Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Giúp doanh nghiệp xử lý nợ đọng

Tạp Chí Giáo Dục

DATC đã thực hiện tái cấu trúc nhiều doanh nghiệp

Sau 5 năm đi vào hoạt động, công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC) đã gặt hái được nhiều thành công góp phần hỗ trợ tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ nền kinh tế thông qua xử lý dứt điểm các khoản nợ và tài sản tồn đọng của các doanh nghiệp…
Tổng Giám đốc DATC Phạm Thanh Quang cho biết, tính đến nay, DATC đã làm khá tốt việc tiếp nhận và xử lý dứt điểm các khoản nợ và tài sản tồn đọng loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi sở hữu: thu về hàng trăm tỷ đồng cho NSNN.
Hỗ trợ xử lý nợ và tài sản tồn đọng
Điều này giúp các doanh nghiệp giải phóng mặt bằng sản xuất, trút bỏ được gánh nặng xử lý tài chính đối với các khoản nợ và tài sản tồn đọng đã đầu tư không hiệu quả, tập trung ổn định và phát triển trong một mô hình quản lý kinh doanh mới, đa dạng hoá hình thức sở hữu với sự tham gia của tất cả các thành phần kinh tế.
Qua hơn 5 năm hoạt động, DATC đã tiếp nhận hồ sơ để xử lý nợ, tài sản tồn đọng loại trừ ra khỏi giá trị doanh nghiệp cho hầu hết doanh nghiệp nhà nước đã và đang chuyển đổi sở hữu, tính đến hết năm 2008 đã tiếp nhận được 2.223 hồ sơ doanh nghiệp nhà nước (875 doanh nghiệp của TƯ và 1.348  doanh nghiệp của địa phương) với tổng giá trị tiếp nhận là 2.749  tỷ đồng, trong đó nợ là  1.203 tỷ đồng và 1.546 tỷ đồng là tài sản tồn đọng, vật tư hàng hóa kém, mất phẩm chất.
Nếu trong thời gian đầu mới thành lập, DATC chỉ tập trung vào việc xử lý các khoản nợ và tài sản tồn đọng được Chính phủ chỉ định  thì từ năm 2006 đến nay, DATC thay đổi cơ bản chiến lược hoạt động kinh doanh, tập trung nguồn lực vào hoạt động kinh doanh, mua – bán, xử lý nợ theo hình thức thỏa thuận gắn chặt với quá trình hỗ trợ sắp xếp và chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước.
Thông qua hoạt động mua bán nợ, DATC đã trực tiếp giúp xử lý nợ xấu cho các chủ nợ, giải phóng được lượng vốn chết từ nhiều năm, giúp quay vòng trở lại thành vốn hoạt động, làm trong sạch tình hình tài chính và nâng cao sức cạnh tranh để phát triển của các chủ nợ. Việc các chủ nợ bán nợ cho DATC là phương án xử lý nợ xấu nhanh nhất giúp chủ nợ thu hồi một phần vốn kinh doanh để phục vụ cho các nhu cầu và cơ hội kinh doanh mới.
Giúp doanh nghiệp thành công
Đến nay, DATC đã và đang triển khai 80 phương án mua – bán, xử lý nợ theo hình thức thoả thuận. Hiện tại, DATC đã và đang giữ vai trò "bà đỡ", trợ giúp cho hơn 60 doanh nghiệp có thể giải quyết dứt điểm nợ xấu. Cụ thể bằng việc thực hiện các giải pháp như xóa một phần nợ cho doanh nghiệp, cơ cấu thời hạn trả nợ để các doanh nghiệp này đủ điều kiện cổ phần hóa, thực hiện tái cơ cấu tình hình tài chính, tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược để tham gia góp vốn và hỗ trợ doanh nghiệp sau chuyển đổi, phối hợp với chủ sở hữu thực hiện chuyển đổi doanh nghiệp thành công ty cổ phần và DATC tham gia với tư cách cổ đông chi phối từ phương thức chuyển nợ thành vốn góp. Sau khi chuyển đổi thành các CTCP, DATC phối hợp với nhà đầu tư chiến lược thực hiện các bước tái cấu trúc doanh nghiệp; xử lý, chấn chỉnh những thiếu sót trong bộ máy quản lý điều hành theo hướng gọn nhẹ, chuyên trách, hoạt động hiệu quả; cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh … "Chính trong vai trò vừa là chủ nợ đồng thời là chủ sở hữu chính của doanh nghiệp, chúng tôi mới có đủ điều kiện tái cấu trúc toàn bộ doanh nghiệp" – ông Quang tâm sự.
Đến nay, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này đã chứng tỏ hiệu quả  về hướng đi mới của DATC. Các doanh nghiệp đã được DATC tái cấu trúc thành công đến nay đều hoạt động kinh doanh có lãi, trả hết các khoản nợ, kể cả nợ của DATC. Đặc biệt, một số doanh nghiệp đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn khoảng 30%.
Khó khăn mới
Trên thực tế, hoạt động mua bán nợ gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp đã phát sinh nhiều vướng mắc. Đặc biệt, trong thời gian qua xuất hiện một số khó khăn tạm thời do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhiều doanh nghiệp thiếu vốn kinh doanh, lãi suất ngân hàng tăng cao, thị phần bị ảnh hưởng… khiến nợ xấu của nhiều ngân hàng và doanh nghiệp tăng thêm. Chính vì vậy, việc tham gia mua – bán nợ xấu của các ngân hàng và các chủ nợ khác, tái cấu trúc hoạt động doanh nghiệp của DATC đang thực hiện trong giai đoạn này trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.  Để DATC có thể thực hiện tốt hơn công việc của mình thì việc hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý, cùng với sự đồng thuận, hợp tác tích cực từ phía chủ sở hữu, chủ nợ và doanh nghiệp là điều quan trọng nhất. Điều này sẽ góp phần hỗ trợ Chính phủ trong việc xử lý những khó khăn của nền kinh tế cũng như giúp chính các doanh nghiệp hoạt động tốt hơn.
Mai Hằng (dđdn)
 

Bình luận (0)