Nâng cao nhận thức, văn hóa ứng xử trong nhà trường là yêu cầu được ngành GD-ĐT TP.HCM đặt ra trong năm học này nhằm xây dựng môi trường học tập thân thiện, lành mạnh, xây dựng tốt mối quan hệ giữa thầy và trò, giữa gia đình và nhà trường.
Giáo viên hãy là điểm tựa giúp học sinh vượt qua khủng hoảng (ảnh minh họa)
Để có thể xây dựng tốt được các mối quan hệ đó, ngoài vai trò tiên phong của người quản lý thì “chỗ đứng” của người giáo viên cũng cực kỳ quan trọng, làm sao có thể thích ứng, linh hoạt với từng độ tuổi học sinh, đặc biệt là biết quản lý cảm xúc, giúp học sinh sống cùng khủng hoảng.
Trở thành điểm tựa của học sinh
Nhìn nhận về tâm lý học sinh hiện nay, chuyên gia tâm lý Huỳnh Anh Bình khẳng định, học sinh thế hệ bây giờ khác rất nhiều, cả về suy nghĩ cũng như quan điểm. Rất nhiều xu hướng mới mà nếu không hiểu tâm lý học sinh, không đặt mình vào vị trí của các em thì gia đình, nhà trường, giáo viên sẽ không thể nào hiểu được. “Ở mỗi độ tuổi, một bậc học, các em sẽ có những tâm lý khác nhau, thích làm, thích thể hiện những điều khác nhau nhưng gọi chung đó là khủng hoảng. Các em luôn muốn khẳng định, thể hiện giá trị của bản thân trước mọi người và thường bị chi phối bởi những điều xung quanh như bạn bè, các xu hướng, trào lưu trên mạng xã hội”, ông Bình nói.
Ở góc độ nhà trường, ông Bình cho rằng để giúp học sinh sống chung được với những khủng hoảng, người giáo viên cần phải hiểu được khủng hoảng đó của các em bắt đầu từ đâu. “Mạng xã hội đang tác động mạnh đến giới trẻ. Các trào lưu mới đều đến từ mạng xã hội, trong đó có rất nhiều trào lưu nguy hiểm. Trên mạng xã hội sẽ là một thế giới hoàn toàn khác so với thế giới ở trường học hay tại gia đình, chỉ cần các em “sẩy chân” một cái là ngay lập tức các em sẽ bị lôi kéo, dụ dỗ vào những tiêu cực. Như vậy, không cách nào khác, để có thể hiểu được học sinh, giúp các em sống chung với khủng hoảng thì chính bản thân thầy cô phải trở thành điểm tựa để các em tựa vào, trưởng thành”, ông Bình nhấn mạnh.
Phụ trách công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, cô H. (giáo viên tâm lý tại một trường THPT ở Q.Tân Phú) cho hay, trong thế giới của học sinh hiện nay có rất nhiều điều khác biệt. Ngày càng nhiều học sinh có xu hướng thành lập, tham gia vào các nhóm kín và chia sẻ những điều trăn trở, băn khoăn, những vấn đề của bản thân lên đó để tìm hướng giải quyết hơn là tìm đến người lớn, giáo viên, gia đình. “Các nhóm kín đó có những nhóm cực kỳ tiêu cực, thậm chí là cực đoan mà gia đình, nhà trường, giáo viên không thể nào xâm nhập được. Có thể trên lớp, trên trường, các em là một con người khác nhưng khi lên mạng xã hội, trong các nhóm kín đó, các em lại là một con người khác. Muốn hiểu được các em, xây dựng được mối quan hệ thầy trò, thiết lập được văn hóa ứng xử, mỗi giáo viên cần phải bước vào thế giới của các em”, cô H. chia sẻ.
Kể lại câu chuyện của một học sinh nữ lớp 8 tại trường trong năm học này, hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Bình Thạnh vẫn chưa hết… kinh ngạc. Vị hiệu trưởng này cho hay, trên lớp, học sinh đó được thầy cô, bạn bè đánh giá là ngoan hiền, thậm chí còn rất nhút nhát, trầm tính. Tuy nhiên, khi gia đình gặp nhà trường nhờ sự trợ giúp vì vô tình vào mạng xã hội thấy các hình ảnh “lớn trước tuổi” của con gái thì nhà trường, giáo viên mới ngỡ ngàng. Nhà trường đã cử giáo viên chủ nhiệm thường xuyên nói chuyện với em, các buổi nói chuyện không chỉ diễn ra tại lớp mà còn ở quán nước, trên mạng với ngôn từ gần gũi như một người bạn. “Có nghĩa là thế giới trên lớp, ở trường và thế giới trên mạng xã hội của học sinh là hoàn toàn khác nhau. Những gì học sinh thể hiện ở lớp chưa chắc đã đúng với mong muốn và cảm xúc của các em. Học sinh cần một điểm tựa để thấu hiểu, giúp các em phân biệt được các xu hướng, trào lưu tốt, xấu…”, vị hiệu trưởng nói.
“Đưa hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng thành nội dung xuyên suốt trong kế hoạch năm học”
“Thế giới trên lớp, ở trường và thế giới trên mạng xã hội của học sinh là hoàn toàn khác nhau. Những gì học sinh thể hiện ở lớp chưa chắc đã đúng với mong muốn và cảm xúc của các em. Học sinh cần một điểm tựa để thấu hiểu, giúp các em phân biệt được các xu hướng, trào lưu tốt, xấu…”, hiệu trưởng một trường THCS ở Q.Bình Thạnh nói. |
Đây là thông tin được ông Dương Trí Dũng (Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM) đưa ra tại buổi tập huấn văn hóa ứng xử trong trường học năm học 2020-2021 được Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức mới đây. Theo ông Dũng, văn hóa ứng xử trong nhà trường bên cạnh là văn hóa ứng xử giữa thầy và trò, nhà trường với gia đình thì còn có văn hóa ứng xử trong đội ngũ nhà trường. Quá trình kiểm tra, giám sát của Sở GD-ĐT về công tác chính trị tư tưởng tại nhà trường, nhận thấy vẫn còn một bộ phận giáo viên, đơn vị chưa cập nhật hết các nội dung, văn bản liên quan đến quyền, nghĩa vụ của đội ngũ trong nhà trường dẫn đến tồn tại một số vấn đề, ảnh hưởng đến việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh trong chính đơn vị. “Không chỉ có công tác giảng dạy, công tác chính trị tư tưởng cũng là một trong những nội dung tiên quyết, quyết định sự đi lên của nhà trường. Vì vậy, đề nghị mỗi nhà trường cần đưa công tác chính trị tư tưởng trở thành nội dung xuyên suốt khi thực hiện hoạt động giáo dục, đẩy mạnh mối quan hệ giữa thầy và trò trong nhà trường, cập nhật kiến thức. Song song với việc triển khai, phải có công tác thanh kiểm tra, đẩy mạnh quy tắc ứng xử trong nhà trường”, ông Dũng lưu ý.
Bên cạnh đó, ông Dũng cũng đề nghị người đứng đầu mỗi nhà trường cần chỉ đạo, quan tâm, phổ biến cho giáo viên những kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử trong nhà trường để thầy cô tập trung xây dựng kế hoạch giáo dục, đảm bảo hoạt động giáo dục đi đúng quỹ đạo, đào tạo thế hệ tương lai với kiến thức, văn hóa, nhận thức đúng đắn. “Chỉ số của trường học hạnh phúc đó chính là tình yêu thương. Tình yêu thương của giáo viên với học sinh, tình yêu thương giúp đỡ lẫn nhau của đồng nghiệp. Đôi khi chỉ một câu chuyện nhỏ, hành động đẹp cũng đủ tác động đến tình yêu thương, làm thay đổi nhận thức của học sinh. Mỗi thầy cô giáo hãy luôn biết quản lý cảm xúc của mình, khơi lên trong học sinh tình yêu thương, không phán xét. Từ tình yêu thương sẽ hạn chế được bạo lực học đường, sẽ xây dựng được văn hóa ứng xử, trường học hạnh phúc”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)