Thu phí đậu ô tô ở lòng đường tại quận 1, TPHCM. Ảnh: Kiều Phong
Các cơ quan chức năng của TPHCM đang nỗ lực và nhiều vỉa hè, lòng đường, đặc biệt ở khu vực trung tâm TPHCM đã thông thoáng hơn. Nhiều bãi giữ xe tại khu vực này đã đi vào quy củ nhưng hoạt động của các bãi giữ xe, các nơi cho phép đậu xe dưới lòng đường vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Bấm bụng trả mức giá cao
Đầu năm 2017, UBND TPHCM ban hành quy định về giá dịch vụ trông giữ xe. Tùy theo các loại xe, vị trí gửi mà mức giá khác nhau. Cụ thể: xe điện, xe máy (kể cả nón bảo hiểm) trông giữ tại trường học, bệnh viện mức giá 2.000 – 3.000 đồng/xe/lượt; ở chợ, siêu thị, cửa hàng kinh doanh, các trụ sở cơ quan, tổ chức (trừ cơ quan hành chính nhà nước) 3.000 – 4.000 đồng/xe/lượt.
Tại quận 1, công tác quản lý nơi trông giữ xe gắn máy tuy nề nếp hơn nhưng một số nơi vẫn lấy quá mức quy định. Phố đi bộ Nguyễn Huệ là địa điểm vui chơi, giải trí của người dân TPHCM và khách du lịch nên lượng phương tiện đổ về khu vực này mỗi buổi tối, nhất là cuối tuần rất đông. Dịch vụ trông giữ phương tiện ở đây không bao giờ “rỗi việc”.
Hiện lực lượng TNXP phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức giữ xe, hướng dẫn người điều khiển phương tiện di chuyển vào đúng bãi. Dù vậy, người đi xe máy phải đi quanh khu vực đường Tôn Thất Thiệp, đến số nhà 26, 28 có một bãi giữ xe tư nhân. Giá giữ xe máy ban ngày ở đây là 5.000 đồng/lượt. Buổi tối, chủ xe phải trả 10.000 đồng/lượt và nhiều người phải bấm bụng trả do những khu lân cận đã kín chỗ.
Ngoài ra, qua kiểm tra, cơ quan chức năng quận 1 còn phát hiện nhiều bãi giữ xe lấy giá 7.000 đồng/lượt (bãi xe lề đường Hàm Nghi, phía sau Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng), 10.000 đồng/lượt (bãi xe lề đường Phan Chu Trinh, phường Bến Nghé)…
Theo UBND quận 1, nhu cầu để xe máy trên địa bàn rất lớn nên một số tổ chức, cá nhân còn lợi dụng việc cấp phép giữ xe tự quản rồi thu phí hoặc một số cá nhân, tổ chức lập ra các điểm giữ xe không phép. Cạnh đó, một số bãi giữ xe không được thu phí nhưng thực tế lại giữ xe lấy tiền. Ngoài ra, nhiều bãi đậu xe được phép đã tranh thủ căng dây bao chiếm toàn bộ vỉa hè, trong khi giấp phép chỉ cho sử dụng một phần.
Thất thu phí đậu ô tô
Ở khu vực trung tâm TPHCM có nhiều cao ốc, trung tâm thương mại có bố trí một phần để giữ ô tô, xe máy của khách vãng lai và người dân có nhu cầu, nhưng nhiều người vẫn chọn đậu trên đường.
Khi chúng tôi lái ô tô tấp vào lề đường Hải Triều (đối diện tòa nhà Bitexco có hầm giữ xe) thì một người đàn ông lớn tuổi chạy ra hướng dẫn xe đậu vào lề và nói ông ta là người trông giữ xe ở đây. Khi chúng tôi hỏi vé giữ xe thì được trả lời không có vé, nhưng nếu muốn đậu xe ở đây sẽ được trông coi với giá 30.000 đồng/lượt. Quan sát trên đường, chúng tôi ghi nhận những chiếc ô tô nối đuôi hàng dài ở lòng đường.
Lái xe qua đường Hồ Huấn Nghiệp (quận 1) chúng tôi cũng gặp cảnh tương tự. Xe vừa tấp vào, một người nhanh chóng chạy ra hướng dẫn. Lấy cớ cần giấy tờ thanh toán công tác phí, chúng tôi hỏi vé xe. Người này thông báo giá trông xe là 30.000 đồng/lượt nhưng không có vé xe. Trong lúc trao đổi thì một nhân viên mặc đồng phục của quận 1 đến xé, giao vé là “biên lai thu phí đậu xe ô tô” có giá 5.000 đồng/lượt.
Theo Quyết định 699/2013 của UBND TPHCM thì toàn TPHCM khoảng 40 tuyến đường cho phép đậu xe dưới lòng đường có thu phí. Vì vậy, những khu vực được phép đậu xe có thu phí ở khu vực quận 1 như tại Công viên Lê Văn Tám, đường Lê Lợi (trước khách sạn New World)… luôn là những điểm được người đi ô tô ưu tiên lựa chọn. Mức phí đậu xe ở những nơi này được TPHCM ấn định là 5.000 đồng/lượt/chiếc ô tô dưới 9 chỗ. Tuy nhiên, các nhân viên thu phí của quận 1 luôn nhắc khéo, hỏi thêm “tiền cà phê”.
Đầu tháng 6-2017, khi chúng tôi de ô tô vào một vị trí được phép đậu xe dưới lòng đường Lê Lai thì một nhân viên thu phí đến xé biên lai rồi gấp, nhét vội vào cần gạt nước trước xe. Chúng tôi hỏi giá thì anh ta nói: “cho bao nhiêu thì cho”. Khi chúng tôi trả 5.000 đồng thì anh ta nhắc khéo: “Bây giờ đâu ai đưa 5.000 đồng nữa. Anh cho tiền uống cà phê”… Kỳ kèo một hồi thì chúng tôi phải đưa thêm 20.000 đồng.
Ông N.V.Q. (quận Bình Tân, TPHCM) thường chở khách du lịch quanh trung tâm TPHCM phản ánh: “Vào khu vực trung tâm rất khó tìm chỗ đậu xe. Vì vậy, những điểm được phép đậu xe dưới lòng đường thì mức phí quy định là 5.000 đồng/lượt nhưng muốn đậu thì tài xế phải đưa thêm tiền “bồi dưỡng”. Cụ thể, ngoài việc trả phí theo giá vé in sẵn là 5.000 đồng/lượt, chúng tôi còn phải trả thêm 10.000 – 20.000 đồng”.
Theo ông Q., hầu như ai cũng trả không ít hơn 5.000 đồng cho một chỗ đậu ô tô trong suốt nhiều giờ vì so với việc vào các bãi giữ xe ở các cao ốc, trung tâm thương mại vẫn còn rẻ hơn… Tuy nhiên, việc thu phí ngoài mức quy định như trên sẽ khiến nhà nước thất thu. Ngoài ra, mức thu phí 5.000 đồng/xe/lượt như trên đã được áp dụng từ năm 2005 đến nay đã bất cập. Do đó đã phát sinh thực tế nhiều trường hợp lợi dụng vấn đề này để biến lòng đường thành bãi giữ xe.
Chấn chỉnh cấp phép các bãi giữ xe
Chủ tịch UBND quận 1 (TPHCM) Trần Thế Thuận cho biết, do nhu cầu gửi ô tô, xe máy của du khách đến địa bàn quận để làm việc; giao dịch, tham quan, mua sắm… rất cao nhưng các điểm giữ xe chưa đáp ứng nhu cầu. Điều này cũng khiến nhiều bãi giữ xe vi phạm như lấy quá giá, sử dụng quá diện tích cho phép.
Liên quan đến việc cấp phép sử dụng tạm vỉa hè để giữ xe, UBND quận 1 đã thực hiện công tác cấp phép. Quận cũng chỉ đạo UBND 10 phường thực hiện việc rà soát, kiểm tra tất cả các bãi giữ xe trên địa bàn, đề xuất xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm; chỉ đạo Phòng Tư pháp rà soát pháp lý đối với các trường hợp cấp phép sử dụng tạm vỉa hè, đảm bảo đúng quy định của pháp luật; vận động và ra quyết định thu hồi 22 điểm giữ xe.
Bình luận (0)