Y tế - Văn hóaThư giãn

Giữa San Francisco – gặp Lệ Thanh ngày ấy…

Tạp Chí Giáo Dục

Mình đến San Francisco vào một ngày giữa đông. Trời mưa lún phún, nghiêng nghiêng. Gió đưa cái lạnh se sắt từ phương Bắc đến. Tin thời tiết trên truyền hình luôn cập nhật từng giờ về cơn bão từ Alasca đổ về. Đã 8 giờ sáng, giữa lòng một thành phố hoa lệ, nổi tiếng của Mỹ nhưng đường thật vắng, không ồn ào tấp nập như Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh. Thi thoảng vài chiếc ô tô chạy vụt qua làm tóe nước mưa trên con đường trước mặt khách sạn – con đường dốc từ  phía  Đồi Nga (Russia Hill) đổ xuống bến tàu.

Tác giả và Lệ Thanh – Lê Thanh Bình tại khách sạn Holiday Inn

Ngồi ở sa-lon của khách sạn Holiday Inn, nhìn bâng quơ ra đường lòng không khỏi hồi hộp chờ Lệ Thanh năm ấy của mình đến thăm. Hôm qua, bạn ấy đã gọi điện thoại hẹn mình là sẽ đến đón và đưa lên tòa tháp cao nhất thành phố nhìn ra vịnh San Francisco nhâm nhi cà phê. Nhưng rồi mưa bão quá lớn ập đến, bạn ấy lại ở xa – San Josee cách đây hơn trăm cây số – nên mình gọi lại bảo thôi, đừng đi đêm nguy hiểm, hẹn lại sáng nay. Và cuối cùng thì Lệ Thanh của mình năm ấy cũng đến! Gần 50 năm gặp lại người… yêu thuở học trò hẳn là mình và Lệ Thanh có quá nhiều chuyện để nói, vui buồn lẫn lộn…

Đó là những năm cuối thập niên 70 của thế  kỷ trước, bọn mình – Hàng Chức Nguyên, Cao Viết Tuệ, Đinh Quang Anh Đạt, Huỳnh Hoa, Nguyễn Văn Lập, Trần Thoại Nguyên và một số bạn thân ở Trường Trung học Trần Quốc Tuấn (Quảng Ngãi), tụ tập lại với nhau cùng làm “báo” Bút non và các đặc san xuân cho trường. Nói báo Bút non cho oai chứ thật ra đó là một tập giấy học trò viết tay đóng thành tập, có bìa do Lập vẽ, nhờ nhà in đóng xén, được trình bày theo “gu” của tạp chí Văn thời đó. Tụi mình tự phong là chủ bút, thư ký tòa soạn, họa sĩ trình bày; cũng nhà văn, nhà thơ, kịch tác gia… Nội dung thì có xã luận, bình luận, trang thơ, truyện, biên khảo, có cả mục thư đi tin lại… Tụi mình “xuất bản” cũng hơn chục số “báo” kiểu đó. Mỗi số được các bạn chuyền tay nhau đọc say sưa, sau đó báo được mình lưu giữ cẩn thận. “Bài báo” được chính tác giả viết tay, tự trình bày.

Vì là người tập hợp và chọn bài để “đăng báo” nên mình và Nguyên rất chú ý và có cảm tình với các bài viết của Lệ Thanh, lúc đó được biết là một cộng tác viên ở trường nữ. Lệ Thanh dùng mực tím, nét chữ nắn nót, mềm mại, đáng yêu… Lệ Thanh có mặt ở nhiều “số báo”, khi thì bài thơ, khi thì tùy bút với nét chữ quen thuộc ấy. Số nào không có bài Lệ Thanh mình có cảm giác thiếu thiếu, nhớ nhớ… Tò mò, nhiều lần mình hỏi Nguyên, Bình về địa chỉ Lệ Thanh thì 2 bạn ấy nói chỉ biết Lệ Thanh học ở  trường nữ trung học Quảng Ngãi, nhà ở ga An Bố, vậy thôi…

Năm 1968, sau khi ra số đặc san Xuân Mậu Thân cho trường, tụi mình liên hoan tất niên. Trước khi chia tay về quê ăn Tết, cả nhóm bạn Bút non gồm Nguyên, Đạt, Bình, Hoa, Tuệ, Phát… lang thang khắp phố để tìm Lệ Thanh. Hết chỗ này tới chỗ nọ, Bình và Nguyên dẫn bọn mình đi lòng vòng.

Những bài viết và nét chữ đầy nữ tính của Lệ Thanh làm mình tưởng tượng ra một bạn nữ thùy mị, duyên dáng. Chắc Lệ Thanh đẹp lắm! Cả bọn đực rựa tụi mình có vẻ “thầm yêu trộm nhớ” cô nàng ấy! Đoán già đoán non, Bình nói có khi Lệ Thanh là Khánh Phước con của thầy Kia, Nguyên nói có khi Lệ Thanh là Hoa em gái của Bình. Tụi mình đi hết nhà này đến nhà nọ truy tìm tung tích Lệ Thanh, nhưng không thể nào gặp được bèn tạm tin là Lệ Thanh đã về quê ăn Tết cùng gia đình. Thời đó, bọn mình thích thơ T.T.K.H và biết giai thoại bí ẩn về nhà thơ nữ (?) tài hoa này, nên cũng tự thêu dệt có khi Lệ Thanh cũng vậy!

Tác giả bên cầu Goldengate

Lệ Thanh có nhiều bài thơ, đoản văn “đăng” trên  Bút non với nét chữ đều, nắn nót rất đẹp – là chữ con gái mà! Nhớ như in hai câu trích thơ Nguyễn Thị Hoàng trong một đoản văn giọng “nũng nịu” của Lệ Thanh: “Chi lạ rứa chiều nay buồn muốn khóc/ Ngó chi tôi đồ cỏ mọn hoa hèn”… Trong ý nghĩ của mình hẳn là Lệ Thanh đẹp lắm. Những rung động đầu đời tự nhiên kéo tới, hình như không chỉ riêng mình… Tết năm đó, mình ở quê bên dòng sông Vệ, đứng ngồi không yên, ngẩn ngẩn ngơ ngơ, chỉ mong mau đến ngày tựu trường để gặp lại bạn bè, gặp Lệ Thanh…

Trận chiến Tết Mậu Thân ở Quảng Ngãi thật khốc liệt! Một phần thành phố tan nát, gia đình bè bạn kẻ đi người ở; có bạn không còn, có bạn thoát ly, cũng có bạn đi lính… Đinh Quang Anh Đạt, Lê Thanh Bình theo gia đình vào Sài Gòn. Bình nói Lệ Thanh cũng đã theo gia đình vào Nam sinh sống. Từ đó bọn mình không còn nuôi hy vọng gặp Lệ Thanh nữa. Nhưng trong lòng mình, một cậu học trò mới lớn từ quê ra tỉnh trọ học, luôn nhớ về một Lệ Thanh với nét chữ nắn nót, dịu dàng…

Hè năm đó, Hàng Chức Nguyên  “bật mí” Lệ Thanh chính là Bình đó, mình tin nhưng vẫn cứ ngờ ngợ trong lòng mong là không phải vậy… Mãi đến bây giờ giữa lòng thành phố San Francisco, một sáng mùa đông giá lạnh, gặp Lệ Thanh – Lê Thanh Bình khai thật, hắn và mình cùng cười hố hố thật lâu…

Bình – Lệ Thanh nói, thực ra lúc đầu có dựng lên câu chuyện về Lệ Thanh để chọc mình chơi nhưng rồi cuối cùng Bình và Nguyên cũng bị cuốn vào câu chuyện đó, các bạn ấy cũng có cảm giác là Lệ Thanh có thật.

Nay, bạn nào tuổi cũng đã gần “thất thập”, tâm hồn gần như chai sạn, nhưng khi nhắc lại tình bạn với những kỷ niệm xưa thời trung học, ai nấy đều cảm thấy mình trẻ lại, cũng có thêm một chút bâng khuâng, tiếc nuối…

Nghiêm Ý – TVD

Bình luận (0)