Giữ được thế chủ động trong nhận thức, lao động hay trong giao tiếp sẽ giúp trẻ tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng sống.
Ảnh minh họa. Ảnh: I.T |
Không ai sinh ra mà hoàn hảo ngay
Tuy nhiên, ngay trong gia đình, không ít bậc phụ huynh đã “chụp mũ” luôn chê con trẻ vụng về, hậu đậu khi thực hiện các công việc nhà nên đã không cho con cơ hội được chủ động làm gì cả. Lâu dần, trẻ sinh tính ỷ lại, phụ thuộc, việc gì cũng phó mặc cho cha mẹ lo liệu và chúng mãi là những đứa trẻ… không chịu lớn.
“Con không đụng chân, đụng tay vào việc gì, làm gì cũng chậm chạp, vụng về. Ngoài việc học ra không biết làm việc gì giúp mẹ”. Quan điểm cho rằng trẻ vụng về quá nên không muốn giao cho trẻ làm việc gì là sai lầm trong giáo dục trẻ hiện nay của khá nhiều phụ huynh. Bởi thực tế, không ai tài giỏi gì mà khi mới bắt tay vào làm việc đã gặt hái được thành công. Trẻ em cũng thế, các em cần được tạo điều kiện để trải nghiệm vào cuộc sống, được làm việc và lao động cũng là quyền lợi để trẻ được trưởng thành. Trong quá trình giáo dục trẻ, hãy cho trẻ được nếm mùi thất bại. Từ đó trẻ sẽ học hỏi và tích lũy được kinh nghiệm để những hành động sau đó sẽ được cải thiện và tiến bộ hơn.
Nếu cha mẹ làm việc thay con không khác nào đẩy con vào nguy cơ coi thường việc lao động tay chân và trở nên lười biếng. Để trẻ biết chủ động cha mẹ cần tập cho con làm quen với công việc, khi đã thành thói quen thì phân chia rõ công việc trẻ phải làm và khẳng định đó vừa là trách nhiệm vừa là quyền lợi của chúng.
Rèn tính chủ động từ những điều đơn giản
Muốn con có tính tự lập, chủ động cha mẹ phải luyện tập cho con ngay từ còn nhỏ, không có gì tự nhiên mà hình thành. Bắt đầu từ những điều đơn giản nhất. Chẳng hạn, khi trẻ muốn tìm hiểu về những kiến thức của thế giới tự nhiên, trước khi trả lời những điều mà trẻ hỏi, cha mẹ hãy hướng dẫn trẻ chủ động tìm kiếm các thông tin, suy nghĩ và quan sát thật kỹ xem bản thân có tự khám phá. Hoặc khi trẻ muốn chơi với nhóm bạn đồng trang lứa, cha mẹ hãy để trẻ tự lựa chọn cách để tiếp xúc, đừng can thiệp quá sâu vào các mối quan hệ tình bạn của con. Khi trẻ chủ động tham gia các mối quan hệ, trẻ sẽ tự tin hơn vào bản thân. Đối với lao động cũng thế, khi trẻ bắt tay vào làm việc nào đó, cha mẹ hãy tin tưởng con sẽ cố gắng hết mình, khuyến khích con cố gắng hết sức. Nếu con thật sự gặp trở ngại, cần sự giúp đỡ, hướng dẫn thì cha mẹ hãy nhiệt tình chỉ bảo để cùng con vượt qua những khó khăn, thử thách.
Giúp con luôn ở thế chủ động trong các lĩnh vực tự nhận thức, học tập, làm việc và thiết lập các mối quan hệ sẽ là cách hay để cho con có những hành trang khi bước vào đời, các bậc cha mẹ cần bình tĩnh, kiên trì để con từng bước có được tính cách tốt đẹp này! |
Nguyên tắc giáo dục tính chủ động là hãy dạy cho trẻ những điều cơ bản nhất và cho con luyện tập nhiều lần để thành thói quen. Giao công việc thì phải phù hợp với lứa tuổi, giới tính và sức khỏe của trẻ. Chủ động dọn dẹp đồ chơi sau khi chơi xong, quét nhà cửa, hái rau, tự vệ sinh… Khi trẻ chủ động hoàn thành tốt thì khích lệ kịp thời để trẻ tự tin, vững vàng tâm lý hơn khi bước vào cuộc sống. Nếu trẻ làm sai gặp phải thất bại, thì hãy khéo léo nhắc nhở, rút kinh nghiệm, không được quát mắng sẽ khiến trẻ nhụt chí, ngại ngần.
Để con thoát khỏi tính ỷ lại không có cách nào khác là cha mẹ nên tạo công việc cho con và hình thành nên tính tự lập, thấy con làm sai nên có thái độ nhẹ nhàng, tránh nói với trẻ để đó cha mẹ làm cho nhanh. Khi đã giao nhiệm vụ cho con cha mẹ nên định hướng và giúp đỡ chứ không được khoán trắng để trẻ “tự bơi”, tuyệt đối không làm thay con những việc mà chúng có khả năng làm được. Cùng trẻ xem xét lại nhu cầu mình muốn nhất là gì, xác định lại mục đích cho đúng, và quan trọng nhất là giúp trẻ tìm ra các cách thực hiện hiệu quả nhất. Các bậc cha mẹ luôn nhớ rằng, trẻ chỉ biết dựa dẫm thì sẽ ỷ lại cũng có nghĩa là trẻ sẽ thua kém bạn bè nếu không có người làm thay. Trẻ không có cơ hội chủ động thể hiện mình thì trẻ cũng khó để hoàn thiện nhân cách của mình. Tạo điều kiện cho con tham gia các hoạt động dã ngoại để trẻ phát huy tính chủ động, sáng tạo. Trẻ em là chủ thể hoạt động có vai trò tác động trở lại đối với xã hội, thông qua đó góp phần thay đổi một số mặt nào đó của xã hội và bản thân các em vì thế cũng sẽ trưởng thành hơn. Vì thế, để giáo dục tính chủ động tự lập cho trẻ, cha mẹ cần hướng chúng vào trong lĩnh vực nhận thức. Cần gợi ý cho trẻ biết tiếp thu một cách có chọn lọc những tác động của xã hội phù hợp với nhu cầu, điều kiện cá nhân của mình. Trong quan hệ xã hội, cha mẹ khuyến khích trẻ biết chủ động xây dựng các mối quan hệ tình bạn và thông qua các mối quan hệ đó để tương tác đến các thành viên khác. Khi trẻ có cơ hội được giao tiếp với nhiều người, trẻ sẽ biết mình là ai, làm sao để người khác hài lòng, từ đó điều chỉnh hành vi của mình sao cho phù hợp.
Lê Phạm Phương Lan
(Giảng viên tâm lý)
Bình luận (0)