Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Giúp con vượt qua hội chứng “sợ đến trường”

Tạp Chí Giáo Dục

Hãy giúp con vượt qua hội chứng “sợ đến trường” để mỗi ngày đến trường với trẻ là một ngày vui
Theo chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Giám đốc Công ty Tâm Lý Trẻ TP.HCM) thì sợ đến trường là hội chứng của nhiều trẻ, đặc biệt trẻ trong độ tuổi từ mẫu giáo đến tiểu học. 
Biểu hiện của hội chứng này gồm những dấu hiệu như rối loạn giấc ngủ, tiểu dầm, nôn ói, mệt mỏi, khó thở, đau nhiều nơi không rõ nguyên nhân…
 “Kiếm cớ” để… được ở nhà
Chị Mai muốn năm học mới sắp tới sẽ lại cho cu Tin vào học lớp mầm. Nhưng điều chị lo là không biết làm cách nào để cu Tin thích đi học. Cu Tin năm ngoái đã được mẹ cho vào lớp học hơn một tháng, nhưng vì mỗi lần đến lớp bé khóc lóc vật vã như bị đánh, có khi giả ốm, có lúc lại trốn lì trong nhà vệ sinh… chị Mai xót con, cuối cùng đành cho con… nghỉ học và gửi bé qua nhà bà ngoại. Hiện trạng này lại khiến mẹ cu Tin bối rối và lo lắng khi năm học mới sắp đến.
Cũng như cu Tin, bé Thục Uyên (quận 11) vào mỗi buổi sáng lại “than” với mẹ: “Con bị đau bụng, con bị đau khắp người, con ốm rồi… con không đi học được đâu”. Chị Nguyễn Thị Trang, mẹ bé Uyên cho hay những triệu chứng của Uyên chỉ xuất hiện vào những ngày đi học, còn các ngày nghỉ bé lại vui vẻ và đòi đi chơi công viên hay đi bơi. 4 năm trôi qua, nay Uyên đã học xong lớp 1 nhưng những triệu chứng của Uyên vẫn tái diễn khiến vợ chồng chị Trang nhiều lần khổ sở. Thậm chí thỉnh thoảng bé còn bị nôn ói khiến chị Trang lo lắng, đưa con đi khám về tiêu hóa nhưng kết quả không có gì bất thường. Người mẹ trẻ thừa nhận có đôi lúc chị phải khóc với “căn bệnh” của con.
Không xin nghỉ học vì lý do bệnh này bệnh kia, bé Minh Khang, một học sinh lớp 4 (quận Tân Phú) thỉnh thoảng năn nỉ ba mẹ cho nghỉ học chỉ vì “con hay bị các bạn chọc là “đồ đái dầm””. Khang nói với mẹ rằng bé muốn nghỉ học luôn để không bị bạn trêu chọc như thế nữa. Thế là những khi con không chịu đi học, ba mẹ Khang lại phải mua đồ chơi, mua quần áo siêu nhân, hứa cho đi chơi Đầm Sen… để đổi lấy những buổi đến trường của con.
Ngoài những “lý do” trên, trẻ không chịu đến trường còn do nhiều nguyên nhân khác như bị bạn bắt nạt, do tiếp thu bài kém, bị điểm kém, bị cô giáo khẻ tay, bị ép ăn cơm hay uống sữa… Một phụ huynh có con theo học một trường tiểu học ở quận Thủ Đức nói rằng: “Để khắc phục việc sợ đến trường của con, tôi đã xin cho con chuyển trường để con được đi học chung với người chị họ (người mà bé vốn chơi rất thân khi ở nhà), nhưng những cơn mê sảng của con về nỗi sợ đến trường vẫn chưa dứt”.
Cùng con vượt qua những khó khăn
Bàn về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ cho biết, những hiện tượng trên là phản ứng của cơ thể khi trẻ nghĩ đến trường lớp và lo sợ. Trẻ ở độ tuổi mẫu giáo và tiểu học rơi vào hội chứng sợ trường lớp đa phần do sợ phải xa cách cha mẹ, sợ không an toàn. Do đó, để con có hứng thú với việc đi học, ngay từ nhỏ (khoảng 6 tháng), cha mẹ phải tách trẻ ra khỏi mình theo một lịch trình điều độ và tăng dần về mặt thời gian. Nên tạo khoảng không gian và thời gian cho trẻ tự “chiến đấu” một mình trong sự quan sát từ xa của gia đình để trẻ có tính tự lập. Nếu o bế con quá, trẻ sẽ có sự so sánh môi trường ở nhà và ở trường. Ấn tượng lần đầu tiên khi trẻ xa cha mẹ để đi nhà trẻ có phần quyết định việc về lâu dài trẻ có thích đến trường hay không.
Chuyên gia Minh Huệ lưu ý, hiện nay môi trường giáo dục tại nhà trường chưa hoàn toàn giúp trẻ “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, do đó phụ huynh cần chủ động tạo hứng thú trong học tập cho trẻ bằng cách gợi những chuyện vui và thú vị về trường lớp, bạn bè và thầy cô ngay từ chiều chủ nhật, đồng thời nên cho trẻ đi ngủ sớm. Tuy nhiên, phụ huynh cần tránh không đe dọa con bằng những câu nói giả định như: “Nếu con không ngoan mẹ sẽ méc cô giáo”, “con mà hư thì mẹ sẽ cho con đi học”…
Bài, ảnh: Bích Vân
Lưu ý đối với trẻ bắt đầu vào lớp 6
Riêng đối với trẻ bắt đầu vào lớp 6, là lớp đầu cấp, sẽ có thay đổi lớn trong môi trường học. Theo đó, trẻ sẽ phải tự học nhiều hơn thời tiểu học, với nhiều môn học cùng nhiều yêu cầu khác nên trẻ khó thích nghi. Mặt khác trẻ ở tuổi 11, 12 đang bước vào tuổi dậy thì nên có nhiều thay đổi, khiến trẻ lo lắng. Lúc này, trẻ đang vừa muốn lớn để mau trở thành người lớn và cũng muốn “đứng yên” để mãi mãi là một đứa trẻ, nên phụ huynh cần gần gũi, chia sẻ với con nhiều hơn. Đồng thời gia đình cũng cần phối hợp với nhà trường và giáo viên để giúp trẻ vượt qua những khó khăn mà trẻ đang phải đối diện. 
 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)