- 1 Giúp học sinh giải tỏa những cảm xúc tiêu cực
Những biểu hiện trầm cảm, hoang tưởng, thu mình, khủng hoảng cảm xúc… không còn là chuyện hiếm gặp ở học sinh phổ thông. Khi sức khỏe tâm thần của học sinh trở thành một “mặt trận” mới trong giáo dục, câu hỏi đặt ra là liệu nhà trường và gia đình đã đủ tỉnh táo và sẵn sàng để giữ lấy các em trước khi các tổn thương trở nên nghiêm trọng?

Trong các trường học hôm nay, bên cạnh bảng đen và phấn trắng, thầy cô còn phải học cách nhận diện một ánh mắt mất phương hướng, một sự im lặng kéo dài bất thường. Tại Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Gò Vấp), thầy Lâm Quí – giáo viên phụ trách tư vấn tâm lý – là người đã lặng lẽ làm công việc ấy suốt nhiều năm nay. Thầy không chỉ tiếp nhận học sinh khi các em tìm đến, mà còn chủ động phát hiện những biểu hiện bất thường để phối hợp cùng gia đình, nhà trường hỗ trợ kịp thời.
Chuyện sau cánh cửa phòng tư vấn tâm lý học đường
“Phần lớn học sinh không nói ra, hoặc không biết rằng mình đang gặp vấn đề. Vậy nên, điều quan trọng là mình phải quan sát kỹ, có cơ chế phối hợp tốt với giáo viên chủ nhiệm và các em học sinh khác để kịp thời phát hiện, can thiệp sớm”, thầy Quí chia sẻ.
Một trong những trường hợp khiến thầy nhớ mãi là một em học sinh có dấu hiệu thu mình, thường xuyên lẩm bẩm một mình trong lớp. Sau thời gian theo dõi và trò chuyện nhẹ nhàng, thầy đã thuyết phục được gia đình đưa em đến khám tại bệnh viện chuyên khoa. Kết quả chẩn đoán cho thấy em đang gặp rối loạn cảm xúc dạng nhẹ, cần can thiệp tâm lý đều đặn.
Theo thầy Quí, khó khăn lớn nhất vẫn là vượt qua định kiến từ phía phụ huynh. “Nhiều cha mẹ rất lo sợ khi nghe nói con cần hỗ trợ tâm lý, như thể đó là một dấu hiệu “lỗi”. Nhưng nếu kịp thời phát hiện và can thiệp, mọi chuyện thường đơn giản hơn nhiều so với tưởng tượng. Và trẻ sẽ có cơ hội ổn định lại tâm lý trong môi trường thân thiện, đúng phương pháp”, thầy chia sẻ.
Không phải trường hợp nào cũng cần đến điều trị y tế. Nhưng vẫn có lúc, học sinh tìm đến phòng tư vấn trong trạng thái kiệt sức tinh thần, nói rằng các em cảm thấy chán nản hoặc không còn đủ năng lượng để tiếp tục học tập.
“Những lúc như vậy, tôi không vội can thiệp, mà bắt đầu bằng việc lắng nghe sâu. Tôi để các em gọi tên cảm xúc của mình, chấp nhận sự mệt mỏi, rồi nhẹ nhàng đặt câu hỏi, quan tâm và động viên. Nhiều em bật khóc. Khóc là cách các em xả bớt cảm xúc bị dồn nén, là bước đầu tiên để bắt đầu chữa lành”, thầy kể.

“Với những trường hợp này, điều đầu tiên tôi làm không phải là khuyên răn, mà là đồng hành. Tôi lắng nghe các em thật lâu, thật chậm, giúp các em gọi tên cảm xúc mà đôi khi chính các em cũng không hiểu nổi. Những câu như “em mệt quá”, “em không muốn cố nữa” – đều là những tín hiệu cần được nâng niu và giải mã”, thầy chia sẻ.
Sau khi để cảm xúc lắng xuống, thầy hướng các em nhìn lại: những người xung quanh sẽ nghĩ gì, thầy cô và bạn bè sẽ buồn ra sao, ước mơ nào vẫn còn đang dang dở. Qua đó, các em bắt đầu nhận ra giá trị của bản thân, và rằng việc tìm đến ai đó để được giúp đỡ không phải là biểu hiện của yếu đuối, mà là một hành động can đảm.
Distress: Cái bẫy của cảm xúc nhất thời
Thầy Quí cho biết, rất nhiều hành vi nguy hiểm ở học sinh không đến từ bệnh lý tâm thần nặng, mà từ một trạng thái tâm lý gọi là distress – tức khủng hoảng cảm xúc ngắn hạn khiến các em dễ phản ứng bột phát.
Một lần, sau khi có xung đột với mẹ về chuyện học hành, một học sinh chọn cách ở yên trong phòng, tắt điện thoại và không ra ngoài suốt buổi tối. Dù em không có biểu hiện tiêu cực rõ rệt, nhưng sự im lặng kéo dài khiến cả gia đình lo lắng. Sáng hôm sau, người mẹ đã chủ động báo với giáo viên chủ nhiệm để tìm hướng hỗ trợ.
Khi được thầy Quí tiếp cận, em học sinh cho thấy tâm trạng đã ổn định hơn, sẵn sàng trò chuyện và chia sẻ. Qua quan sát, thầy nhận định đây là một trường hợp distress – tức căng thẳng cảm xúc nhất thời, có thể xảy ra khi học sinh bị dồn nén cảm xúc mà không tìm được lối thoát trong khoảnh khắc.
Distress thường chỉ kéo dài trong vài giờ hoặc một ngày, nhưng là thời điểm dễ xảy ra các hành động sai lầm nhất. Nếu có thể tạo ra một “khoảng dừng” – đủ để hành vi bột phát không xảy ra – thì cơ hội để các em kịp suy nghĩ lại và mở lòng đón nhận sự giúp đỡ sẽ tăng lên rõ rệt.
Trong mọi tình huống, yếu tố gia đình luôn giữ vai trò then chốt. Có những phụ huynh chủ động hợp tác, quá trình hỗ trợ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Nhưng cũng không ít trường hợp chính kỳ vọng cao, áp lực thành tích hoặc thiếu kết nối tình cảm từ phụ huynh lại khiến trẻ bị đẩy vào trạng thái rối loạn.
“Điều khiến tôi buồn nhất là khi phụ huynh sợ con mình bị kỳ thị nếu đi khám tâm lý. Sự ngại ngần ấy đôi khi khiến trẻ em không được hỗ trợ đúng lúc. Đừng quên: khám tâm lý cũng giống như khám răng, khám mắt – là một phần thiết yếu trong chăm sóc sức khỏe toàn diện”, thầy nhấn mạnh.
Tâm lý học đường không còn là vấn đề “cá biệt” mà là một nhu cầu thật sự trong hệ thống giáo dục hiện đại. Khi ngày càng nhiều học sinh rơi vào khủng hoảng bởi áp lực điểm số, kỳ vọng, hoặc những tổn thương tinh thần chưa được gọi tên, thì nhà trường cần trở thành một “khoảng an toàn” – nơi các em được thấu hiểu và được bảo vệ.
Điều đó đòi hỏi không chỉ sự hiện diện về mặt cơ sở vật chất, mà là cả một hệ sinh thái phối hợp giữa giáo viên, phụ huynh, chuyên gia và chính học sinh. Quan trọng hơn cả, xã hội cần thay đổi cách nhìn về sức khỏe tâm thần – không phải là điều đáng sợ, mà là một phần của việc lớn lên lành mạnh và trưởng thành mạnh mẽ.
Thủy Phạm
Bình luận (0)