Bệnh nấm kẽ chân tuy không nguy hiểm nhưng nó khiến bệnh nhân rất khó chịu. Ảnh: T.L |
Việc thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn hay đi giày tất suốt ngàysẽ gây nhiều tai họa cho đôi chân như bong vảy, mẩn ngứa. “Hung thủ” của căn bệnh này là nấm kẽ chân hay còn gọi là nước ăn chân.
Bệnh này tuy không nguy hiểm, nhưng nó khiến bệnh nhân rất khó chịu, đồng thời gây ra nhiều phiền toái nếu không biết cách phát hiện và điều trị.
Những ai hay bị nấm kẽ chân?
Chị Lan H. làm nghề buôn bán hàng thủy sản tươi sống ở chợ, vì thế chị thường xuyên tiếp xúc với nước bẩn. Mặc dù lúc nào chị cũng mang giày ống cao, rửa chân rất sạch sau khi làm việc nhưng chân chị vẫn bị tổn thương. Chị cho biết: “Thời gian gần đây, bàn chân tôi bị ngứa kinh khủng, sau đó các lớp da bị bong vảy, đỏ lên ở các kẽ ngón chân và lòng bàn chân. Cảm giác đau, ngứa khiến tôi đứng ngồi không yên. Ngoài ra, nó còn khiến tôi mất tự tin, không dám chưng diện những đôi guốc thanh mảnh, càng không dám để lộ đôi chân xấu xí của mình khi nói chuyện với mọi người”.
Còn anh Lê Thanh do công việc nên phải đi giày kín suốt ngày và bị nấm ở kẽ chân với triệu chứng như sau: Xuất hiện các mụn nước không ngứa đến khi vỡ ra bị bong da và ngứa, rất khó chịu, cứ xuất hiện hết đợt này đến đợt khác.
Triệu chứng bệnh này thường gặp ở những người sống và làm việc trong môi trường nóng ẩm, chân tiết nhiều mồ hôi hoặc hay tiếp xúc nước, nhất là nước bẩn. Bệnh nấm kẽ chân thường bắt đầu từ kẽ ngón chân thứ 3, thứ 4. Mới đầu, người bệnh thấy bong vảy và ngứa ở kẽ ngón chân. Dần dần, da kẽ ngón bị mủn, trắng bợt, hoặc loét, chảy nước, có thể bị nứt kẽ, rất đau. Từ kẽ ngón chân thứ 3, thứ 4, bệnh có thể lan sang các kẽ ngón chân khác, hoặc lan lên mu bàn chân, rìa bàn chân. Bệnh kẽ nấm chân tiến triển rất dai dẳng và hay tái phát. Nguyên nhân thường do nấm Epidermophyton floccosum gây nên, có thể lây từ người này sang người kia do dùng chung giày, vớ, tắm công cộng… Nếu trị liệu không đúng, nấm ăn sâu và lan rộng ra các vùng da. Một số trường hợp nấm từ kẽ chân ăn vào các móng làm sần sùi, hư móng.
Cần điều trị đúng cách
Việc điều trị nấm kẽ chân không khó nhưng cần thận trọng theo sự chỉ định của BS chuyên khoa để đạt hiệu quả và tránh tác dụng phụ.
Trong giai đoạn mới bị, nên thường xuyên ngâm chân với thuốc tím pha loãng 1/10.000 (1g thuốc tím pha trong 10 lít nước ấm) mỗi ngày 2-3 lần. Sau đó lau khô, bôi các thuốc sát khuẩn như dung dịch Milian. Trước đây người ta còn dùng dung dịch ASA nhưng chất này gây rát khi bôi. Hiện nay có nhiều thuốc chống nấm như kem Fazol, Clotrimazol, Ketoconazol tiện lợi và không gây rát. Tuyệt đối không nên dùng vật cứng cạo nơi bị thương tổn dễ gây nhiễm khuẩn. Không tắm, rửa nơi bị bệnh bằng xà phòng. Khi đã khỏi, cần dùng thuốc tiếp tục trong 1-2 tuần tiếp theo.
Ngoài một số loại thuốc tây chữa bệnh nấm kẽ chân, còn có nhiều loại cây được dùng để trị bệnh này cho kết quả tốt như lấy lá trầu không vò nát xát vào kẽ chân. Hoặc lấy khoảng 10 lá trầu không, nấu sôi với nửa lít nước, để nguội cho một cục phèn chua bằng đầu ngón tay cái, khuấy cho tan rồi ngâm chân, xong lau khô.
Để phòng ngừa bệnh này, mọi người sau khi tiếp xúc với nước bẩn hoặc bùn, phải tắm rửa sạch sẽ, đặc biệt rửa sạch và kỳ cọ kẽ chân, chú ý các nếp da sau đó phải lau khô bàn chân. Nếu trong gia đình có người bị nước ăn chân thì cần phải cách ly, không để lây nấm sang người khác, không đi tất, giày, dép chung với người bệnh. Cần giữ bàn chân khô ráo, thay vớ mỗi ngày, vớ phải được giặt, luộc. Không đi chân đất, giày dép cần làm sạch, thay đổi, phơi nắng.
Trường hợp bị nấm kẽ chân kéo dài, nên đi khám chuyên khoa da liễu để BS giúp bạn điều trị dứt điểm.
BS. NGUYỄN VĂN TIẾN
(Bệnh viện 175 – TP.HCM)
Bình luận (0)