Là cha mẹ, cần phải giúp trẻ có những kỹ năng và giá trị sống cần thiết để giữ hòa khí với các bạn cùng trang lứa.
Cha mẹ cần giúp trẻ có những kỹ năng sống cần thiết để giữ gìn hòa khí với bạn bè. Ảnh: I.T |
Phụ huynh cần lưu ý
Trẻ đến trường, ngoài mối quan hệ với cha mẹ, người thân, thầy cô, trẻ đặc biệt quan tâm đến mối quan hệ với bạn bè. Đối với trẻ, không gì đau khổ bằng bị bạn bè bo xì, tẩy chay thậm chí ruồng bỏ vì nảy sinh xung đột. Tuy nhiên, với vốn kinh nghiệm và khả năng kiềm chế bản thân của các em còn hạn chế nên việc giải quyết hài hòa và lấy lòng các bạn không phải là dễ dàng, thuận lợi. Là cha mẹ, bạn hãy giúp trẻ có những kỹ năng và giá trị sống cần thiết để giữ hòa khí với các bạn cùng trang lứa.
Chị Mai Anh (Bình Thạnh, TP.HCM) bày tỏ sự bực bội khi đề cập đến những rắc rối trong tình bạn của đứa con gái năm nay lên 10 tuổi. Hầu như ngày nào cũng có chuyện xảy ra trong nhóm bạn của nó, không cãi nhau, gây chuyện, thì giận dỗi, chia phe nhóm. Chị Mai Anh tâm sự: “Đúng là chuyện trẻ con mếch lòng người lớn. Suốt ngày tôi phải đi xử những việc không đâu. Có khi phụ huynh còn giận nhau vì chuyện của con. Ngày nào cũng xích mích dẫn đến căng thẳng không chịu tập trung học bài khiến cha mẹ cũng phải bó tay, buộc đứa nào về nhà đứa đó để lấy lại bình tĩnh tìm cách xử lý”.
Thực tế, không ít bậc cha mẹ đã rơi vào tình huống khó xử như chị Mai Anh. Song, suy cho cùng, bất kể trẻ nào ở gần nhau quá lâu rồi cũng sẽ có lúc cãi nhau. Quan trọng là các trẻ xử lý mối bất hòa đó ra sao để bỏ qua cho nhau mà chơi tiếp nhưng vẫn không bị mất mát, đổ vỡ trong tình bạn. Nhưng không tránh khỏi những day dứt, tổn thương khi có xích mích, căng thẳng xảy ra. Do đó, cha mẹ cần giúp trẻ xây dựng kỹ năng để vượt qua những mâu thuẫn trong quan hệ tình bạn.
Những điều cha mẹ lưu ý đó là không nên xem chuyện cãi nhau, xích mích, thậm chí là đánh đập nhau là chuyện bình thường của trẻ con và để chúng tự xử lý. Lo lắng một cách thái quá, thể hiện một cách mạnh mẽ, ào ào thiếu kiểm soát trước những gì con đang đối mặt. Ép buộc con phải nói bằng hết những chuyện đã xảy ra trong tình cảnh con đang bất an tột độ. Một kênh tìm hiểu sự việc rất hữu hiệu đó chính là bạn bè của con, thầy cô ở trường và các phụ huynh khác. Đến lớp, trường của con và làm to lên mọi chuyện. Cần trao đổi và chỉ tìm đến nhà trường hoặc cô giáo chủ nhiệm khi được con tán thành.
Những điều phụ huynh nên làm
Sẵn sàng hỗ trợ và thông cảm với điều trẻ đang đối mặt: Các cuộc cãi lộn hoặc đánh nhau giữa bạn bè là điều gay cấn đối với trẻ. Sau những cuộc xích mích này, trẻ có thể không chơi với nhau một thời gian. Vì thế, cả đôi bên đều bị tổn thương, dằn vặt. Trẻ có thể không tìm thấy nguyên nhân từ phía mình, mà sẽ đổ lỗi cho đối phương. Cha mẹ hãy bày tỏ thái độ nhận biết và đồng cảm với sự tổn thương đó. Chẳng hạn: “Ngày trước cha/ mẹ cũng đã từng rơi vào tình huống như thế, các bạn của cha/ mẹ đã khó khăn lắm mới lấy lại hòa khí với nhau”, “Cha/ mẹ biết ai rơi vào tình huống này cũng cảm thấy bức xúc, khó chịu” hay “các cuộc cãi nhau luôn làm tất cả đều cảm thấy bị xúc phạm”…
Khuyến khích trẻ tự giải quyết vấn đề trong điều kiện có thể: suy cho cùng, cho trẻ tự mình giải quyết các tình huống mâu thuẫn nhỏ có thật trong cuộc sống thực tế là cách tốt nhất cho các trẻ hình thành, phát triển kỹ năng sống. Vì thế, bạn có thể gợi ý: “Cha/ mẹ biết con có thể giải quyết vấn đề này, nếu con cần giúp gì hãy gọi cha/ mẹ, nhưng trước hết là phải tự giác chủ động dàn xếp cho thỏa đáng nhé!”. Nếu trong cuộc sống, con của bạn đã từng có kinh nghiệm giải quyết thành công một cuộc cãi vã, hãy giúp trẻ nhớ lại cách ấy để giải quyết vào lần sau. Tuy nhiên, không phải cuộc tranh cãi nào trẻ cũng tự giải quyết được. Do đó, cha mẹ cần vào cuộc kịp thời để định hướng cho chúng cách xử lý tình huống.
Can thiệp ngay khi thấy cần thiết: Nếu chứng kiến cảnh các trẻ đang cãi vã, có nguy cơ ức hiếp, đánh đập nhau, bạn hãy can thiệp khi thấy quá căng thẳng. Cần tận tình giúp đỡ và có biện pháp giải quyết kịp thời, hợp lý, để dập tắt “nguy cơ” có thể dẫn đến bạo lực.
Giúp trẻ biết cách giải quyết tốt các xích mích, cãi vã trong quan hệ bạn bè là một trong những kỹ năng rất cần thiết để trẻ không bị bạn bè tẩy chay, xa lánh. Đó cũng là kỹ năng để trẻ phát triển trong đời sống xã hội muôn màu muôn vẻ hiện nay. Điểm then chốt là trẻ vừa phải học được cách giải quyết các vấn đề vừa học cách thực hiện được những điều đó êm xuôi, để các trẻ vẫn tôn trọng lẫn nhau. Đó là cách tốt nhất để giảm thiểu cãi nhau và giữ được hòa khí trong tình bạn giữa các trẻ.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)