Khi xã hội phát triển, cha mẹ bận rộn nên thường làm ngơ trước tiếng kêu của con cái. Sai lầm này rất phổ biến ở nhiều nước, không phải chỉ ở Việt Nam hay Singapore. Ivan Goh – nhà cố vấn cho chương trình giáo dục gia đình và nhà trường Singapore, là một chuyên gia về lĩnh vực phát triển trí tuệ, kỹ năng tự học, khai phá trí thông minh… Ông vừa đến TP.HCM để diễn thuyết về các phương pháp, kinh nghiệm thấu hiểu con trẻ, nhằm hướng con đến thành công. Báo Phụ Nữ đã có cuộc trao đổi với ông về vấn đề này.
* Ông nhận xét gì về cách giáo dục con cái của các bậc phụ huynh Việt Nam? Có điểm khác biệt nào so với việc giáo dục con cái ở Singapore?
Ông Ivan Goh: Theo tôi, ở Việt Nam, khoảng cách giữa cha mẹ và con cái khá lớn, không chỉ do sự ngăn cách giữa các thế hệ, sự khác biệt tuổi tác, mà còn do các quy tắc xã hội cho rằng: người nhỏ phải tôn trọng và vâng lời người lớn. Chính điều đó khiến con cái cảm thấy khó nói chuyện, gần gũi với cha mẹ. Ở Singapore, hầu hết trẻ con đều tự lập do cha mẹ dành nhiều thời gian cho công việc. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ ở Singapore giao tiếp cởi mở hơn, họ thường xuyên nói những lời yêu thương với con.
Có một điểm chung giữa cha mẹ ở Việt Nam và Singapore là họ thường tìm cách giáo dục con từ bên ngoài, ví dụ như tìm thầy dạy kèm, nhờ người làm trong nhà, trường học hoặc các dịch vụ tư vấn.
Khi xã hội phát triển, cha mẹ bận rộn nên thường làm ngơ trước tiếng kêu của con cái. Sai lầm này rất phổ biến, ở nhiều nước, không phải chỉ ở Việt Nam hay Singapore.
* Trong việc giáo dục con cái, theo ông, đâu là khó khăn lớn nhất? Cách nào để khắc phục những khó khăn đó?
– Thử thách đầu tiên và quan trọng nhất trong việc giáo dục con cái là làm sao tạo dựng được niềm khao khát học hỏi cho đứa con yêu của bạn. Từ đó, trẻ mới có thói quen tự tìm tòi, khám phá những điều mới lạ trong cuộc sống.
Muốn như thế cha mẹ cũng phải yêu thích học hỏi, bắt kịp các xu hướng của thời đại công nghệ thông tin, nhận ra được những khó khăn mà con mình đang vướng phải bằng cách đặt bản thân mình vào hoàn cảnh của con. Cha mẹ phải cùng lúc học những điều hay từ con cái. Sự chuyển biến trong cách suy nghĩ này là sự đầu tư thích đáng duy trì không khí gần gũi, ấm cúng trong gia đình.
* Theo ông vai trò của cha mẹ góp phần quyết định như thế nào trong việc giúp con cái phát triển những khả năng đó?
– Vai trò và sự dẫn dắt của cha mẹ với sự phát triển khả năng của trẻ giống như mối tương quan giữa chìa khóa và ổ khóa. Mỗi “ổ khóa” có những đặc điểm riêng, sự thấu hiểu của cha mẹ về kiểu học và thói quen học của con mình có thể tạo ra chiếc chìa đặc biệt riêng cho con mình, mở khóa tiềm năng của chúng.
Trẻ cần trải qua các bài đánh giá tám kiểu thông minh để biết được là mình thuộc kiểu nào: giỏi về ngôn ngữ, giỏi về logic (số học), giỏi về không gian (tranh ảnh), giỏi về vật thể (thể lực), giỏi về âm nhạc, giỏi về giao tiếp (giỏi về con người), giỏi về nhận biết bản thân, giỏi về thiên nhiên. Bằng việc khám phá ra các kiểu thông minh của con, cha mẹ sẽ biết rõ phải nuôi dưỡng con theo hướng nào, đồng thời tạo ra những cách học để có thể phát huy hết tiềm năng của con.
* Ông có thể chia sẻ chút kinh nghiệm để với quỹ thời gian không nhiều mà cha mẹ vẫn có thể giáo dục con cái một cách hiệu quả?
– Ai cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày. Điều họ cần làm thường xuyên là phân công, thay phiên nhau dành thời gian cho các việc ở nhà, trong đó có “mục” tham gia vào các hoạt động bổ ích với con cái, nhằm giúp phát triển cách học và thói quen học. Tôi thấy, nhiều cha mẹ chỉ dành thời gian để giải quyết các vấn đề trước mắt như dành thời gian “đi kèm theo” con hoặc là đưa đón con đến trường mà không nhận thấy rằng điều quan trọng không phải là lượng thời gian dành cho con, mà là “chất lượng” của thời gian dành cho con.
* Xin ông cho biết, tầm quan trọng của việc tương tác, vui chơi giữa cha mẹ và con cái?
– Học phải kèm theo thực hành. Nếu tôi chỉ nói cho bạn nghe, bạn sẽ dễ dàng quên. Nếu tôi chỉ cho bạn làm như thế nào, thì bạn sẽ nhớ. Vì vậy khi cả cha mẹ và con cái cùng hoạt động, thì thông điệp mà cha mẹ muốn truyền cho con cái sẽ đi nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Bình luận (0)