“Bất cứ lúc nào các em học sinh cũng có thể trở thành nạn nhân của nỗi cô đơn trong học đường. Và chỉ có tình yêu thương, sự bao dung của các thầy cô giáo mới giúp các em học sinh vượt qua những nỗi cô đơn đó…”, TS. Nguyễn Thanh Hùng (Trưởng khoa Quản lý Giáo dục, ĐH Sư Phạm Huế) chia sẻ trong Toạ đàm “Cô đơn trong học đường” vừa được Trường THPT Nguyễn Du (Q.10) tổ chức.
Các chuyên gia chia sẻ trong tọa đàm
ThS. Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) cho rằng, có nhiều nguyên nhân khiến một học sinh cảm thấy “cô đơn trong học đường” như điểm số, bạo lực học đường về góc độ tinh thần, thể xác, câu chuyện gia đình, tình cảm mới lớn… “Thông qua toạ đàm, một lần nữa để nhà trường, giáo viên nhìn lại phương pháp hỗ trợ, giáo dục học sinh, làm sao để không chỉ truyền thụ kiến thức mà còn trở thành nơi để học sinh tin tưởng, giãi bày, là “điểm tựa” để học sinh vượt qua những nỗi buồn học đường”.
Từ thực tế câu chuyện giáo dục con mình, ThS. Nguyễn Hồ Thuỵ Anh (Thành viên Hiệp hội Tâm lý TP.HCM) cho rằng, trong nhà trường hay trong gia đình cũng vậỵ, để trẻ không cảm thấy cô đơn là khi người lớn chúng ta tạo ra được cho trẻ môi trường không phán xét, để trẻ được thảo luận, tỏ bày, dám nói lên những nỗi buồn, những mâu thuẫn, mong muốn của bản thân. “Nếu được hãy trang bị cho trẻ một niềm đam mê nào đó, một bộ môn nghệ thuật nào đó để giải toả nỗi cô đơn, những ức chế tâm lý”.
Trang bị cho bản thân một môn nghệ thuật, học võ… cũng là cách để chế ngự và vượt qua nỗi cô đơn học đường được TS. NSND Bạch Tuyết đưa ra. “Khi bản thân các em không tự tin thì chuyện gì cũng có thể xảy ra. Tìm đến, trang bị cho mình một bộ môn nghệ thuật, học võ để chế ngự nỗi cô đơn đó. Tinh thần thượng võ sẽ giúp các em tránh xa bạo lực học đường, tình yêu nghệ thuật sẽ giúp các em yêu đời, yêu người hơn. Nhà trường, ba mẹ hãy trao cho con cách để con tự vệ bản thân mình- đó cũng chính là cách để con vượt qua nỗi cô đơn. Trao cho con sự tự tin bằng cách nói chuyện cùng con, đừng làm con sợ mà hãy làm bạn cùng con”.
Đứng ở góc độ GVCN, thầy Lâm Vũ Công Chính (giáo viên Trường THPT Nguyễn Du) nhìn nhận rằng, nỗi cô đơn học đường có thể xuất hiện bất cứ lúc nào ở học sinh, nặng hay nhẹ và cần người GVCN phải thật sự quan tâm, chăm sóc. “Cách đây 2 năm, khi tôi làm GVCN một lớp 12. Có một học sinh nữ nói rằng, con không muốn đi học nữa. Tôi cũng đã trao đổi với gia đình và nói chuyện, động viên em đi học. Thế nhưng, mỗi lần vào lớp em lại khóc, em nói rằng chỉ cần nhìn lên bảng thấy những con số là em không chịu được. Có những đêm, khuya rồi em học sinh đó gọi nói với tôi rằng, thầy ơi nếu bây giờ con ngủ và vĩnh viễn không tỉnh dậy thì sẽ thế nào ạ. Em học sinh đó cũng thường xuyên tự làm đau mình…, em không nói chuyện được với gia đình và chỉ nói chuyện được với tôi. Để giúp em vượt qua thời điểm khó khăn đó, một mặt tôi kết nối với gia đình em, làm cầu nối để em và ba mẹ đến gần nhau hơn, một mặt tôi xin ý kiến của các chuyên gia tâm lý, kiên trì từng bước một giúp em vượt qua. Hiện tại, em đã làm sinh viên năm 2 của một trường ĐH nổi tiếng tại TP.HCM”, thầy Chính xúc động kể.
Từ câu chuyện của mình, thầy Chính cho rằng, thầy cô với học sinh phải như cha mẹ chăm sóc con cái. Sẽ có những đứa con ba mẹ có thể “nhẹ lòng”, thoải mái nhưng cũng có những đứa con ba mẹ phải quan tâm nhiều hơn. “Bớt chút thời gian của mình, lắng nghe các em nói, đồng hành cùng các em… sẽ là cách mỗi giáo viên giúp các em vươt qua nỗi cô đơn của mình”.
Trong khi đó, TS. Hùng nhắn nhủ đến học sinh rằng, bất cứ lúc nào các em cảm thấy cô đơn, các em hãy nhớ rằng chúng ta luôn có những người bạn tốt, có ba mẹ, có thầy cô. Hãy yêu thương ba mẹ, chia sẻ với ba mẹ nỗi buồn của mình để nhận lấy niềm hạnh phúc. “Nếu chúng ta biết đứng dạy cùng với những người thương yêu của mình thì cô đơn sẽ bị đẩy lùi”, TS. Hùng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)