Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Giúp con vượt qua cú sốc rớt ĐH

Tạp Chí Giáo Dục

Gia đình cần động viên tinh thần để các em lấy lại tự tin khi rớt ĐH

Thi rớt ĐH là chuyện bình thường của những học sinh (HS) có năng lực học tập chưa tốt hoặc gặp sự cố trong quá trình thi cử, nhưng lại là cú sốc lớn khi phải đối mặt với sự kỳ vọng của gia đình, thầy cô và bạn bè.
Do đó, sau mỗi kỳ thi ĐH, không ít gia đình phải đưa con đến các trung tâm tư vấn để điều trị khi các em bị sang chấn tâm lý.
Khủng hoảng tinh thần
Học lớp chuyên một trường có tiếng ở huyện và là HS khá giỏi trong nhiều năm liền, năm học lớp 12, N.T.T (tỉnh Hà Tĩnh) còn đạt giải khuyến khích quốc gia môn địa lý. Vì vậy mà người dân trong làng, trong xã ai cũng biết đến T. Còn đối với bố mẹ T., con mình quả thật là niềm tự hào vô bờ bến bởi cứ bước khỏi nhà là có người nhắc đến T. Những tưởng đã “rinh” được giải quốc gia thì chuyện vào ĐH không có gì là khó khăn nên bố mẹ T. vui mừng ra mặt. Ai ngờ, thi vào Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội), T. chỉ đạt 16 điểm. Điều này có lẽ là do T. học quá thiên về một môn. Ngày công bố điểm thi cũng là ngày mà gia đình phải đưa T. đến bệnh viện cấp cứu vì em bị hoảng loạn tinh thần do khóc quá nhiều, những chuỗi ngày sau đó em cứ nằm khóc trong phòng, mặc cho bố mẹ an ủi như thế nào em cũng không thể tin mình lại thi rớt.
ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, kể: Em V. – một HS trường chuyên (học lớp toán) – nhưng sức học cũng chỉ đủ để thi vào các trường tốp giữa. Ấy vậy mà gia đình em lại rất tự hào về việc học của con mình ở trường chuyên và tin tưởng con sẽ thi đậu bất cứ trường ĐH nào nên bắt V. thi vào ĐH Y dược TP.HCM. Mặc dù biết sức học của mình không thể thi đậu trường này nhưng em vẫn cố gắng làm vừa lòng bố mẹ. Khi kỳ thi kết thúc, đối chiếu bài làm của mình với đáp án, em biết chắc mình “trượt vỏ chuối” nên lo sợ đến ngày công bố kết quả sẽ phải đối diện với bố mẹ như thế nào. Và đúng như dự đoán, em rớt ĐH, gia đình rất thất vọng, mẹ thì khóc suốt còn bố chẳng nói gì với em. Tâm trạng buồn chán của bố mẹ cộng với những lo âu trước đó khiến V. rơi vào trạng thái khủng hoảng. Em không nói chuyện với bất cứ ai, bỏ ăn, đóng kín cửa phòng; một ngày nọ cả nhà tá hỏa khi không thấy em đâu. Em đã bỏ nhà ra đi. Sau hai tháng ròng rã đi tìm con, gia đình mới thấy em đang phụ bán cho một quán ăn ở miền Tây.
Chuyện của T. và V. không phải là những trường hợp hiếm gặp. Mỗi năm, cả nước có mấy trăm ngàn thí sinh rớt ĐH, nhiều em đã tự giày vò mình bằng cách tuyệt thực hay có ý định tự tử… Đơn cử như cách đây 3-4 năm, một HS trường chuyên ở tỉnh Quảng Ngãi đã uống thuốc trừ sâu tự tử ngay sau kỳ thi ĐH vài ngày.
Giúp con lấy lại tự tin
Rối loạn tâm lý vì thi rớt ĐH không phải là hiếm gặp nhưng thường ở các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nhẹ thì lo âu, mất ngủ, ăn uống không ngon, không thích nói chuyện với người khác, thích ở một mình… Nặng hơn thì ngoài những rối loạn cảm xúc trên còn kèm theo các rối loạn hành vi nghiêm trọng như nói năng lảm nhảm, khóc la ầm ĩ, hoảng loạn, tự làm tổn thương thân thể (cắt tay, đập đầu vào tường)… tệ hơn là có ý định tự sát. Các biểu hiện trên kéo dài sẽ dẫn đến những rối loạn tâm lý lâu dài và gia đình phải tìm đến chuyên gia tâm lý hoặc bệnh viện tâm thần để chữa trị cho các em.
ThS. Huyền cho rằng một số HS bị khủng hoảng tinh thần, thậm chí có ý định tự tử khi thi rớt ĐH (trong khi rất nhiều thí sinh khác vẫn giữ được tâm lý bình tĩnh) do rất nhiều nguyên nhân. Nếu gia đình kỳ vọng nhiều quá sẽ khiến các em bị áp lực. Khi thi rớt, gia đình trách móc, bày tỏ sự thất vọng hoặc bỏ mặc, không đoái hoài đến các em có thể khiến sự buồn bã gia tăng dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng. Ngược lại, nếu các em nhận được sự động viên, an ủi, chia sẻ thì nỗi buồn sẽ vơi đi, vượt qua cú sốc dễ dàng.
ThS. Huyền cho biết thêm, bản thân các em do sự khác biệt về đặc điểm nhân cách cũng dẫn đến sự khác biệt trong cách phản ứng đối với sự thất bại. Chẳng hạn như, có em ấp ủ ước mơ, lý tưởng lớn đối với nghề nghiệp tương lai, bước qua cánh cửa ĐH là cơ hội để đi đến ước mơ, lý tưởng đó, khi không thực hiện được thì sẽ thấy tương lai mình như chấm hết; có em thì tính cách tự tin, tự đánh giá cao khả năng bản thân, khi thi rớt sẽ khó chấp nhận được sự thật, khó thay đổi suy nghĩ về bản thân nhanh chóng và tất yếu rơi vào khủng hoảng. 
Từ những nguyên nhân trên, hầu hết chuyên gia tư vấn thuộc Tổng đài 1088 đều đưa ra lời khuyên: Gia đình không nên lo lắng hay tỏ ra thất vọng nặng nề mà cần quan tâm và an ủi các em nhiều hơn, cần cho các em thấy rớt ĐH vẫn còn nhiều con đường khác để các em bước tiếp. Còn về phía các em, có thể buồn vài ngày nhưng phải biết chấp nhận kết quả để tiếp tục phấn đấu. Đồng thời, tìm hiểu thông tin về nguyện vọng 2, 3 nếu các em thấy mình còn những lựa chọn khác…
ThS. Huyền đã đưa ra những cách để giúp các em lấy lại tinh thần, cụ thể các em có thể ghi những câu khẩu hiệu dán nơi dễ thấy như “Thua keo này ta bày keo khác”, “ĐH không phải là con đường duy nhất”…
Hà Xuyên
“Khi thi rớt ĐH, các em đừng giam mình trong phòng, có thể xin gia đình đi chơi vài ngày cho thư giãn và cũng để tránh phải trả lời mọi người xung quanh về kết quả của mình…”, ThS. Nguyễn Thị Thu Huyền, giảng viên Khoa Tâm lý giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, chia sẻ. 
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)