Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Giúp học sinh học tốt môn lịch sử

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh THPT TP.HCM tìm hiểu bản đồ thế giới tại Hội trường TP để hiểu biết thêm về lịch sử nước nhà.  Ảnh: N.Trinh

Thực tế cho thấy học sinh (HS) vẫn còn thích môn lịch sử, giáo viên (GV) vẫn yêu bộ môn mình dạy chứ chưa phải là chán, ghét môn học này. Tuy nhiên, trên thực tế GV vẫn còn khó khăn khi lên lớp giảng dạy.

Do quy định của phân phối chương trình phổ thông nên bắt buộc GV phải dạy theo đúng tiến độ. Một tiết dạy thời lượng chỉ gói gọn trong 45 phút nhưng mất 10 phút ổn định và kiểm tra bài cũ, vì thế chỉ còn 35 phút thực dạy. Trong thời gian ngắn đó GV không thể áp dụng các hình thức dạy học khác để làm phong phú bài giảng mà phải truyền thụ đủ kiến thức theo sách giáo khoa cho người học để sau đó còn phải đáp ứng yêu cầu kiểm tra, đánh giá kết quả học tập cho HS. Đây là một khó khăn trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy bộ môn, đặc biệt là áp dụng các hình thức dạy học khác cho bộ môn lịch sử. 

Trước đây sách giáo khoa lịch sử hầu như chỉ đơn thuần trình bày nội dung quân sự, chính trị với kiến thức rộng lớn chi tiết khó nhớ thì hiện nay người biên soạn đã đưa vào những nội dung liên quan đến văn hóa, văn học làm cho kiến thức ngày càng hấp dẫn và thu hút hơn. Cũng như các môn học khác, về phương pháp giảng dạy lịch sử, cần theo những nguyên tắc cơ bản trong đổi mới.

Trước hết nội dung bài học phải phản ánh trung thực và khách quan các sự kiện lịch sử. Để tránh chi tiết vụn vặt thì nên lược bỏ những kiến thức không cơ bản, không cần thiết mà chỉ giữ lại những kiến thức cơ bản nòng cốt nhất. Phải làm sao có một không gian mở để HS tự tìm hiểu lịch sử, tự đến với lịch sử chứ không chỉ dạy sao thì các em chỉ biết vậy. Cách học tìm tòi giúp HS khám phá ra được nhiều điều hay trong lịch sử. Theo đó, ngoài những tiết dạy lý thuyết trên lớp cần có những giờ học tại bảo tàng, khu lưu niệm, di tích lịch sử… Qua đó người học chứng kiến được những dấu vết lịch sử vẫn còn ghi lại tại địa phương, mảnh đất mà mình đang sống. Đây là những hoạt động trải nghiệm có hiệu quả cao vì tất cả đều sống động và gần gũi.

Hiện đại hóa lịch sử là đánh giá lịch sử trên quan điểm thời hiện đại. Điều này cũng cần thiết vì nó thể hiện sự đổi mới trong cách nhìn lịch sử.

Xã hội hóa lịch sử cũng là điều cần làm, đó là thông qua các tác phẩm văn học, truyện tranh lịch sử, kịch lịch sử… để HS hiểu và nhớ về lịch sử. Vì thế những tác phẩm lấy đề tài lịch sử thường có tiếng vang, sức lan tỏa và gây hiệu ứng cao. Một câu chuyện lịch sử có thêm sự hư cấu cho nhân vật, chi tiết hay sự kiện thì câu chuyện đó càng thêm hấp dẫn, tạo những rung cảm thẩm mỹ cao hơn. Cách nhìn về lịch sử nhiều chiều như thế thì sẽ đầy đủ và bao quát hơn. 

Tuy nhiên, dù là tác phẩm văn học nhưng khi gắn với quá khứ, gắn với lịch sử thì phải chính xác trong cách truyền đạt. Dù hư cấu nhưng phải chừng mực và có điểm dừng. Đặc biệt không được xuyên tạc lịch sử, bóp méo sự kiện làm cho thời đại hiểu nhân vật lịch sử khác đi. Cái khó là cần phải phân hóa và dung hòa được hai yếu tố đó đối với người sáng tạo ra những tác phẩm lịch sử thông qua lăng kính văn học và nghệ thuật. Hiện đại hóa lịch sử là đánh giá lịch sử trên quan điểm thời hiện đại. Điều này cũng cần thiết vì nó thể hiện sự đổi mới trong cách nhìn lịch sử. Tuy nhiên yêu cầu trước hết phải đổi mới về nhận thức, nên coi đây là “kim chỉ nam” dẫn đường. Muốn vậy thì nguồn tài liệu có trong tay phải đầy đủ, chuẩn xác và uy tín. Những kiến thức thường chỉ tiếp cận hoặc tiệm cận với lịch sử, còn đòi hỏi chính xác 100% giống như bản sao là điều khó và không khả thi. Ví dụ như một tác phẩm điện ảnh hay sân khấu có đề tài lịch sử thì phải yêu cầu đạo diễn thận trọng trong cách bài trí cảnh, lựa chọn trang phục, âm nhạc chứ không thể chắp vá, vay mượn hoặc lấy của nước ngoài đưa vào. Có như vậy tác phẩm lịch sử mới đến được với mọi người và có sức thuyết phục với công chúng.

TS. Ngô Minh Oanh
(Viện trưởng Viện Giáo dục, ĐH SP TP.HCM) 

Bình luận (0)