Trẻ thiếu tự tin, căng thẳng, stress, tự gây tổn thương cho bản thân hay thậm chí tự sát thường xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa đó là vì trẻ thấy bất an trong cuộc sống. Chính nỗi bất an một cách thái quá sẽ để lại những tổn thương trong hệ thần kinh của trẻ. Các bậc cha mẹ hãy cùng trẻ vượt qua nỗi bất an để giúp trẻ hòa nhập vào cuộc sống.
Ảnh minh họa. Ảnh: I.T |
Tạo cho trẻ cơ hội được thường xuyên giao lưu với mọi người. Những trẻ hay có cảm giác bất an thường là những đứa nhút nhát, rụt rè, không thích hoặc hiếm khi giao lưu với mọi người. Nếu trẻ nhà bạn là người hướng nội thì hãy động viên trẻ chủ động giao lưu trong các nhóm như nhóm bạn học tập, nhóm bạn cùng trực nhật ở lớp, nhóm bạn đi học bơi,… Hãy cho trẻ cơ hội tham gia các hoạt động vui chơi bổ ích với bạn bè. Thường xuyên cho trẻ đến thăm họ hàng người thân để dạy trẻ biết cách chào hỏi mọi người, nhân cơ hội này giới thiệu trẻ với mọi người cùng với những mặt mạnh của trẻ để kích thích lòng tự tin, cởi mở ở trẻ. Có điều kiện hãy mời các bạn của con đến nhà chơi. Được vui chơi cùng mọi người, trẻ dần dần sẽ mạnh dạn hơn, nỗi lo lắng, băn khoăn sẽ vơi đi.
Cùng con trải nghiệm. Cha mẹ cùng con chơi trò đóng vai khác nhau trong các câu chuyện. Qua đó, trẻ học được cách diễn tả các cảm xúc đối lập nhau như sợ hãi và tự tin, lo lắng và bình tĩnh, buồn chán và vui vẻ… trước một sự việc hay con vật tưởng tượng. Từ những trò chơi này, con sẽ dần nhận ra sự sợ hãi ngô nghê của mình, và tự khắc phục loại bỏ biểu hiện không phù hợp này. Đặc biệt, nếu trẻ rất sợ điều gì, thì cha mẹ nên cùng trẻ trải nghiệm cảm giác gần gũi, va chạm để trẻ vơi đi nỗi lo sợ vô cớ trong lòng. Chẳng hạn, trẻ không dám đến gần ông Địa múa lân, bạn hãy cùng con mặc đồ ông Địa cùng mọi người trong nhà chơi trò múa lân, như vậy trẻ cảm thấy háo hức và quên đi nỗi sợ mơ hồ của chính mình. Còn nếu bé sợ bà phù thủy, ta cũng có thể áp dụng cách làm tương tự (Tất nhiên, trong các trò chơi phải luôn tạo không khí vui vẻ, hài hước). Nếu con bạn sợ bóng tối, hãy chơi trò bịt mắt trốn tìm, tắt đèn vui đùa cùng cha mẹ. Bật những bóng đèn nhấp nháy vừa tạo sự huyền ảo vừa để bé quen dần với bóng tối mà không còn nỗi sợ hãi bên mình. Nếu trẻ sợ bác sĩ, hãy mua các đồ chơi chữa bệnh về cho trẻ đóng vai bác sĩ (với áo choàng trắng, ống nghe và kim tiêm đầy đủ). Khi bé trực tiếp sử dụng những đồ dùng để chữa bệnh, cha mẹ nói rõ cho bé thấy ý nghĩa của từng dụng cụ y tế và công việc của bác sĩ trẻ sẽ không còn thấy sợ hãi mỗi khi đi khám bệnh nữa, thậm chí qua những trò chơi này sẽ nuôi dưỡng lòng yêu thương con người và xu hướng nghề nghiệp của trẻ sau này (Trẻ muốn mình trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho tất cả những ai bị ốm đau, bệnh tật).
Cho trẻ mang bên mình những đồ chơi cần thiết. Khi trẻ phải đến một môi trường mới, tạo cho trẻ một cảm giác thân quen là cách tốt nhất để chế ngự nỗi bất an. Bằng việc cho trẻ mang những thứ đồ vật mà trẻ rất yêu thích có tác dụng là điểm tựa tinh thần an ủi khi trẻ cảm thấy lo lắng, bất an nhất là thời điểm trẻ bắt đầu đi học, chuyển trường, ngủ riêng… Dần dần trẻ sẽ học được cách tự trấn an bản thân, cha mẹ không nên nóng vội, sốt ruột.
Tạo cho trẻ tính lạc quan, yêu đời. Trẻ bất an, lo sợ đủ thứ bởi trẻ nhìn đời lúc nào cũng bi quan, chán nản. Đối với người lạc quan, luôn xem những thử thách, trở ngại là điều tất yếu sẽ phải gặp phải trong cuộc sống, họ sẵn sàng khắc phục khó khăn và tự tin quyết tâm để gặt hái được kết quả tốt nhất. Do đó, cha mẹ luôn truyền cho con tinh thần lạc quan, tích cực, luôn nhìn vào mặt tốt của vấn đề để phấn đấu. hãy tạo cơ hội cho con có được những thành công nho nhỏ, để trẻ tin tưởng rằng mình cũng có năng lực khi làm việc, nuôi dưỡng thái độ lạc quan vào cuộc sống.
Rèn trẻ từ những công việc nhỏ. Thiếu nghị lực là một nguyên nhân sâu xa khiến trẻ bất an. Khi trẻ thiếu nghị lực chỉ nghĩ đến việc khó khăn lập tức chúng có tâm lý nản chí, lùi bước. Vì vậy, trong giáo dục trẻ cần để trẻ gặt hái được những thành tích nho nhỏ khi quyết tâm khắc phục những khó khăn vừa sức. Từ đó, bồi dưỡng dần cho trẻ bản lĩnh vượt qua thử thách, trở ngại lớn hơn. Trong giáo dục trẻ phải nâng dần những yêu cầu từ thấp đến cao. Sau đó giao cho trẻ những việc đòi hỏi phải có sự kiên trì, chịu khó để trẻ khắc phục sự yếu đuối, tâm lý bất an. Hãy bắt đầu từ những việc hằng ngày như thức dậy đúng giờ, tập thể dục buổi sáng đều đặn,… Quản lý trẻ nghiêm chỉnh duy trì nề nếp thành thói quen tốt cho bản thân.
Tập cho trẻ tính chủ động, tự lập. Khi trẻ không tự mình làm được một việc nào đó, chúng cũng sẽ cảm thấy bất an, lo sợ. Vì thế, cha mẹ đừng làm thay con tất cả mọi việc. Những gì trẻ có thể tự làm, hãy mạnh dạn giao cho bé. Chẳng hạn, trẻ từ 2 tuổi trở lên, nếu trẻ tự mang dép, tự mặc áo quần, tự xúc cơm… Cha mẹ hãy tỏ thái độ vui mừng và động viên con kịp thời để con phát huy. Một đứa trẻ tự lập, biết tự phục vụ mình và không phụ thuộc hoàn toàn vào người khác sẽ xua tan được nỗi bất an, lo lắng trong lòng.
Đừng làm thui chột lòng tự tin của trẻ. Một đứa trẻ có tâm lý bất an thường rất yếu đuối và dễ bị tổn thương trước những lời phê bình gay gắt. Bởi vậy, đừng vì một khuyết điểm nhỏ của trẻ mà nhắc nhở, trách phạt nhiều lần sẽ làm tăng áp lực tâm lý cho trẻ. Thay vì dùng những lời trách móc, chê bai, phê bình trẻ cha mẹ nên dành những lời khích lệ tinh thần tăng thêm lòng tự tôn cho trẻ. Trẻ sẽ vơi đi nỗi bất an, căng thẳng khi được người khác đồng cảm, thừa nhận, động viên kịp thời.
Đỗ Thúy Trình – Lê Phạm Phương Lan
(Đại học Nguyễn Huệ)
Bình luận (0)