Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM). ThS. Hiếu cho biết:
– Trong giai đoạn “văn ôn võ luyện” chuẩn bị vượt vũ môn, căng thẳng (stress) là “vị khách” không mời nhưng thường xuyên tự đến. Thường do 4 nguyên nhân. Thứ nhất, khối lượng bài vở nhiều khiến thần kinh căng thẳng, dẫn đến tiếp thu kém, gây mất hiệu quả trong nỗ lực học tập. Bên cạnh đó, căn bệnh phổ biến của thí sinh trước thời điểm thi là không ngủ đủ giấc, ngồi rất nhiều mà ít vận động cơ thể, lạm dụng nhiều cà phê, các chất kích thích chỉ để tỉnh táo tạm thời, khiến não bộ không tránh khỏi mệt mỏi. Thứ hai, ôn tập mà không có chiến lược, thiếu khoa học, thí sinh chỉ biết có gì học đó, nhắm mắt cố gắng học tới đâu hay tới đó khiến hiệu quả giảm. Thứ ba là tự hù dọa mình. Sự lo âu quá nhiều thứ mà đặc biệt là hình dung ra cảnh mình thi rớt khiến thần kinh căng thẳng, giảm khả năng học tập, trì trệ trong suy nghĩ. Thứ tư là gánh nặng từ kỳ vọng của cha mẹ. Nhiều phụ huynh dùng phong cách “ngón trỏ” để “giúp” cho con học tốt, đại loại như: “Con mà thi rớt ĐH kỳ này thì đừng có trách!” hay “Làm sao thì làm, miễn phải đậu ĐH cho bố mẹ!”. Nhiều vị phụ huynh khác thì chăm chút cho con từng li từng tí, liên tục hỏi han khiến các em nhiều khi cảm thấy… phiền phức vì bị quấy rối, mất tập trung. Hơn nữa, sự chăm chút quá mức sẽ vô tình ám thị cho con rằng kỳ thi này là một cái gì đó rất ư là ghê gớm.
PV: Ông có thể nói rõ áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ?
– Thông thường, ngày xưa cái gì mà cha mẹ không làm được thì ngày nay con cái phải làm. Nhưng như vậy là bất công, vì đứa trẻ có khả năng, sở thích riêng cần được cha mẹ thấu hiểu và tôn trọng. Nhiều cha mẹ thương con quá và muốn con có kết quả học tốt, họ chọn cách gây áp lực để đứa trẻ học hành nghiêm túc hơn, vô tình gây cho con thêm căng thẳng và hình thành tinh thần hoảng sợ lo âu hơn là tinh thần chiến đấu. Một số cha mẹ cũng rất trọng sĩ diện, con người ta đậu ĐH mà con mình không đậu thì rất xấu hổ. Cho nên bắt con phải đậu ĐH, trường nào cũng được, miễn đậu là được. Nhưng các em thi là thi cho cuộc đời của chúng chứ không phải thi vì sĩ diện của ba mẹ.
Biểu hiện của tinh thần bị áp lực như thế nào và chất lượng việc học bị ảnh hưởng ra sao, thưa ông?
– Căng thẳng nhiều có thể khiến thí sinh rơi vào trạng thái trầm cảm. Biểu hiện là mỗi ngày các em đều thể hiện sự sầu muộn, từ chối những nguồn vui vốn có, cộng với một số triệu chứng: Giảm hoặc tăng cảm giác ngon miệng bất thường; mất ngủ hoặc ngủ triền miên; kích động hoặc trở nên chậm chạp; mệt mỏi hoặc mất sức; cảm giác vô dụng, vô giá trị; giảm khả năng tập trung. Thậm chí, thỉnh thoảng nghĩ đến cái chết, có ý tưởng hoặc hành vi tự sát. Trong khi đó, muốn thi tốt thì cần có ít nhất hai thứ: Khỏe thể chất là thí sinh phải ở đỉnh cao phong độ của sức khỏe; khỏe tinh thần là tâm lý thoải mái, tự tin thì mới làm bài tốt. Nhìn chung áp lực vừa phải thì sẽ tạo thành động lực. Nhưng áp lực quá nhiều sẽ phản ngược lại. Nếu bị căng thẳng, hình ảnh xuất hiện nhiều nhất trong tâm lý là hình ảnh cảnh báo thi rớt, hình ảnh ba mẹ thất vọng, từ đó khiến trẻ thiếu tập trung dẫn đến việc học cũng bị ảnh hưởng. Vào phòng thi, thí sinh dễ có tâm thế bất an, hồi hộp, từ đó phần nào mất đi sự tỉnh táo và phong độ.
Vậy thí sinh cần có những phương pháp ôn tập như thế nào để việc thi cử đạt kết quả tốt, thưa ông?
Muốn thi tốt thì thí sinh cần có ít nhất hai thứ: Khỏe thể chất là phải ở đỉnh cao phong độ của sức khỏe; khỏe tinh thần là tâm lý thoải mái, tự tin thì mới làm bài tốt.
|
– Hiện nay đã bước vào thời điểm cận kề ngày thi, thí sinh không nên học chi tiết nữa mà nên ôn tổng quát lại kiến thức đã học trong những ngày qua. Nhiều sĩ tử chiến đấu cả ngày đêm, gọi là tinh thần “hy sinh tất cả vì mùa thi”, như vậy sẽ bắt não bộ làm việc quá tải, ảnh hưởng đến chất lượng kết quả bài thi. Thế nên cần vui chơi, giải trí vào giữa quá trình ôn luyện. Không nghĩ đến cảnh thất bại vì nỗi sợ sẽ làm ta mất tinh thần, từ đó dễ sơ suất và mất điểm. Tập nghĩ đến những điều tươi sáng để tự bơm “vitamin lạc quan” cho trí não của mình. Ví dụ: Mình sẽ xử các đề thi ngon lành ra sao; mình sẽ nhận giấy báo nhập học thế nào; sẽ được là sinh viên và thực hiện điều mình mơ ước… Hãy dùng những cảnh đó để tạo động lực cho bản thân thay vì tự tạo áp lực bằng cảnh mình thi rớt. Xem kỳ thi như một kỳ thử thách để ta chinh phục. Thật ra, kỳ thi này là một trải nghiệm thú vị và đáng nhớ trong mỗi đời người. Dù ta đón nhận với thái độ nào thì nó cũng đến, thế nên thí sinh cứ mở lòng mà đón nhận một cách nhẹ nhàng. Đây là thử thách đầu tiên để chúng ta bước vào thế giới của người trưởng thành. Ngoài ra, cần giữ sự giao tiếp với bạn bè, người thân trong gia đình, đừng tự nhốt mình hay cách ly với mọi người để học. Họ có thể là những chỗ dựa tinh thần để các bạn chia sẻ những khó khăn, xả stress cực kì hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!
N.Trinh (thực hiện)
Để giữ vững tâm lý trước kỳ thi, thí sinh có thể vào http://youtu.be/IVXZF41pho4 xem thêmvideo clip về tâm lý phòng thi, với 5 tình huống trớ trêu: Hồi hộp, gặp đề khó; mất tinh thần chiến đấu; nỗi lo giám thị; rắc rối từ thí sinh cùng phòng; môn đầu tiên làm tệ quá hớp khi làm mấy môn sau. Những clip này giúp thí sinh có thêm kinh nghiệm giữ vững tâm lý trước khi bước vào kỳ thi. |
Bình luận (0)