Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giúp con giảm stress sau kỳ thi

Tạp Chí Giáo Dục

Sau các kì thi, cha mẹ nên để các em có thời gian nghỉ ngơi để lấy lại trạng thái cân bằng tâm lý, thay vì bắt học tiếp. Ảnh: N.Anh

Việc sau các kỳ thi tốt nghiệp, ĐH, CĐ học sinh được phép xả hơi thoải mái đã gây tổn hại về sức khỏe cũng như ảnh hưởng không tốt cho kì thi tiếp theo.     
Thỏa mãn để cởi bỏ lo toan
Em Quang Phương (Long Thành, Đồng Nai) cho biết: “Đối với em thi tốt nghiệp là vất vả nhất, thi ĐH năm này chưa đậu thì còn cơ hội sang năm hay thi CĐ. Vì thế, nhất định sau khi thi tốt nghiệp em sẽ tự thưởng cho mình một tuần chơi game để xả stress”. Không ít phụ huynh đồng ý với quan điểm này, bởi họ cho rằng cần phải bù đắp những thiếu hụt trong mấy tháng học tập, ôn luyện vừa qua, cởi bỏ những lo âu, căng thẳng để bước vào ôn thi ĐH tốt hơn. Một số cha mẹ vì chiều con nên đã hạ thấp các yêu cầu, để con mình tự do, tùy tiện tham gia các hoạt động xả hơi theo sở thích. Chính vì những biểu hiện tâm lí đó tạo cho không ít học sinh thỏa mãn dừng lại với những gì mình đã đạt được, lạm dụng chơi đùa vượt qua giới hạn cho phép, hình thành các thói quen xấu ở học sinh, như lười học tập, chống đối cha mẹ. Khi cha mẹ yêu cầu cao hơn thì xuất hiện tư tưởng xa lánh mọi người, thậm chí bỏ học, bỏ gia đình, vi phạm pháp luật.
Hoặc cha mẹ gây áp lực
Phụ huynh của em Hoàng Văn Hường (Dĩ An, Bình Dương) thì ngược lại, ông An – cha Hường – cho biết: “Sau kỳ thi tốt nghiệp tôi phải cho cháu tập trung vào ôn tập ngay các môn thi ĐH, không chơi bời gì hết. Sau khi đỗ ĐH thì cho chơi thỏa thích theo nhu cầu”.
Theo một số chuyên gia tâm lý, việc bắt buộc con cái học ngay sau kì thi tốt nghiệp hoàn toàn không hợp lí, thậm chí có trường hợp còn phản khoa học gây những sang chấn tâm lý, tinh thần cho học sinh sẽ không có lợi cho việc ôn thi ĐH. TS giáo dục học Nguyễn Minh Thức – giảng viên Trường ĐH Nguyễn Huệ – nhiều năm làm công tác tư vấn, cho biết: “Những áp lực sau các kì thi là rất lớn, sự căng thẳng về thần kinh do học tập cũng như cha mẹ quá kì vọng vào con cái dẫn đến các em mất hứng thú học tập hoặc lo lắng, căng thẳng có thể dẫn đến nguy cơ rối loạn tâm thần”.
Cùng chia sẻ!
Sau kì thi, cha mẹ nên để các em có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để lấy lại trạng thái cân bằng tâm lý. Nếu có điều kiện nên cùng con tham gia các hoạt động vui chơi, xả hơi phù hợp, như cùng con đi tham quan những di tích lịch sử, đi công viên, siêu thị sách… Không nên vạch ra kế hoạch quá sớm cho kì thi ĐH, hàng ngày cùng các em chia sẻ những vướng mắc trong cuộc sống. Trong thời gian này không nên áp đặt, ra điều kiện cũng như quá kì vọng có thể dẫn đến những khó khăn tâm lý, gây áp lực ngay từ đầu. Cần lưu ý không nên nhắc lại những sai lầm mà con em mắc phải trong kỳ thi tốt nghiệp, đồng thời cũng không nhất thiết quan tâm nhiều đến tỉ lệ chọi ở các trường.
Nên thường xuyên giúp các em về tinh thần cũng như vật chất để đảm bảo cho việc ôn thi ĐH sắp tới. Luôn bên cạnh các em trong những lúc khó khăn nhất để chia sẻ, động viên kịp thời, đồng thời cũng khuyến khích tạo cho các em sự vững vàng tâm lý để chúng luôn cảm thấy bên cạnh mình đang có sự quan tâm, giúp đỡ của người thân.
Một giải pháp thường trực ở các bậc phụ huynh và giáo viên đối với học sinh sau khi thi tốt nghiệp là tiếp tục làm tốt công tác định hướng nghề nghiệp để các em yên tâm tư tưởng ôn thi ĐH, nhất là với những em làm nhiều bộ hồ sơ vì chưa xác định được năng lực, sở trường của bản thân. Bởi hoàn cảnh luôn thay đổi, lập trường các em nhiều khi chưa vững vàng, hay do dự, dao động trước những thông tin chưa chuẩn xác hoặc “chạy” theo sự góp ý, lôi kéo của bạn bè. Mặt khác, phụ huynh cần nhận thấy khi xu hướng nghề nghiệp chưa rõ ràng, các em dễ sa đà vào sự cám dỗ của các thú vui trong khi xả stress.
Lê Phạm Phương Lan (Giảng viên tâm lý)
Các bậc cha mẹ cần lưu ý: Không nên nhắc lại những sai lầm mà con mình mắc phải trong kỳ thi tốt nghiệp, đồng thời cũng không nhất thiết quan tâm nhiều đến tỉ lệ chọi ở các trường.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)