Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giúp cơ sở giáo dục nghề nghiệp tháo gỡ khó khăn

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sáng 19-12, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM đã tổ chức hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo sở với tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và công tác đào tạo, bồi dưỡng cho người lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2023.


Ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM giải đáp thắc mắc

Hội nghị đã ghi nhận 52 câu hỏi, ý kiến đóng góp bằng văn bản của 24 đơn vị, 9 ý kiến phát biểu tại hội trường với 18 nội dung.

Ông Bùi Văn Hưng (Hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ 2) đã chia sẻ về những khó khăn trong việc triển khai công tác dạy văn hóa cấp 3 trong trường nghề. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ phát triển, đặt hàng đào tạo của TP không được bố trí công bằng cho các trường trực thuộc cơ quan trung ương mà điển hình là ngôi trường của ông.

Trong khi đó, bà Võ Thị Mỹ Vân (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist) cũng bày tỏ khó khăn đối với thủ tục liên kết với các trường quốc tế có mở chương trình đào tạo chất lượng cao.

Ngoài ra, nhiều đơn vị khác cũng chia sẻ vướng mắc về chất lượng nguồn nhân lực; công tác đào tạo nghề; chế độ, chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định 81 của Chính phủ; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo; dự thảo nghị định về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực TP.HCM, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp…

Nhiều tổ thắc mắc, chia sẻ của tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đều được ban giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM giải đáp cụ thể. Tuy nhiên, đối với những thắc mắc chưa thể giải đáp kịp thời, lãnh đạo hứa sẽ tiếp thu, làm văn bản đề nghị các đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ cho các trường.


Bà Võ Thị Mỹ Vân (Hiệu trưởng Trường Trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigontourist) chia sẻ khó khăn đối với thủ tục liên kết với các trường quốc tế

Theo ông Lê Văn Thinh – Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP.HCM, việc học nghề đang trở thành xu hướng được nhiều học sinh, sinh viên. Điều đó không chỉ giúp học sinh có thêm kiến thức chuyên môn, kỹ năng thực tế mà còn mở ra nhiều cơ hội việc làm trong tương lai. Đặc biệt đối với TP.HCM là trung tâm đô thị lớn của cả nước, giáo dục nghề nghiệp có vai trò cung ứng nguồn nhân lực lớn đã qua đào tạo cho ngành kinh tế của TP.

Tuy nhiên, ông Thinh cũng thừa nhận trong quá trình hoạt động, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc phát sinh đã khiến cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các phòng lao động – thương binh và xã hội, các sở, ban, ngành TP gặp phải lúng túng, trở ngại khi triển khai các chủ trương, chính sách.

TP.HCM hiện có 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 62 trường cao đẳng, 60 trường trung cấp, 22 Trung tâm GDNN-GDTX, 54 Trung tâm GDNN và 178 doanh nghiệp đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp. So với cả nước, tổng số trường cao đẳng, trung cấp trên địa bàn TP là 106/847 trường của cả nước, chiếm 12,51%. Điều này cho thấy TP.HCM hiện đang có tiềm lực mạnh mẽ trong việc đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho thị trường lao động của TP và khu vực lân cận. Bình quân hàng năm có hơn 195.000 người học tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp và tham gia thị trường lao động. Chất lượng nguồn nhân lực sau đào tạo cơ bản đáp ứng nhu cầu tuyển dụng, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động của TP và các tỉnh xung quanh.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát, sửa đổi, rút ngắn các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực quản lý của Sở. Đối với các thủ tục do những đơn vị khác phụ trách, chúng tôi sẽ làm văn bản đề nghị các đơn vị trên hướng dẫn, hỗ trợ”, ông Thinh cho biết.

Ông Phạm Anh Thắng – Trưởng đại diện Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tại TP.HCM – đánh giá, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực tại TP.HCM vô cùng quan trọng vì TP là địa phương có cơ sở giáo dục nghề nghiệp lớn nhất cả nước. TP đã góp phần tạo ra nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực cao để đáp ứng cho thị trường lao động, góp phần phát triển đất nước. “Tôi sẽ tiếp thu ý kiến của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như doanh nghiệp để trình lãnh đạo bộ xem xét, có văn bản hướng dẫn các cơ sở giải quyết những vướng mắc đang gặp phải”, ông Thắng nói.

Hồ Trinh

 

 

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)