Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Giúp học sinh nhận diện bạo lực học đường và kỹ năng ứng phó

Tạp Chí Giáo Dục

Giúp học sinh nhận diện bạo lực học đường và kỹ năng ứng phó - Audio
00:00 / 00:00
An audio error has occurred, player will skip forward in 2 seconds.
  1. 1 Giúp học sinh nhận diện bạo lực học đường và kỹ năng ứng phó Audio

Tại sự kiện giao lưu, chia sẻ và ra mắt sách “Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường” dành cho học sinh tiểu học sáng 31-3, các chuyên gia tâm lý đồng thời là tác giả sách đã giúp học sinh nhận diện hành vi của bạo lực học đường và kỹ năng ứng phó.

Tại chương trình, trả lời câu hỏi của TS. tâm lý Tô Nhi A “Làm sao biết mình bị bạo lực học đường”, hàng loạt cánh tay học sinh Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo đã giơ lên. Có em trả lời rằng bị đánh, em thì cho biết “bị ngắt tay”, em thì cho biết “bị bóp cổ”, “bị body shaming” (chê bai, nhạo báng ngoại hình)… Qua những tương tác đó của học sinh, theo TS. Tô Nhi A các em học sinh của trường đã có hiểu biết nhất định về bạo lực học đường, dù mới ở lứa tuổi nhỏ.

Buổi chia sẻ diễn ra sáng 31-3 đã “chỉ dẫn” học sinh nhiều thông tin hữu ích về kỹ năng nhận diện và ứng phó với bạo lực học đường

Tuy nhiên chuyên gia này cho biết thêm: bạo lực học đường không chỉ là “những đụng tay đụng chân” ở trong trường trong lớp, hiện nay còn có kiểu bạo lực mạng, bạo lực tâm lý…

“Khi các em đang bị bắt nạt, bị bạo lực học đường, các em phải biết cách tự bảo vệ an toàn cho bản thân. Có nhiều cách để bảo vệ an toàn cho bản thân như: chạy đi, tự vệ, tìm đường bỏ đi chỗ khác…  Nếu tình huống tiếp tục diễn ra sau đó, học sinh phải chia sẻ với những người tin cậy để xử lý, như chia sẻ diễn biến với bố mẹ và cùng bố mẹ tìm những biện pháp tiếp theo để chấm dứt bạo lực học đường” – TS. Tô Nhi A đưa ra lời khuyên.

ThS. Nguyễn Hải Uyên – chuyên gia tâm lý khuyên học sinh cần có thái độ rõ ràng với những hành vi bạo lực học đường của bất kỳ ai đối với bản thân các em.

“Các em cần chia sẻ với những người tin cậy. Bên cạnh những người tin cậy như cha mẹ, thầy cô thì có một tổng đài bảo vệ các em là 111” – bà Uyên nêu rõ đến học sinh.

Học sinh hào hứng tương tác với các chuyên gia, tìm hiểu về bạo lực học đường

Trong khi đó, nghiên cứu sinh ngành tâm lý học Trường ĐH Sư phạm TP.HCM – Đào Lê Tâm An lại lưu ý đến học sinh kỹ năng ứng phó với các hành vi bạo lực mạng, bị bắt nạt trên các nền tảng mạng xã hội bằng cách “dừng tranh luận và báo với cha mẹ” về hành vi bắt nạt trên mạng.

Tại buổi giao lưu, nhà báo Hoàng Hương – đồng tác giả của 2 cuốn sách “Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường” dành cho học sinh tiểu học và trung học đã đặt ra cho các em học sinh câu hỏi như sau: “Các vụ bạo lực học đường thường có 2 phe, một phe là nạn nhân của bạo lực học đường, một phe đi đánh bạn. Theo em phe nào đúng?”.

Hàng loạt cánh tay đã giơ lên nhưng thật bất ngờ tất cả câu trả lời của học sinh đều có một đáp án “không bên nào đúng cả. Chúng em không thích bạo lực học đường.” Câu trả lời của những em học sinh đã nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt của nhiều chuyên gia, nhà giáo và các bậc phụ huynh tại sự kiện.

Phụ huynh hãy dành thời gian tương tác với con thường xuyên, mỗi ngày

Bộ sách “Kỹ năng ứng phó bạo lực học đường” gồm 2 cuốn, 1 dành cho học sinh tiểu học và 1 dành cho học sinh cấp trung học. Bộ sách do Báo Tuổi trẻ phối hợp với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục Phương Nam biên soạn, xuất bản.

Các em học sinh thích thú tìm hiểu cuốn sách

Trong bối cảnh cuộc sống học đường hiện nay, TS. Tô Nhi A khuyên phụ huynh hãy dành thời gian để tương tác với các con thường xuyên, hàng ngày để học sinh không bị rơi vào cảnh bị bạo lực học đường và nếu rơi vào cảnh bạo lực học đường thì cha mẹ cũng là nơi tin cậy để học sinh chia sẻ và có hướng để chấm dứt bạo lực học đường.

“Trong suốt 25 năm làm nghề, tôi nhận thấy rằng phụ huynh chúng ta dành cho con rất ít thời gian và dành thời gian chưa đúng. Điều quan trọng là con cần ít thời gian của cha mẹ nhưng cha mẹ phải cho con thời gian đều đặn, hàng ngày, ngày nào cũng phải có (10 phút mỗi ngày) để đồng hành cùng các con về tinh thần, cùng con giải quyết những sự việc xảy ra trong cuộc sống”, TS. Tô Nhi A khuyên.

Yến Hoa

 

Bình luận (0)