Ngay giữa trung tâm Thủ đô, hai trường tiểu học vẫn xài chung một cổng |
Điểm lẻ đã trở thành khái niệm quen thuộc đối với một số phụ huynh và học sinh của Hà Nội, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Những điểm lẻ này có muôn hình vạn trạng. Nhưng điều cuối cùng muốn nói đến đó là tình trạng “đất chật người đông – học sinh phải khổ” do cơ sở vật chất của các trường thiếu thốn và “lực bất tòng tâm” của các cấp lãnh đạo.
Thiếu sân chơi
Ngõ 220, phố Hàng Bông từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều học sinh, phụ huynh Trường Tiểu học Thăng Long (địa điểm chính của trường tại Ngõ Trạm, Hoàn Kiếm, Hà Nội). Con ngõ nhỏ theo đúng đặc trưng của phố cổ và tối đã đưa chúng tôi đến với phòng học của cô trò lớp 1 của trường. Căn phòng nhỏ với 40 học sinh ngồi với 20m2 dường như tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Thấy chúng tôi, một vài người dân sống trong ngõ hỏi: Đi tìm trường cho con à? Cùng hoàn cảnh như học sinh Trường Tiểu học Thăng Long còn có học sinh (cũng lớp 1) của Trường Tiểu học Quang Trung (Hoàn Kiếm). Điểm học lẻ này cách không xa trường nhưng cũng nằm trong một con ngõ nhỏ tại phố Hạ Hồi. Một cánh cổng sắt là “vách ngăn” của lớp học này với thế giới xung quanh. May mắn hơn học sinh của hai trường trên, 7 lớp (gồm khối 4 và khối 5) của Trường Tiểu học Trưng Vương và Nguyễn Du (Hoàn Kiếm, Hà Nội) được học tại một khuôn viên rộng rãi hơn tại ngõ 44 Hàng Bè, Hà Nội. Tuy có rộng rãi thoáng mát hơn nhưng sân chơi của 7 lớp học sinh chỉ rộng bằng 2 con ngõ nhỏ của phố cổ, được lát gạch. Phòng học đủ ánh sáng tự nhiên nhưng cửa cũng đã cũ không còn kín. Điều dễ nhận thấy tại những điểm lẻ này đó là tình trạng thiếu sân chơi cho học sinh. Đối với học sinh Trường Tiểu học Quang Trung, mỗi tuần, các em có 2 tiết thể dục thì 1 tiết học tại điểm lẻ còn 1 tiết được hành quân về trường học cùng với 1 tiết đàn. Cũng may, các em có 2 tiết học này để có cơ hội biết trường chính, biết các thầy cô giáo khác và đặc biệt là được vui chơi với các bạn, các anh chị khác trong trường. Ngoài thiếu sân chơi, học sinh tại những điểm lẻ còn phải đối diện với thực trạng “nhấp nhổm” chuyển chỗ học. Một số điểm lẻ của Trường Tiểu học Bà Triệu, học sinh sẽ phải di chuyển để có thể đảm bảo học 2 ca/ngày.
Nỗi khổ chung trường
Ở nơi khác đến, hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi một cổng có tới hai tên trường: Trường Tiểu học Nguyễn Du – Tiểu học Trưng Vương, Tiểu học Lê Ngọc Hân – THCS Lê Ngọc Hân. Trong khi gần 98% học sinh Hà Nội (cũ) được học 2 buổi/ngày và bán trú tại trường thì gần 1.000 học sinh của Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) vẫn phải chịu cảnh học “bán trú” tại nhà dân, trong điều kiện chật chội, không đảm bảo môi trường sư phạm. Điều đó khiến nhà trường lo lắng, cô giáo vất vả, phụ huynh chưa thể yên tâm.Nguyên nhân là do Trường Tiểu học và THCS Lê Ngọc Hân hiện nay vẫn phải chung cơ sở vật chất, học cùng một trường, cấp II học buổi sáng, cấp I học buổi chiều. Ngay từ khi năm học mới chưa bắt đầu, phụ huynh và học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân đã phải lo lắng tìm nơi “bán trú” cho con. Và họ chỉ còn một lựa chọn là cho con trọ học tại nhà dân hoặc nhà cô giáo chủ nhiệm. Nhưng giữa thời buổi “tấc đất tấc vàng”, việc tìm đủ chỗ học cho gần 1.000 học sinh (chiếm 80% tổng số học sinh của trường) là điều không dễ. Em nào may mắn thì được học trọ tại các tuyến phố gần trường, xa hơn thì phải học ở khu vực Nhà Văn hóa quận Hai Bà Trưng, phường Đông Mác… Những nơi học xa, phụ huynh và giáo viên phải hợp đồng với một số công ty xe khách thuê xe chở các em đến trường. Các cô giáo chủ nhiệm trở thành những người giữ “nhóm trẻ” gia đình bất đắc dĩ. Lớp học của cô Trần Thị Tuyết, giáo viên của trường, có hơn 40 học sinh học, các em ngồi chen chúc trong một phòng học chỉ rộng chừng 30m2. Phòng học có đủ điện nước, ánh sáng nhưng vẫn quá ngột ngạt. Các em sẽ học từ sáng đến trưa và chơi tại chỗ (trừ lúc ra ngoài đi vệ sinh). Ở cuối lớp, 10 chiếc dát giường chồng lên nhau, khi ăn xong, các cháu sẽ kê lên trên bàn học để ngủ. Cô Tuyết chỉ lên gác xép lửng và bảo do ở dưới không đủ chỗ ngủ, một số em sẽ ngủ trưa ở đó. Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè nóng nực thì thật khổ các em. Do không có điều kiện nấu nướng nên giải pháp hữu hiệu nhất là gọi cơm hộp cho các em. Cô Tuyết cho hay, mong từng ngày từng giờ được đưa các em vào trường học bán trú, chứ điều kiện như thế này, khổ cả thầy cả trò. Buổi chiều, cô sẽ đưa các em đến trường. Trong khi đó, các em học sinh ở cấp THCS của trường cũng “khổ” không kém. Học sinh lớp 9 cũng phải ngồi học theo bàn ghế của học sinh lớp 1. Cảnh ngộ của học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương và Trường Tiểu học Nguyễn Du tương tự. Tuy có đỡ bất tiện hơn nhưng lại có cái khó riêng.
Tuy nhiên, về giải pháp, hiện nay chủ trương của thành phố Hà Nội là đến năm 2010 đạt 100% các trường tiểu học học 2 buổi/ngày. Thành phố đã đạt được 90% số HS học 2 buổi/ngày, nhưng riêng quận Hai Bà Trưng mới đạt được 70% do khó khăn về diện tích. Khó khăn về mặt bằng đã trở thành “nỗi ám ảnh” của nhiều trường trên địa bàn Thủ đô hiện nay.
Nghiêm Huê
Bình luận (0)