HS Trường THPT Lê Quý Đôn học môn hóa được tích hợp từ nhiều phương pháp
|
Nhiều học sinh (HS) khi học lên cao không giữ được “phong độ” học tập như lớp dưới, đặc biệt là những HS vừa chuyển cấp. Vì thế, phụ huynh thấy lo lắng và cho rằng giáo viên dạy chưa tốt…
Tuy nhiên, đó không phải là lý do chính bởi vì ở mỗi bậc học đều có chương trình khác nhau, càng học lên cao thì chương trình càng khó, đòi hỏi HS phải nắm bắt phương pháp học từng môn.
Càng học lên cao… càng dở?
Là HS giỏi 5 năm liền ở tiểu học, tuy nhiên sang lớp 6, kết quả kiểm tra đầu năm môn toán của Dũng – con chị Mai Thị Thanh (quận Bình Thạnh) – chỉ đạt điểm 6-7. Chị thắc mắc không hiểu lý do tại sao con mình học tập ngày càng sa sút. Chị kể: “Ở tiểu học cháu luôn làm tôi hài lòng bởi thường xuyên đạt điểm 9-10, vậy mà sang THCS, các môn thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên cháu cố gắng lắm mới được 7-8 điểm. Sau gần nửa học kỳ, tôi phải thuê gia sư về kèm cặp thêm thì cháu mới học tốt hơn”.
Không chỉ HS từ tiểu học lên THCS mới bị điểm kém mà HS từ THCS lên THPT cũng nằm trong trường hợp trên. “Ở THCS tất cả các môn con tôi đều đạt loại giỏi nhưng lên THPT, có những môn cháu vẫn giữ vững điểm số ấy nhưng nhiều môn thì thấp hẳn. Tôi rất lo lắng vì nếu kéo dài tình trạng này thì cháu sẽ gặp khó khăn khi thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt là ở môn hóa học…”, anh Hồ Văn Nam (quận 1), có con trai năm nay lên lớp 12, chia sẻ.
Trước thực trạng này, cô Phạm Thị Thủy – Hiệu trưởng Trường THCS Điện Biên (quận Bình Thạnh) – phân tích: “Nhiều năm làm trong ngành giáo dục, tôi thấy thực tế đúng như vậy. Tuy nhiên, cũng có trường hợp ngược lại là một số HS tiểu học và THCS học bình thường nhưng khi lên THPT thì có nhiều bước đột phá”.
Tăng cường “cầu nối” giữa phụ huynh và nhà trường
Nhiều giáo viên nhận định, có rất nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến việc học tập của HS ở môi trường mới. Trong đó, việc nắm bắt phương pháp học là một yếu tố đóng vai trò quyết định. Thầy Cao Đức Khoa – Hiệu trưởng Trường THCS Võ Trường Toản (quận 1) – chia sẻ: “Nếu ở tiểu học, các em thường được giáo viên “cầm tay chỉ việc” thì sang THCS các em cần chủ động hơn. Đồng thời, từ bậc THCS trở đi, các em học 9-10 môn, mỗi môn là một giáo viên dạy trong khoảng 45 phút/tiết nên họ không thể dành nhiều thời gian quan tâm đến HS như ở tiểu học. Vì vậy, các em sẽ gặp khó khăn trong việc nắm bắt phương pháp mới dẫn đến việc học bị sa sút. Tuy nhiên, trải qua thời gian ngắn, được sự giúp đỡ của giáo viên cũng như có sự cố gắng để thích nghi thì các em sẽ bắt nhịp kịp thời”.
Trên thực tế, chương trình mỗi bậc học đều có những mức độ yêu cầu khác nhau, điều này dẫn đến phương pháp học cũng phải thay đổi. Nếu ở tiểu học các em được giáo viên hướng dẫn từng ly từng tí thì sang THCS có nhiều môn học đòi hỏi HS phải chủ động nắm bắt; sang THPT lượng kiến thức đưa ra nhiều hơn nên yêu cầu HS phải biết chọn ban phù hợp để học tập. Thầy Cao Xuân Hùng – Phó hiệu trưởng Trường THPT Thanh Đa – cho biết: “Chương trình THPT có lượng kiến thức lớn và khó hơn THCS nên nhiều em HS cảm thấy khó khăn khi tiếp nhận tri thức. Chẳng hạn ở bộ môn hóa học, sách giáo khoa lớp 10 dày gấp đôi so với sách lớp 9, ngay bài đầu đã học về phần hữu cơ rất trừu tượng nên HS cần có những phương pháp học mới để dễ tiếp thu. Thông thường, ngay từ đầu năm học giáo viên có một vài tiết giới thiệu yêu cầu, mục đích, phương pháp của môn học để HS biết”.
Để nắm bắt phương pháp kịp thời, thầy Cao Đức Khoa đưa ra lời khuyên: “Giáo viên cần nhiệt tình hơn trong việc giảng dạy, tìm hiểu tâm lý của các em. Còn về bản thân HS, nếu có vấn đề gì thắc mắc nên mạnh dạn hỏi giáo viên để được giải đáp, chỉ rõ phương pháp nắm bắt bài học nhanh, sâu và kịp thời”.
Theo nhiều giáo viên, yếu tố sở thích cũng ảnh hưởng không ít đến việc học của HS. Vì vậy, khi nhận hồ sơ vào lớp 10, nhiều trường THPT trên địa bàn TP.HCM đã tổ chức tư vấn cho phụ huynh và HS để lựa chọn ban phù hợp với năng lực, sở thích của các em. “Việc theo đuổi ban cơ bản nào là do các em quyết định, phụ huynh không nên bắt ép con phải đi theo nguyện vọng của mình bởi nếu học không đúng sở thích thì các em rất dễ chán học”, thầy Trần Hữu Hòa – Phó hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie – chia sẻ.
Ngoài ra, HS THCS lên THPT có sự chuyển biến mạnh mẽ về tâm sinh lý, trong đó chuyện tình cảm trai gái cũng là vấn đề cần bàn tới. “Nhiều em HS khi lên THPT là sa đà vào chuyện yêu đương mà quên nhiệm vụ quan trọng của mình là học tập. Vì thế, gia đình và giáo viên phải gần gũi, chia sẻ với HS như những người bạn để chỉ rõ cho các em hiểu tình yêu tuổi học trò vốn rất trong sáng, phải biết sắp xếp thời gian hợp lý để chuyện tình cảm không ảnh hưởng đến học tập, đôi khi còn là động lực giúp các em học tốt hơn. Muốn làm được điều này, giáo viên và phụ huynh cần có mối quan hệ gắn kết thường xuyên chứ không phải là vài ba buổi họp phụ huynh định kỳ trong năm học” – cô Phạm Thị Thủy nói.
Bài, ảnh: Dương Bình
Gia đình và giáo viên phải gần gũi, chia sẻ với HS như những người bạn để chỉ rõ cho các em hiểu tình yêu tuổi học trò vốn rất trong sáng, phải biết sắp xếp thời gian hợp lý để chuyện tình cảm không ảnh hưởng đến học tập. |
Bình luận (0)