Một “cán bộ” đang điều khiển lớp tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ |
Trong khi đa số các trường tiểu học trên địa bàn TP.Đà Nẵng tổ chức bầu ban cán sự lớp vào đầu năm học mới và sự thay đổi nhân sự rất hiếm khi xảy ra thì ở Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (TP.Đà Nẵng) lại áp dụng mô hình luân phiên cán sự. Bước đột phá này phần nào giúp học sinh (HS) vốn nhút nhát có cơ hội tự tin, mạnh dạn hơn…
Theo nếp cũ, hễ em HS nào làm lớp trưởng từ lớp 1 thì các năm sau cứ thế làm mãi. Có nhiều em làm lớp trưởng suốt cả 12 năm học. Sự thay đổi cán sự ở các lớp và các cấp học có xảy ra nhưng hầu như lâu nay không mấy ai chú ý đến việc giúp HS, đặc biệt là các em rụt rè, nhút nhát trở nên mạnh dạn, tự tin hơn. Thầy Cao Hữu Công, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hải Châu), chia sẻ: “Môi trường học tập, sinh hoạt ngay từ bậc mầm non, tiểu học có ảnh hưởng không nhỏ đến tính cách của các em HS sau này. Sự luân phiên cán sự lớp là giúp các em có cơ hội để được đứng trước đám đông, hết có cảm giác sợ sệt hoặc rụt rè. Đây là mô hình mà nền giáo dục Singapore áp dụng rất phổ biến. Thấy hay nên nhà trường thử làm theo. Ở Singapore, chức danh lớp trưởng được gọi là “phát thanh viên” cho giáo viên chủ nhiệm (GVCN). Theo đó, cứ mỗi tuần, ở nước này, các lớp học bậc tiểu học lại thay đổi một “phát thanh viên””.
Để phù hợp với môi trường ở Việt Nam cũng như sĩ số HS quy định ở mỗi lớp học, Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ áp dụng mỗi tháng thay đổi lớp trưởng, lớp phó và tổ trưởng, tổ phó một lần. “Lúc đầu mới áp dụng, người ta dễ nghĩ đến việc luân phiên là dạy HS làm lãnh đạo nhưng thực chất là giúp các em tự tin hơn để hòa nhập với môi trường tập thể. Từ đó mới có thể làm việc nhóm và sinh hoạt tập thể một cách tốt nhất”, thầy Cao Hữu Công nói.
Cô Phan Ánh Thu, giáo viên chủ nhiệm khối lớp 3, cho biết: “Việc chọn cán sự lớp theo hình thức bốc thăm ngẫu nhiên nên các em rất hứng thú. Có nhiều em vốn rụt rè, ít giao lưu với bạn bè khi bốc thăm trúng chức danh lớp trưởng cứ thao thức suốt đêm không ngủ được vì hồi hộp. Có em, sau khi “trúng cử” chưa nắm vững “kỹ năng” điều hành lớp nên đến lớp trưởng cũ hỏi rất ngây thơ: Để các bạn xếp hàng, giữ yên trật tự, bạn hô như thế nào? Giờ truy bài thì hỏi câu hỏi gì? Không chỉ hỏi bạn, có nhiều em mang tâm tư đó về hỏi luôn cả phụ huynh và anh chị trong gia đình. Sự trăn trở đó chứng tỏ các em ý thức được trách nhiệm của mình”.
Theo cô Ánh Thu, việc áp dụng mô hình luân phiên cán sự này đã tạo được không khí hào hứng cho HS trong học tập, sinh hoạt. Trên thực tế, do ít con nên phụ huynh thường chiều chuộng con em mình một cách thái quá. Xem con là “ông trời con” nên lúc đến trường có nhiều tình huống HS đổ lì khiến cô giáo cười ra nước mắt. Thông qua mô hình thay đổi chức danh cán sự lớp hàng tháng, mỗi em trở nên có trách nhiệm với công việc, có ý thức hơn trong việc tự rèn mình. Em Nguyễn Minh Trí, lớp trưởng lớp 3/1, phấn khởi nói: “Khi bốc được thăm làm lớp trưởng con cứ thao thức cả đêm không ngủ được. Trước đây con chưa hề làm cán bộ lớp bao giờ nên không hiểu gì về kỹ năng điều khiển cũng như quản lý lớp. Bây giờ qua một tháng con thấy mình biết được rất nhiều về sinh hoạt tập thể. Con đã có thể đứng trước các bạn mà không còn thấy e ngại nữa”. Còn em Nguyễn Ngọc Hân, HS lớp 4 thì chia sẻ: “Hồi trước mỗi lần con bị cô giáo gọi đứng dậy đọc bài là đã run rồi. Bây giờ con được làm lớp trưởng, nhiều lần quản lý các bạn khi cô giáo vắng mặt rồi truy bài, trao đổi với các bạn con thấy tự tin hơn không còn run nữa”.
Nói về hiệu quả của mô hình, thầy Cao Hữu Công phấn khởi: “Qua một năm triển khai thực hiện, mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả tích cực, tạo không khí thi đua học tập sôi nổi. Cái chính thu được là bản thân mỗi em đều tự ý thức được việc mình phải làm gương cho các bạn khác noi theo. Từ đó lớp học đã hạn chế đến mức tối đa các thành phần quậy. Hầu hết theo ghi nhận của phụ huynh, các em ngoan hơn và có ý thức hơn trong việc ăn, nghỉ và làm bài tập ở nhà”.
“Giữa vòng xoáy của nhịp sống hiện đại, các em cần được trang bị những kỹ năng mềm, từ đó có ý thức làm chủ bản thân để tránh xa mọi cám dỗ, hướng đến tương lai tốt đẹp. Đó cũng chính là mong muốn của nhà trường khi quyết định xây dựng mô hình này”, thầy Công cho biết.
Bài, ảnh: Vĩnh Yên
Bình luận (0)