Trong xã hội ta hiện nay, dường như trẻ chỉ lờ mờ biết rằng cha mẹ mình đang làm công việc gì đó, đang có một nghề nghiệp nào đó chứ không mấy khi hiểu được đầy đủ. Điều này ảnh hưởng đến việc chọn nghề sau này và cả những ứng xử của trẻ…
1. Vừa qua, tôi được Công đoàn Tổng Công ty Điện lực TP.HCM mời làm giám khảo để chấm các bài thi của con em cán bộ, nhân viên tổng công ty viết về cha mẹ và công việc của cha mẹ mình. Đây là cuộc thi viết “Là con người thợ điện” do Công đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát động, dành cho học sinh độ tuổi từ 6 đến 18 là con của đoàn viên, người lao động đang làm việc tại các đơn vị trong EVN. Cuộc thi nhằm tạo sân chơi gắn kết, chia sẻ cho học sinh nhân dịp kỳ nghỉ hè, kết thúc năm học 2023-2024; khơi gợi và phát huy sáng tạo những cảm nhận, chia sẻ về tình yêu của các em đối với công việc của các thế hệ ông bà, cha mẹ hoặc người thân của mình đối với ngành điện lực.
Qua đọc gần 100 bài viết đã được sơ tuyển của các học sinh từ tiểu học đến THPT, tôi cảm nhận được lòng tự hào sâu sắc của các em đối với người công nhân ngành điện và đối với chính cha mẹ, người thân đã và đang công tác trong ngành. Đa dạng về hình thức thể hiện, như một bài thơ, một bức thư, một chuyện kể, một bài cảm nhận…, hầu hết các bài đều thể hiện tình cảm chân thật, sâu lắng của một người con, người cháu đối với công việc của cha mẹ, người thân. Nhiều bài viết có thể khiến người lớn ngạc nhiên về hiểu biết của các em đối với công việc của một công nhân ngành điện, dù ở lĩnh vực kỹ thuật hay hành chính, cũng như giúp người đọc hiểu biết thêm những khó khăn, vất vả của những người đang công tác trong lĩnh vực này. Chẳng hạn, đôi khi chúng ta trách sao cúp điện lâu quá nhưng mấy ai hiểu rằng người công nhân đã phải vất vả như thế nào để tìm và khắc phục sự cố; hay nhiều lúc người ngồi trong nhà đã than nóng mà đâu biết người thợ điện phải leo trèo trong điều kiện nắng gắt và đối mặt nhiều nguy hiểm; hay khi có mưa giông, cây gãy, cột điện ngã, dây điện đứt…, thì ai nấy tránh trong nhà nhưng người thợ phải khẩn trương đến hiện trường để sửa chữa. Các bài thi đã phần nào giúp người đọc chia sẻ nỗi vất vả của công nhân ngành điện.
Khi đọc các bài thi, tôi đã liên tưởng đến công việc của nhiều người khác, liệu có được con em họ hiểu đầy đủ không, có chia sẻ với nỗi vất vả đó không, có lòng tự hào hay không… Chẳng hạn, khi đi dạy, tôi hay hỏi các sinh viên về công việc của cha mẹ, về sự quan tâm của các em đến công việc đó. Phần nhiều các em có biết nhưng chưa hiểu sâu và ít khi tỏ ra tự hào. Như có em cho biết cha mẹ làm nông dân nhưng không biết nhà có bao nhiêu đất, trồng loại cây đó thì sản lượng mỗi vụ là bao nhiêu, lời lãi thế nào…; có em cho biết cha mẹ ở nhà buôn bán nhỏ nhưng ít khi phụ cha mẹ, không rõ giá nhập và giá bán nên cũng không biết lời ra sao…; có em có cha làm thợ xây nhưng cũng không biết làm những công trình gì, cũng không bao giờ thấy cha trực tiếp làm… Vậy nên, nếu một đứa trẻ có cha mẹ làm công chức, giáo viên, bác sĩ, nhà báo… chắc có thể chỉ biết đại khái công việc đó chứ hiếm khi trực tiếp thấy cha mẹ mình làm những việc gì, có vất vả hay không, có áp lực hay khó khăn gì không, bản thân có tự hào hay muốn phấn đấu nối nghiệp không… thường không rõ ràng. Và vì vậy, các em có thể thoải mái thụ hưởng thành quả lao động của cha mẹ chứ chưa cảm nhận đầy đủ về sự nhọc nhằn mà có ý thức tiết kiệm hay tìm cách giúp đỡ cha mẹ.
2. Việc hiểu biết về công việc của cha mẹ có thể giúp trẻ định hình sự chọn lựa về nghề nghiệp cũng như có tình cảm, trách nhiệm liên quan đến nghề nghiệp đó. Thí dụ, trẻ nhìn thấy cha mẹ làm một công chức hằng ngày giải quyết các hồ sơ hành chính cho người dân phải thực hiện các quy trình ra sao, ứng xử với dân thế nào, chịu những áp lực gì… thì có thể sẽ không có sự tự hào ở góc độ cha mẹ mình đang có quyền lực mà hình thành nên ý thức trách nhiệm đáp ứng các nhu cầu chính đáng, giúp đỡ hoàn thành các thủ tục cho người dân, nhất là những người yếu thế, rồi có sự tự hào rằng cha mẹ mình đang nỗ lực đáp ứng nguyện vọng của người dân. Từ đó, trẻ có thể được gợi mở về việc quan tâm chăm lo, phục vụ người dân, dù sau này có làm công việc gì. Đương nhiên, điều rất quan trọng là sự hiểu biết đó sẽ tạo ra những ý niệm về nghề nghiệp từ rất sớm, thay vì đến bậc THPT vẫn chưa hiểu mình sẽ chọn nghề gì, học trường nào. Bên cạnh việc nối tiếp truyền thống của gia đình, theo đuổi công việc của cha mẹ, trẻ còn có nhận thức đúng đắn, đầy đủ hơn về các nghề, các công việc, tự liên hệ với bản thân để hiểu về điểm mạnh, điểm yếu của mình, từ đó xác định được nghề nghiệp phù hợp hơn. Và, trẻ cũng sẽ có trách nhiệm hơn với hành động hay sự phấn đấu của bản thân, như chi tiêu hợp lý hơn thay vì xem cha mẹ chỉ có nghĩa vụ chu cấp mà không hiểu sự vất vả khi làm việc; có sự nỗ lực hơn chưa không phải mọi thứ đến với mình dễ dàng…
Ở một số nước, việc trẻ em trực tiếp xem cha mẹ làm việc khá phổ biến, và đây là một phần của văn hóa và hệ thống giáo dục. Sau đây là một số ví dụ về cách mà trẻ em có thể chứng kiến cha mẹ mình làm việc: Đó là tổ chức ngày “Công việc của cha và mẹ”: nhiều đơn vị (nhất là trường học), doanh nghiệp tổ chức các ngày mở cửa hoặc sự kiện “Công việc của cha và mẹ”, nơi trẻ có cơ hội đến văn phòng hoặc nơi làm việc của cha mẹ mình để tìm hiểu về công việc của cha mẹ, từ những công việc văn phòng đến các nghề nghiệp đặc thù như bác sĩ, kỹ sư, hoặc giáo viên. Đó là gắn trường học với dự án học tập: có các dự án học tập hoặc hoạt động ngoại khóa mà trẻ được khuyến khích đi cùng cha mẹ đến lớp học để chia sẻ về công việc của họ. Ví dụ, cha mẹ có thể được mời đến lớp để nói chuyện về nghề nghiệp của mình, làm việc cùng với trẻ trong các bài tập thực hành hoặc thuyết trình. Đó là tổ chức các sự kiện cộng đồng và hội thảo, nhất là các buổi thảo luận nghề nghiệp, và mở cửa cho gia đình. Trẻ em có thể đi cùng cha mẹ đến các sự kiện này, giúp các em hiểu thêm về những lĩnh vực khác nhau và chứng kiến cha mẹ mình tham gia vào các hoạt động chuyên môn. Đó là “kiến tập” ở các doanh nghiệp gia đình: trẻ được khuyến khích đến các doanh nghiệp gia đình để thấy cha mẹ làm việc trong môi trường doanh nghiệp như thế nào. Ở đó, trẻ có thể tham gia giúp cha mẹ trong các nhiệm vụ nhỏ, quan sát cách cha mẹ điều hành công việc, hoặc thậm chí tham gia vào một số khía cạnh của hoạt động kinh doanh… Những trải nghiệm này không chỉ giúp trẻ hiểu rõ hơn về công việc của cha mẹ mà còn khuyến khích sự giao tiếp giữa cha mẹ và con cái về các chủ đề nghề nghiệp, từ đó tăng cường sự gắn kết gia đình và sự phát triển cá nhân của trẻ.
Đây là các mô hình mà Việt Nam nên nghiên cứu học tập, vận dụng nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện về kiến thức, nhận thức, tình cảm, cũng như hình thành sự tự hướng nghiệp trong tương lai.
Trúc Giang
Bình luận (0)