Đối xử với các con công bằng, làm giàu đời sống tinh thần cho con… sẽ giúp trẻ nguôi đi tâm lý so bì.
Cha mẹ có thể làm giàu đời sống tinh thần cho trẻ bằng nhiều cách: cùng vui chơi với trẻ, cho trẻ học môn năng khiếu yêu thích… – Ảnh: Telegraph
Từ 3 tuổi trở đi trẻ đã bắt đầu biết so sánh sự vật này với sự vật khác. Trẻ 6 tuổi trở lên sẽ hình thành rõ nét tư duy so sánh, đối chiếu vấn đề này kia để tìm kiếm quy luật nhân quả.
Chẳng hạn, sao anh Hai có bút đẹp mà mình lại không? Có phải cha mẹ thương anh Hai hơn mình hay vì mình chưa ngoan bằng anh?
Vì thế, trong giao tiếp nếu trẻ có so bì, so sánh với những đứa trẻ khác là điều hết sức bình thường. Tâm lý so bì sẽ được kiểm soát khi trẻ trưởng thành hơn với sự giáo dục thích hợp.
Có muôn ngàn lý do làm nảy sinh tính so bì ở trẻ
– Trẻ tự ti, luôn cảm thấy thua kém người khác, không nhận ra thế mạnh của mình, không thấy được giá trị của những thứ mình đang có.
– Trẻ suy nghĩ còn non nớt, hạn chế, chỉ biết nghĩ cho bản thân và muốn cha mẹ quan tâm đến mình nhiều hơn.
– Trẻ sống trong sự bảo bọc quá mức của gia đình, cha mẹ chưa dạy con kỹ năng hòa nhập trong các mối quan hệ. Trẻ có tâm lý hay đòi hỏi, mè nheo, muốn là phải có "ngay và luôn" .
Chế ngự tính so bì: không khó!
– Kiên trì giải thích cho trẻ hiểu mỗi người có một hoàn cảnh và điều kiện sống khác nhau. Vì thế mỗi người có một thế giới khác nhau, không ai giống ai.
Chẳng hạn, "anh Bi có nhiều đồ chơi mà con không có, nhưng con cũng có rất nhiều thứ mà anh Bi không có, chỉ là con không nhận ra và cứ nghĩ rằng mình thua thiệt hơn anh ấy".
– Khi trẻ so bì ngay chính với anh, chị, em ruột của mình thì tronggia đình hãy đối xử công bằng với các trẻ. Nhưng các bậc cha mẹ lưu ý là công bằng không có nghĩa là như nhau với tất cả trẻ.
Nhiều bậc phụ huynh thường cho rằng cách tốt nhất để tránh sự so bì giữa các con là phải ứng xử như nhau giữa các bé.
Tuy nhiên, suy cho cùng cách xử lý này chính là nguyên nhân dẫn đến việc nảy sinh tính so bì của trẻ. Bởi thực tế sẽ có một đứa hoặc tất cả không nhận được thứ mà chúng thích hoặc cần.
Vì thế, cần giải thích cho trẻ thấy và chấp nhận rằng mỗi người có những đặc điểm, nhu cầu khác nhau, nên có sự ứng xử khác nhau để phù hợp. Đừng bắt buộc cha mẹ phải ứng xử như nhau giữa mỗi người vì như thế là ích kỷ, nhỏ nhen.
– Làm giàu đời sống tinh thần cho trẻ cũng là cách làm nguôi đi tâm lý so bì ở trẻ. Hãy liệt kê cho con thấy điểm mạnh con đang có và giúp con phát huy điểm mạnh ấy.
Nếu con bạn có chút năng khiếu âm nhạc, cho trẻ theo lớp nhạc. Nếu bé duyên dáng, mềm mại, hãy đăng ký cho trẻ học các lớp múa. Còn nếu trẻ có hứng thú, hãy cho trẻ tham gia các lớp võ thuật.
Hãy chăm sóc năng khiếu của trẻ để bé có thể cải thiện phẩm chất đặc biệt và nâng cao sự tự tin của trẻ. Bằng những việc làm cụ thể, cho trẻ nhận thấy bản thân luôn được sự quan tâm, chia sẻ của gia đình.
– Nếu trẻ rất thích mua đồ chơi giống bạn, cha mẹ hãy hết sức bình tĩnh, đừng trả lời kiểu: "Cha mẹ chẳng có nhiều tiền để mua cho con đồ chơi ấy, đừng có đòi hỏi!".
Cách trả lời này sẽ khiến trẻ càng tự ti và cho rằng mình không xứng đáng hoặc trẻ sẽ nghĩ rằng những thứ đó chỉ dành cho đứa trẻ con nhà giàu và khiến trẻ dễ bất mãn, phẫn uất.
Việc cấm trẻ thèm muốn những món đồ chơi mới sẽ khiến tâm lý so bì càng ăn sâu hơn. Thay vào đó, cha mẹ hãy tạo điều kiện để con yêu thích các hoạt động như tham gia các câu lạc bộ thể thao, đọc sách, tiết kiệm hoặc làm thêm để có tiền.
Điều này sẽ giúp trẻ học được: nếu thật sự muốn, trẻ có thể nỗ lực để có được dù phải mất thêm một khoảng thời gian. Trẻ nhận thức được rằng muốn có được bất cứ điều gì đều phải cố gắng, không tự nhiên dễ dàng mà có. Từ đó trẻ sẽ "cân nhắc" hơn mỗi khi định so bì với một ai đó.
Bình luận (0)